Không chủ quan với sốt xuất huyết ở người lớn

Chia sẻ Facebook
30/10/2022 08:16:25

Tại TP Hồ Chí Minh, cứ 4 ca tử vong thì có 3 là người lớn. Điều này khá bất thường khi mà các mùa dịch sốt xuất huyết trước đây, con số tử vong ở trẻ em luôn cao hơn.


Nguyên nhân được xác định là do nhập viện muộn khi bệnh đã nặng. Có bệnh nhân nhập viện khi bị nổi phát ban và nổi các vết bầm, chứ không bị sốt. Thống kê chỉ có 20% bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo, 5% có nguy cơ chuyển nặng.

Hiện nay, đa số bệnh nhân điều trị tại nhà, nên cần theo dõi sát sao các triệu chứng, khám, xét nghiệm nếu có dấu hiệu bất thường.

Đa số trường hợp mắc sốt xuất huyết là lành tính nhưng trên những cơ địa đặc biệt hoặc trở nặng cần được làm xét nghiệm và theo dõi chặt chẽ, có thể can thiệp ngay.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi có những biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người nên đến các cơ sở y tế để khám và xét nghiệm, không được tự ý truyền dịch, truyền đạm hoặc dung dịch tại nhà, không tự đi mua thuốc về uống…

Ngoài ra người dân cần chú ý những nơi tích tụ nước đọng, khu vực gần kênh rạch, những khu vực ngoại thành để phát quang bụi rậm, không để nước đọng xung quanh nơi mình sinh sống.


Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Các bác sĩ cảnh báo tháng 11 và 12 là cao điểm của dịch bệnh này vì thời tiết rất thuận lợi cho muỗi và bọ gậy phát triển.

Hà Nội từ đầu năm đến giờ đã có hơn 9.400 ca sốt xuất huyết, 12 ca tử vong do sốt xuất huyết. Riêng trong 1 tháng rưỡi qua, đã có 8 người tử vong.

Tỉnh Quảng Nam có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất khu vực miền Trung với hơn 12.100 ca, tăng gần 22 lần so với cùng kỳ năm trước. 1 bệnh nhân cũng đã tử vong. Các bệnh viện đang quá tải.

Chia sẻ Facebook