Không chủ quan với bệnh lý phì đại tuyến tiền liệt

Chia sẻ Facebook
30/11/2022 09:51:09

Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt hay phì đại tuyến tiền liệt là bệnh lý phổ biến ở nam giới lớn tuổi do quá trình lão hóa của cơ thể.

Tuyến tiền liệt hay còn gọi là tiền liệt tuyến là một tuyến nhỏ thuộc hệ sinh dục nam, có trọng lượng khoảng 20gr. Tuyến nằm ngay ở cửa ngõ của bàng quang, bao quanh ống niệu đạo (đường đi tiểu). Hiện nay, với sự phát triển của các phương tiện chẩn đoán, người có bệnh được phát hiện nhiều hơn. Trên thế giới có khoảng 60% nam giới ở tuổi 60 bị tăng sinh lành tuyến tiền liệt, tần suất bệnh tăng dần theo tuổi nên số người mắc bệnh ngày càng cao.

Phì đại tuyến tiền liệt là bệnh lý hay gặp đứng thứ 3 sau sỏi thận và nhiễm khuẩn đường tiết niệu, tỷ lệ mắc bệnh rất cao, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân lớn tuổi.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng, Trưởng Khoa Ngoại thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Hiện nay, bệnh lý phì đại tuyến tiền liệt gặp rất nhiều ở nam giới từ 50 tuổi trở lên. Bệnh lý phì đại tuyến tiền liệt tăng theo độ tuổi, ở nam giới 50 tuổi tỷ lệ mắc bệnh khoảng 70%, 60 tuổi tỷ lệ mắc 80%, 70 tuổi tỷ lệ mắc 90%.


Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa khẳng định chính xác nguyên nhân của bệnh phì đại tiền liệt tuyến . Tuy nhiên nguyên nhân phổ biến là do lão hóa làm suy giảm nội tiết tố nam. Khi mắc bệnh, phì đại tiền liệt tuyến sẽ gây chèn ép vào niệu đạo và bàng quang gây ra rối loạn tiểu tiện như: tiểu khó, bí tiểu, tiểu nhiều lần, tiểu gấp, tiểu ngập ngừng, tiểu không hết, tiểu rặn và các biến chứng như nhiễm trùng tiết niệu, suy giảm chức năng thận… khiến bệnh nhân phải bận tâm đến việc đi tiểu cả ngày và đêm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe.

Các triệu chứng của phì đại tuyến tiền liệt rất dễ gây nhầm lẫn hoặc không rõ rệt nên dễ bị bỏ qua. Tuy nhiên, việc điều trị sớm bao giờ cũng hiệu quả hơn và giúp bệnh nhân tránh được những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như nhiễm khuẩn, sỏi, trào ngược nước tiểu từ bàng quang vào thận gây suy thận. Thực tế, đã có không ít bệnh nhân bị vỡ bàng quang tự phát phải mổ cấp cứu hoặc viêm phúc mạc khiến quá trình điều trị rất khó khăn, kéo dài.

Theo bác sĩ Hoàng, hiện ở Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đang triển khai 2 phương pháp điều trị bệnh phì đại tuyến tiền liệt là điều trị ngoại khoa và nội khoa. Đối với nội khoa, hiện nay chưa có thuốc điều trị nhỏ bướu, chỉ điều trị triệu chứng giúp bệnh nhân hạn chế số lần đi tiểu, hạn chế buốt rát do nhiễm khuẩn, hạn chế co thắt kích thích bàng quang… Đối với các bướu có kích thước quá lớn sẽ điều trị ngoại khoa bằng phương pháp mổ nội soi cắt đốt bướu tiền liệt tuyến qua ngả niệu đạo hoặc dùng tia lazer bóc tách bướu… để thu nhỏ kích thước của bướu, giúp bệnh nhân tiểu tiện bình thường trở lại.

"Phì đại tuyến tiền liệt là bệnh lý phổ biến, đặc biệt có những trường hợp người dân vùng sâu vùng xa không có điều kiện khám và chữa trị kịp thời, đến lúc nhập viện đã ở tình trạng suy thận buộc phải chạy thận nhân tạo. Do đó, để tránh các biến chứng, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường như đi tiểu nhiều lần thì nên tới cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời", bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.

Chia sẻ Facebook