Không để giàu lại giàu thêm do làm ăn phi pháp
Nhiều đại biểu nêu ý kiến của cử tri, nhân dân bày tỏ bức xúc, bất bình trước các vụ việc xảy ra gần đây như nâng khống giá kit xét nghiệm, thao túng thị trường chứng khoán, giàu lại giàu thêm do làm ăn phi pháp.
Sáng 8-5 tại Hà Nội, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 12 (khóa IX) cho ý kiến vào dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để gửi tới kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Văn Chiến - chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - cho biết đây là báo cáo rất quan trọng trước Quốc hội, đòi hỏi có tính xây dựng, thẳng thắn, toàn diện, nêu được cả mặt tốt và những điểm còn băn khoăn trăn trở, lo lắng.
Vì vậy, việc nâng cao chất lượng của báo cáo cũng là dịp để nâng cao vị thế, uy tín của MTTQ Việt Nam.
Nêu ý kiến tại hội nghị, bà Hà Thị Nga - chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam - cho rằng dự thảo cần phản ánh đậm nét hơn sự lo lắng của cử tri trước những sự việc bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em trong thời gian vừa qua như vụ bé gái 8 tuổi tử vong do bị mẹ kế bạo hành tại TP.HCM, bé gái bị cha dượng xâm hại ở Sơn La, và mong muốn cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan đến vấn đề này.
Bà cũng đề nghị các cấp ủy chính quyền địa phương phải có giải pháp cụ thể để vận động xã hội, tích cực tham gia vào công tác phòng, chống, phát hiện sớm các vụ việc, tránh tình trạng các vụ việc kéo dài dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Cùng với đó, bổ sung các giải pháp phát hiện, phòng ngừa và giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; tiếp tục phát huy các đường dây nóng về phòng chống bạo lực gia đình; cần tổ chức nghiên cứu các mô hình "Nhà tạm lánh", dịch vụ tư vấn, hỗ trợ cho các nạn nhân của bạo lực gia đình, cụ thể hóa các giải pháp trong luật, nêu ra những hạn chế bất cập của pháp luật hiện hành nói chung cũng như trong việc sửa đổi Luật phòng chống bạo lực gia đình sắp tới.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn - nêu ý kiến về các vấn đề thanh niên quan tâm như: việc làm cho thanh niên sau đại dịch, đặc biệt là vấn đề bạo lực trẻ em gái, bạo lực trong gia đình…
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cũng đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo xem xét lại một cách thận trọng việc dạy và học môn lịch sử và các chương trình giáo dục phổ thông, trong đó có việc đưa môn lịch sử vào làm môn học bắt buộc.
Cùng góp ý liên quan đến vấn đề giáo dục, bà Nguyễn Lan Hương - chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội - chia sẻ bên cạnh đánh giá về chất lượng dạy và học trực tuyến trong 2 năm qua, cần phải đánh giá đầy đủ và toàn diện về các vấn đề tâm sinh lý, sức khỏe của học sinh và thầy cô, nhất là đối tượng học sinh đầu và cuối cấp, cấp tiểu học, mầm non phải học trực tuyến trong thời gian dài.
Liên quan đến vụ việc nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, bà Hà Thị Liên - nguyên phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam - chia sẻ nhiều cử tri bày tỏ rất bất bình trước sự việc này, cùng với bức xúc về việc nhiều cán bộ làm giàu từ đất đai, cấu kết với doanh nghiệp lợi dụng chính sách để làm giàu từ đất đai.
Bà cũng nêu ý kiến về vụ án "thao túng thị trường chứng khoán" ở Tập đoàn FLC cần được xử lý nghiêm minh, không chấp nhận doanh nghiệp lớn lại làm ăn phi pháp, không để người giàu lại giàu thêm do hành vi làm ăn phi pháp, người nghèo lại thêm nghèo.
Bà Liên cũng bày tỏ to lắng về tình trạng một bộ phận người lao động do khó khăn trước mắt đã phải rút bảo hiểm xã hội một lần, nếu không sẽ không bảo đảm đời sống, là một vấn đề nổi lên của xã hội hiện nay, đe dọa lưới an sinh xã hội.
Do đó MTTQ cần phối hợp với Bảo hiểm xã hội để tuyên truyền, vận động người dân hạn chế việc này, đồng thời Chính phủ phải có giải pháp để giải quyết vấn đề.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị trong năm 2022, Mặt trận các cấp đăng tải công khai, minh bạch danh sách những tổ chức, cá nhân đã đóng góp ủng hộ để nhân dân giám sát.