Không chỉ có sa mạc, hóa ra nơi này còn cất giấu cả 'trái tim của Trái đất'
(Tổ Quốc) - Ở sâu trong sa mạc Tengeger, có giấu một “trái tim của Trái đất đang đập”. Tại sao mọi người lại nói như vậy? Sự thật về trái tim này là như nào?
Tengger là một sa mạc nằm ở rìa phía nam của sa mạc Gobi. Sa mạc Tengger là sa mạc lớn thứ 4 của Trung Quốc với diện tích lên tới 42.700 km2. Ở sa mạc này, cồn cát, núi, hồ và bình nguyên phân bố đan xen lẫn nhau. Trong đó, cồn cát chiếm tới 71% diện tích, chủ yếu là cồn cát di động, với độ cao khoảng 10-20m.
"Trái tim" đặc biệt giữa sa mạc
Các cồn cát ở đây có thường có hình lưỡi liềm, nối tiếp nhau. Cát rất mịn và có màu vàng đẹp mắt. Sa mạc Tengger từ lâu đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng. Không chỉ bởi địa hình đẹp, sa mạc Tengeger còn được biết đến bởi đây là nơi mà người ta tìm thấy " trái tim của Trái đất". Đó chính là hồ Ô Lan. Nhưng vì sao nó lại được mệnh danh như vậy?
Trong tiếng Mông Cổ, "Wulan" có nghĩa là màu đỏ. Hồ Ô Lan toát lên vẻ quyến rũ khó cưỡng nhờ màu sắc đặc biệt của nước hồ. Nước hồ Ô Lan có màu đỏ tươi xen lẫn màu trắng. Sự điểm xuyết này vô tình lại khiến cho mặt hồ trông rất giống các mạch máu. Với màu nước hồ như vậy, cùng với hình dáng tương tự như một quả tim nên hồ Ô Lan được mệnh danh là "trái tim của Trái đất"
Theo các nhà khoa học, sở dĩ, hồ Ô Lan có màu đỏ đặc biệt như vậy là do 3 nguyên nhân:
Một là địa hình trũng. Trong môi trường sa mạc, địa hình thấp và khép kín rất có lợi cho việc tích tụ nước trên bề mặt và nước ngầm. Do sa mạc Tengger có địa hình trũng nên mới có nhiều hồ nước như vậy.
Thứ hai là do khí hậu khô hạn. Lượng mưa ít cùng độ bốc hơi cao là những yếu tố quan trọng trong sự hình thành của các hồ muối tương tự như hồ Ô Lan.
Thứ ba là do 3 loại vi sinh vật có trong nước hồ. Chúng là Artemia, Dunaliella salina và vi khuẩn halophilic, chính các hoạt chất như astaxanthin, carotenoid,… của chúng đã "nhuộm" nước hồ thành màu đỏ như vậy. Ngoài ra, hồ Ô Lan có nồng độ muối và kim loại cao. Muối đóng thành từng dải trắng dài chạy trên mặt hồ.
Màu của nước hồ Ô Lan thường thay đổi theo mùa. Vào mùa hè, khi lượng mưa trên sa mạc nhiều hơn, mực nước cao hơn nên nước hồ sẽ chuyển sang màu hồng. Còn khi tới mùa thu, lượng mưa ít đi và mực nước trong hồ giảm xuống khiến cho nước hồ càng đỏ hơn.
Theo những người dân địa phương, hồ Ô Lan sâu hơn 2 mét. Thời điểm thích hợp nhất để ghé thăm hồ là vào tháng 7 tới 9. Lúc này, thời tiết nắng ráo, xung quanh hồ là những ngọn núi xanh ngắt, cỏ trải dài mướt mắt, dưới ánh nắng Mặt trời, màu sắc của hồ Ô Lan sẽ càng rực rỡ hơn.
Do điều kiện khí hậu, sa mạc Tengger có tới hơn 400 hồ nước lớn nhỏ. Dù số lượng hồ lớn thế nhưng hồ muối tương tự như hồ Ô Lan thực sự là rất hiếm. Và trên thực tế, hồ Ô Lan là tập hợp gồm 1 hồ lớn và một số hồ nhỏ nằm rải rác xung quanh.
Hồ Ô Lan vốn là một hồ nước mặn nội địa có lịch sử tới 100 năm. Nó bắt đầu bị khô cạn dần từ năm 1995. Trước khi khô cạn, nó có diện tích lên tới 175 km2 và là hồ lớn thứ 12 ở Mông Cổ.
Với vẻ đẹp kỳ lạ, hồ Ô Lan hiện đang là một thắng cảnh thu hút nhiều du khách tới tham quan. Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyến cáo du khách không nên tắm ở hồ Ô Lan do độ kiềm trong nước ở đây quá cao.
*Bài viết được tổng hợp từ INF, Chinadaily, QQ News