Không để lái buôn đánh quả, ép giá, ăn chênh lệch quá nhiều

Chia sẻ Facebook
05/08/2022 13:57:29

Không để khâu trung gian "đánh quả", ép giá người nông dân "ăn" chênh lệch quá nhiều. Bởi người nông dân của chúng ta luôn là người yếu thế, nhiều khi bị các lái buôn ép giá. Trong vấn đề này đạo đức kinh doanh là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, nhà nước phải có chế tài để xử lý tình trạng này.


Khâu trung gian hưởng lợi quá nhiều

Tại tọa đàm "Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm – Thực trạng và giải pháp" được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào 14h chiều ngày 4/8, người dẫn chương trình nêu vấn đề: Trong hoạt động quản lý thị trường hiện nay, có "một căn bệnh mãn tính" đó là sự phân phối không công bằng.

Theo đó, cấp trung gian hưởng lợi quá nhiều, trong khi bản thân nhà sản xuất chưa chắc đã lãi nhiều và người dân, người tiêu dùng phải mua hàng giá đắt.

Nếu không có giải pháp quản lý hiệu quả hơn, không giải quyết được điểm nghẽn trên, thì câu chuyện "té nước theo mưa", hay giá cả hàng hóa "lên nhanh, xuống chậm" sẽ rất khó chấm dứt.

Người nông dân luôn là người yếu thế, bị lái buôn ép giá

Bày tỏ quan điểm của mình, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh: Đây là vấn đề lâu nay của chúng ta. Theo ông, một trong những "điểm nghẽn" trong câu chuyện này chính là chi phí về logistics.

Hiện Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt nhằm tiết giảm chi phí trong khâu này. Nếu xử lý được sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, nhất là câu chuyện liên quan đến giá cả, từ giá đầu cho đến giá cuối qua khâu trung gian.

Theo TS. Cấn Văn Lực, điểm thứ hai cũng rất quan trọng trong câu chuyện quản lý giá cả là văn hóa kinh doanh.

"Khâu trung gian rõ ràng là không thể đánh quả, không thể ăn chênh lệch quá nhiều. Ép giá người nông dân, bởi người nông dân của chúng ta luôn là người yếu thế. Nhiều khi là các lái buôn ép giá.

Chỗ này tôi nghĩ đạo đức kinh doanh là vô cùng quan trọng. Mà rõ ràng là cần phải có biện pháp chế tài để xử lý tình trạng này", chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nêu rõ.


Muốn gì thì muốn, phải công khai, minh bạch về giá

Thứ ba, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ "tôi thấy nước ngoài làm rất tốt và chúng ta nên học tập. Đó là muốn gì thì muốn là phải công khai, minh bạch.

Tôi biết chắc chắn rằng đến khâu này giá bị đội lên chừng này, đến khâu kia giá đội lên chừng kia. Như thế tôi biết chắc khâu nào cần phải xử lý.

Chúng ta không "đánh dàn trải", bởi như thế lại không công bằng đối với những khâu trung gian khác.


Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

TS. Cấn Văn Lực cũng bày tỏ mong muốn tới đây chúng ta phải thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Đây là cơ hội vàng, cơ hội ngàn năm có một để chúng ta thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, giúp công khai, minh bạch.

Ông ủng hộ việc Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải vừa qua đã quyết liệt triển khai thanh toán phí không dừng của Bộ Giao thông vận tải.

"Rõ ràng bây giờ đường không bị ách tắc nữa rồi. Thứ hai là rất công khai, minh bạch và xin thưa, đấy là một trong hai biện pháp rất quan trọng theo nghiên cứu của quốc tế để phòng, chống tham nhũng. Không tiền mặt lập tức chuyện phòng, chống tham nhũng sẽ được đẩy lên rất tốt".


Tiết giảm chi phí thủ tục hành chính để giảm giá

Cuối cùng là cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan, bộ, ngành có liên quan để giảm bớt những chi phí thủ tục hành chính vẫn còn cao.

"Chi phí giao dịch, chi phí kinh doanh, chi phí thủ tục hành chính của chúng ta cao quá". Và đương nhiên doanh nghiệp tính luôn vào giá thành.

Lấy ví dụ trong lĩnh vực bất động sản, "giá đất của chúng ta đâu đó vào khoảng 20-25% là chi phí giao dịch, tức là người ta đã tính vào giá mua nhà, bán nhà và cuối cùng người dân, người mua nhà phải chịu", TS. Cấn Văn Lực cho rằng giảm bớt chi phí thủ tục hành chính là một khâu rất quan trọng để quản lý giá hiệu quả.

Chia sẻ Facebook