Không có Ruble thì không có khí đốt - Đòn phản công của Nga nhằm vào các nước phương Tây
Tổng thống Nga Putin ngày 31/3 đã ký sắc lệnh yêu cầu các quốc gia không thân thiện trả tiền mua năng lượng của Nga bằng đồng Ruble.
Đòn phản công của Nga trong cuộc chiến kinh tế với phương Tây đã được chính thức hóa trong tuần này. Tổng thống Nga đã chính thức ký sắc lệnh buộc các nước "không thân thiện" với Nga phải thanh toán khí đốt bằng đồng Ruble .
"Trong tình huống hệ thống tài chính của các quốc gia phương Tây đang được sử dụng như một vũ khí, khi các công ty của các quốc gia này từ chối thực hiện các hợp đồng đã ký với các ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân Nga, khi các tài sản bằng USD và Euro đang được bị đóng băng, không có lý do gì để sử dụng tiền tệ của các quốc gia này"
Và không chỉ có khí đốt, còn nhiều mặt hàng chủ chốt của Nga như phân bón, hóa chất hay kim loại sẽ được bán bằng đồng Ruble. Liệu động thái này có giúp Nga đạt được mục đích lâu dài là chống đỡ các đòn kinh tế của phương Tây? Châu Âu đã chuẩn bị như thế nào nếu Nga cắt dòng khí vì không chịu giao dịch bằng đồng Ruble?
Nhìn xa hơn, động thái mới nhất của Nga này là một phần của cuộc chiến trường kỳ dài hơn mà nước này đang tiến hành chống lại đồng USD, đơn vị tiền tệ vẫn được sử dụng trong hầu hết các giao dịch mua bán dầu khí. Đó là chống lại quyền bá chủ của phương Tây trong hệ thống tài chính tiền tệ. Trong cuộc chiến này, ngoài Nga, liệu có nước khác tham gia? Những bước đi này gợi mở như thế nào về một trật tự mới về tài chính tiền tệ trên thế giới?
Không đồng Ruble, không khí đốt
Ngày 31/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh như một tối hậu thư với châu Âu. Không sử dụng đồng Ruble thì sẽ không có khí đốt.
"Nếu các khoản thanh toán này không được trả (bằng đồng Ruble), chúng tôi sẽ coi như người mua không đáp ứng cam kết của họ với tất cả các hậu quả liên quan. Không ai bán miễn phí bất cứ thứ gì cho chúng tôi. Chúng tôi cũng không đi làm từ thiện. Điều đó có nghĩa là các hợp đồng hiện tại sẽ bị dừng lại"
Trên thực tế, cho dù phương Tây thanh toán cho khí đốt của Nga bằng đồng Euro hay đồng Ruble, Moscow vẫn thu được một lượng ngoại tệ tích trữ, rất hữu ích cho việc mua hàng nhập khẩu hoặc để kiếm tiền bằng đồng Ruble. Nhưng bằng cách buộc châu Âu phải thanh toán khí đốt bằng đồng Ruble, Tổng thống Putin đã khiến châu Âu vi phạm chính các lệnh trừng phạt do họ đặt ra khi phải làm việc với hệ thống ngân hàng Nga.
"Nga phát hiện ra rằng châu Âu đang chịu lạm phát cực kỳ lớn, nhiên liệu rất đắt đỏ và thiếu lương thực. Nga phát hiện ra rằng, họ có thêm các công cụ cực kỳ mạnh mẽ có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế phương Tây. Nga có thể sử dụng năng lượng như một vũ khí chống lại phương Tây"
Động thái của tổng thống Putin đã ngay lập tức vực dậy đồng Ruble, vốn bị rơi xuống mức thấp nhất từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2.
Châu Âu không thanh toán bằng đồng Ruble
Hạn chót ngày 1/4 đã qua, các nước châu Âu vẫn chưa trả bằng đồng Ruble. Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, dòng khí của Nga đến châu Âu vẫn chưa bị cắt. Nhiều nước châu Âu không có vẻ lo ngại về sắc lệnh mới này của Nga.
"Theo đúng nguyên tắc, các công ty có thể trả bằng đồng Euro nếu họ muốn"
"Thanh toán bằng đồng Ruble là không thể chấp nhận được và chúng tôi kêu gọi các công ty liên quan không tuân thủ yêu cầu của Tổng thống Putin"
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire khẳng định: "Hợp đồng là hợp đồng. Hợp đồng bằng Euro phải được thanh toán bằng Euro và sẽ được thanh toán bằng Euro" .
