Không có văn phòng ở Việt Nam, Facebook, Google vẫn phải gỡ, xóa clip, hình ảnh độc hại với trẻ em
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chưa có văn phòng đại diện ở Việt Nam như Facebook, Google... vẫn phải lọc, gỡ, xóa clip, hình ảnh độc hại với trẻ em trên môi trường mạng theo yêu cầu, đề nghị từ phía cơ quan chức năng.
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Nga, cục phó Cục Trẻ em (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), tại hội thảo "Định hướng tr uyền thông về Tháng hành động vì trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" diễn ra ngày 25-5 tại Hòa Bình.
Theo bà Nga, thời gian qua Bộ Lao động - thương binh và xã hội và Bộ Thông tin và truyền thông đã có nhiều văn bản xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt, đối với các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội như Facebook , YouTube.
Điển hình như các vụ việc TIMMY TV và một số vụ việc khác được Google, chủ quản mạng xã hội YouTube, gỡ bỏ.
Trường hợp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chưa có văn phòng đại diện ở Việt Nam, vẫn phải lọc, gỡ, xóa clip, hình ảnh độc hại với trẻ em, nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam trên môi trường mạng theo yêu cầu, đề nghị từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Trong khi đó, ông Đặng Quốc Việt, đại diện Tổ chức Plan International Việt Nam, chia sẻ khảo sát do tổ chức này thực hiện cho thấy chỉ có 10% trẻ em có kiến thức và kỹ năng an toàn khi sử dụng Internet.
Do đó, cơ quan này và văn phòng Plan International tại Đức đã huy động ngân sách cho dự án Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên an toàn trên môi trường mạng .
Mục tiêu của dự án là nâng cao kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân và người khác khỏi bắt nạt và bạo lực giới trên môi trường mạng cho hơn 9.000 trẻ em, thanh thiếu niên độ tuổi từ 10 - 18 tuổi từ tháng 8-2021 đến tháng 7-2024.
Theo ông Đặng Hoa Nam, cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), s ức khỏe tâm thần là vấn đề cha mẹ cần đặc biệt quan tâm trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19, trong đó có tình trạng tự tử.
Ô ng khuyến cáo các bậc cha mẹ cần phòng ngừa bằng cách để ý xem biểu hiện khác thường của con cái, như thấy trẻ đi học về thu mình lại hoặc ngủ suốt ngày thì cần chia sẻ với con hoặc gọi cho Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để được tư vấn.
"Thời gian vừa qua, những hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt là bạo lực trẻ em trong gia đình và xâm hại tình dục diễn ra khá phức tạp.
Vì vậy, chúng ta cần tăng cường nhận thức hành vi của xã hội, của cộng đồng dân cư là phải mạnh dạn lên tiếng, tố cáo các hành vi, nghi ngờ xâm hại trẻ em. Đừng để xảy ra vụ việc khi nó quá phức tạp rồi, gây hậu quả nghiêm trọng rồi thì chúng ta mới giải quyết, can thiệp.
Bảo vệ trẻ em phải được người lãnh đạo, người đứng đầu các địa phương quan tâm như chăm lo cho con cháu trong nhà mình", ông Nam nhấn mạnh.
Tính đến tháng 2-2021, Việt Nam có 72 triệu tài khoản mạng xã hội và trên 68,7 triệu người dùng Internet (chiếm 70,3% dân số). Do COVID-19, nhiều thanh thiếu niên sử dụng Internet để học tập, làm việc, giao tiếp, giải trí. Điều này cũng làm gia tăng rủi ro trực tuyến đối với trẻ em và thanh thiếu niên bao gồm bắt nạt, xâm hại...
Trẻ em Việt dùng Zalo nhiều nhất, tiếp theo là xem YouTube và TikTok Trẻ em Việt Nam đang sử dụng ứng dụng nhắn tin Zalo nhiều nhất, tiếp đến là xem video trên YouTube, TikTok và ‘lướt’ Facebook.