Tập đoàn kinh doanh khí đốt Hà Lan Gasterra cho biết: "Các hiệp định quốc tế có các điều khoản về thanh toán và tiền tệ. Việc tuân thủ thỏa thuận vẫn là lập trường của chúng tôi" .
Nga chống đỡ các lệnh trừng phạt
Từ quyết định bất ngờ của Tổng thống Putin, thị trường Nga đã chứng kiến một cú lội dòng ngoạn mục của đồng Ruble trong những ngày vừa qua.
Dù tỷ giá hối đoái RUB/USD ở thời điểm này vẫn còn cách giai đoạn trước cuộc xung đột Ukraine khoảng 10% nhưng có thể nói, Nga đã lấy lại quyền kiểm soát đồng Ruble và điều này có thể bảo vệ hệ thống tài chính và nền kinh tế khỏi một cú sốc mới.
Mặc dù quyết định của Tổng thống Nga thiết lập lại luật chơi trên thị trường tiền tệ là một công thức chính trị nhiều hơn nhưng bên dưới là các thành phần kinh tế rõ ràng và phản ứng của thị trường là tích cực, mà đầu tiên là sự an toàn của doanh thu xuất khẩu. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là một bước đi quan trọng để phi USD hoá nền kinh tế, tạo ra chủ quyền tài chính Nga.
Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Putin, Thủ tướng Đức khẳng định, Đức tiếp tục thanh toán cho khí đốt của Nga bằng đồng Euro và USD vì nó được "ghi trong hợp đồng". Quan điểm này nhận được sự ủng hộ của Bộ trưởng Tài chính Pháp.
Còn Tổng giám đốc bộ phận năng lượng của Ủy ban châu Âu cho biết, các nước châu Âu và các công ty nhập khẩu khí đốt từ Nga đã họp khẩn và thống nhất thiết lập một cách tiếp cận chung về thanh toán tiền tệ cho các hợp đồng khí đốt với Nga.
Giới phân tích châu Âu cho rằng, kế hoạch thanh toán bằng đồng Ruble có thể thực hiện thông qua ngân hàng Gazprombank bởi ngân hàng này không bị áp lệnh trừng phạt như các ngân hàng khác của Nga. Những người mua khí đốt ở châu Âu có thể mở tài khoản ở ngân hàng này và để người cho vay mua đồng Ruble thay mặt họ.
Trong trường hợp Nga và EU không thống nhất được phương án thanh toán, các nước châu Âu phải dựa vào nguồn khí hoá lỏng từ các đối tác Mỹ, Australia, Qatar, UAE... Tuy nhiên, ngay cả khi nguồn khí hoá lỏng này bù được nguồn khí đốt của Nga, các nước châu Âu, nhất là Đức, vẫn chưa thể tiếp nhận và sử dụng hiệu quả bởi họ chưa có cơ sở hạ tầng để chứa và phân phối khí đến các khách hàng. Có lẽ việc chấm dứt nhập khẩu khí đốt của Nga chẳng thể thực hiện trong một sớm một chiều. Về dài hạn, các nước châu Âu sẽ đầu tư ồ ạt vào năng lượng tái tạo và sẽ phát triển thêm các nhà máy điện hạt nhân sử dụng công nghệ lò phản ứng cỡ nhỏ.
Đã có một vài kịch bản với các phương án được đưa ra. Trong đó, tồi tệ nhất là khi tất cả các khách hàng châu Âu từ chối các điều kiện của Nga, đồng nghĩa với việc Nga đóng van khí đốt. Dù không loại trừ bất cứ phương án nào nhưng theo giới phân tích, một kịch bản khó khăn như vậy khó có thể xảy ra bởi hậu quả đối với nền kinh tế châu Âu sẽ quá nghiêm trọng. Trong trường hợp EU thực sự hạn chế nguồn cung nhập khẩu khí đốt từ Nga thì đó là vấn đề của 5 - 7 năm nữa. Và Nga cũng đã phải tính đến giải pháp cho điều này.
Trước các biện pháp trừng phạt nặng nề từ Mỹ và phương Tây, người ta đã nhìn thấy sự dịch chuyển của các dòng năng lượng Nga về phía Đông. Đó là thỏa thuận dầu và khí đốt với Trung Quốc, là việc mở rộng đường ống Sức mạnh Siberi-2, là kế hoạch xây dựng đường ống Dòng chảy Pakistan để tăng cường nhiên liệu đến châu Á. Tuy nhiên, theo giới phân tích, trong dài hạn, ngành năng lượng Nga phải tính đến yếu tố trong thời đại chuyển đổi năng lượng để hoạch định chiến lược kinh tế và ngân sách đất nước.
Nga tìm cách chống lại sự thống trị của đồng USD
Giới phân tích cho rằng, cần nhìn nhận yêu cầu trả bằng đồng Ruble của Nga một cách rộng hơn, như là một phần của cuộc chiến trường kỳ mà nước này đang tiến hành chống lại đồng USD, đơn vị tiền tệ vẫn được sử dụng trong hầu hết các giao dịch mua bán dầu khí.
Kể từ năm 2014, Nga đã giảm nắm giữ USD. Thay vào đó, nước này mua vàng và các loại tiền không phải của Mỹ. Ước tính kho dự trữ vàng của Nga lớn thứ 5 thế giới.
Tỷ trọng xuất khẩu của Nga tính bằng USD đã giảm từ 80% hồi năm 2014 xuống còn khoảng một nửa hiện nay. Trong cùng thời kỳ, Ngân hàng Trung ương Nga đã giảm một nửa dự trữ ngoại tệ bằng đồng USD, chuyển sang đồng Euro, Nhân dân tệ (NDT) và các loại tiền tệ khác. Đến năm 2019, Nga nắm giữ 1/4 tổng dự trữ NDT của thế giới.
Ngoài vàng và ngoại tệ, dự trữ của Nga cũng bao gồm Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) - một tài sản dự trữ quốc tế có lãi suất do Quỹ Tiền tệ quốc tế phát hành.
Năm 2014, sau khi bị trừng phạt kinh tế do sáp nhập Crimea, Nga đã thành lập hệ thống thông tin tài chính ngân hàng (SPFS), đẩy nhanh tiến trình phi USD hóa. Về cơ bản, SPFS mô phỏng hệ thống liên ngân hàng toàn cầu SWIFT. Tính đến ngày 10/11/2021, hệ thống SPFS có 400 khách hàng sử dụng nhưng chủ yếu là các tổ chức trong nước của Nga và khoảng 20 ngân hàng nước ngoài. Sau khi bị loại khỏi SWIFT, Nga đang tìm cách hướng đối tác của mình sử dụng hệ thống thay thế này.
Để truất ngôi đồng USD là đồng tiền dự trữ quốc tế, Nga đã tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc. Trong nhiều năm, cả Nga và Trung Quốc đều tìm cách phi USD hóa. Năm 2019, hai nước đã thực hiện một bước quan trọng theo hướng này khi nhất trí thanh toán tất cả các giao dịch thương mại giữa họ bằng các đồng tiền tương ứng là Nhân dân tệ và Ruble.
Rõ ràng các nhà phân tích kinh tế quốc tế không hề ảo tưởng về việc truất ngôi đồng USD như một đồng tiền dự trữ quốc tế. Đây không phải là chuyện có thể xảy ra trong một sớm một chiều và càng không phải là điều mà một quốc gia có thể làm được. Cuộc chiến của Nga chống lại đồng USD nếu Nga thực sự muốn thực hiện sẽ phải là một cuộc chiến lâu dài và cần có càng nhiều đồng minh càng tốt. Nhưng trong tình thế hiện nay, có vẻ như Moscow đã sẵn sàng đương đầu lâu dài với cuộc chiến kinh tế và cấm vận với phương Tây.
Nga tìm kiếm hợp tác tránh lệnh trừng phạt của phương Tây
Ngoại trưởng Nga cách đây ít ngày đã tới New Delhi để tìm khả năng mở rộng hợp tác với Ấn Độ - nước mua vũ khí Nga nhiều nhất thế giới. Trong tháng 3, lượng dầu xuất khẩu từ Nga sang Ấn Độ đã tăng gần gấp 4 lần so với năm ngoái - lên tới 360.000 thùng/ngày. Nhiều nguồn tin cho biết, Nga đang đề nghị bán dầu Urals cho Ấn Độ với giá rẻ hơn tới 35 USD so với trước xung đột.
Ấn Độ hiện là quốc gia nhập dầu nhiều thứ 2 châu Á và cũng là một trong số ít nước đang tăng mua dầu Nga, bất chấp sức ép từ phương Tây là phải tỏ thái độ với Nga. Nhưng New Dehli cũng có lý do của mình khi chọn đối tác.
"Khi giá dầu tăng, tôi nghĩ việc các quốc gia ra ngoài thị trường và tìm kiếm những giao dịch tốt cho người dân của họ là điều tự nhiên. Nhưng hãy đợi hai hoặc ba tháng và thực sự xem ai là người lớn những người mua khí đốt và dầu của Nga"
Hai bên đang nghiên cứu cách vận chuyển dầu từ cảng Vladivostok của Nga để tránh các rào cản của phương Tây khi đi qua biển Baltic. Nga cũng đang đề xuất cơ chế thanh toán bằng cả đồng Ruble và Rupee Ấn Độ.
"Đó là một bước trong cuộc chiến chống lại USD. Nga luôn nói về việc 'phi USD hóa' trong nền kinh tế. Chúng tôi đang theo dõi sát sao Trung Quốc và Saudi Arabia. Saudi Arabia đã sử dụng đồng Nhân dân tệ để thanh toán thương mại dầu. Nga và Ấn Độ đang thảo luận về việc sử dụng đồng Ruble hoặc đồng Rupee của Ấn Độ để thanh toán thương mại năng lượng"
Dầu Nga đang ngày càng chảy nhiều sang châu Á khi bị các nước phương Tây và Mỹ từ chối do xung đột Ukraine. Khách mua hiện tại chủ yếu là Ấn Độ và Trung Quốc. Tuần qua, Ngoại trưởng Nga cũng đã có chuyến công du Trung Quốc lần đầu tiên kể từ khi hành chiến dịch tại Ukraine. Hai bên đã nói tới một trật tự thế giới mới "đa cực, công bằng, dân chủ".
"Quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc ở mức mạnh nhất từ trước đến nay".
"Sẽ không có giới hạn đối với hợp tác Trung - Nga. Không có giới hạn nào đối với nỗ lực của chúng tôi nhằm đạt được hòa bình và bảo vệ an ninh chung"
Kể từ sau khi phương Tây thực hiện chiến dịch chống Nga năm 2014, Nga và Trung Quốc đang ngày càng xích lại gần nhau. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào năm ngoái đã dùng một công thức để mô tả quan hệ giữa hai nước, đó là hợp tác chiến lược Trung - Nga không có giới hạn, không có vùng cấm và không có trần.
Một năm sau đó, Trung Quốc và Nga củng cố đường lối này bằng một thông cáo chung được thông qua trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Putin. Lần đầu tiên Trung Quốc gắn kết bản thân với nhu cầu của Nga muốn ngừng sự mở rộng NATO cũng như cùng Nga kêu gọi tổ chức này từ bỏ cách tiếp cận theo tư tưởng ý thức hệ thời Chiến tranh lạnh.
Hệ lụy từ cuộc chiến kinh tế giữa Nga và phương Tây
Sự tập trung quyền lực dù ở bất cứ lĩnh vực nào cũng đáng sợ vì ai nắm quyền chi phối trong tay có thể đè bẹp đối phương. Thế giới chưa bao giờ chứng kiến một cuộc đối đầu kinh tế toàn diện như hiện nay giữa Nga và các nước phương Tây.
Trong cuộc chiến kinh tế này, các nước phương Tây hiện đang có sự tập trung quyền lực. Nhưng những gì diễn ra cho thấy, Nga cũng không phải là một đối thủ dễ chịu. Họ cũng có những vũ khí khá lợi hại. Năng lượng và đồng Ruble đang được sử dụng như một vũ khí trong cuộc đối đầu với phương Tây.
Còn quá sớm để thấy tác động từ các đòn phản công của Nga. Nhưng nếu việc này thành công thì sẽ tạo ra động cơ thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi hơn các đồng tiền khác ngoài USD và Euro. Phương Tây sẽ phải xem xét về khía cạnh, các đòn trừng phạt của mình sẽ khiến hình thành một hệ thống tài chính đa cực, nơi mà đồng USD và Euro bị mai một sức mạnh chi phối.