Không chỉ bánh trôi, bánh chay, loại bánh này cũng đem lại may mắn trong ngày Tết Hàn thực nhưng ít ai biết đến
Tết Hàn thực thường được tổ chức và ngày 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Với ngày này không thể thiếu các món bánh truyền thống: bánh trôi, bánh chay và bánh quả nhót.
Tết Hàn thực có nguồn gốc từ Trung Quốc và gắn liền với một điển tích từ xa xưa được biên lại trong cuốn "Đông Chu Liệt Quốc". Để tưởng niệm lòng trung thành của Giới Tử Thôi, vua nước Tấn đã hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa và chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn.
Tuy nhiên, khác với Trung Quốc, Tết Hàn thực ở Việt Nam, người dân không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn diễn ra bình thường. Theo phong tục truyền thống của người Việt Nam, ngày Tết Hàn thực chủ yếu là tưởng nhớ cội nguồn, ông bà tổ tiên đồng thời mong cho một mùa hè mát mẻ, thời tiết thuận lợi.
Bánh trôi và bánh chay là hai món ăn không thể thiếu trong Tết Hàn thực của người Việt. Ngoài ra, ở một số nơi, người ta còn có thể nấu xôi chè. Tại một số vùng ngoại thành Hà Nội và ở Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội) thì người ta còn làm bánh nhót để lễ Phật và cúng gia tiên.
Bánh trôi, bánh chay
Loại bánh đầu tiên không thể thiếu giúp mang lại may mắn trong ngày Tết Hàn thực là bánh trôi bánh chay. Những món ăn được nấu trong dịp này làm ra đều được cúng gia tiên với ý nghĩa con cháu một lòng hướng về tổ tiên, nguồn cội.
Theo các chuyên gia văn hoá, việc dùng bánh trôi, bánh chay để cúng lễ cũng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Bánh trôi tròn trịa, mịn đầy, tinh khiết thể hiện cho sự viên mãn, dồi dào. Khi ăn kèm với nước đường gừng cũng rất thơm vị. Bởi vậy, ăn bánh trôi vào ngày Tết Hàn thực vừa là một cách tưởng nhớ người đã khuất, vừa là cách chiêu cầu may mắn cho bản thân và gia đình.
Bên cạnh đó, bánh trôi bánh chay cũng gợi nhớ đến tích truyện "bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ". Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển.
Trên thị trường hiện nay, các set bột nếp tươi làm bánh trôi, bánh chay vô cùng phong phú và đa dạng được rao bán khá sôi động với mức giá từ 50.000-90.000 đồng/set. Trong đó, phổ biến nhất là các set có giá từ 50.000-65.000 đồng gồm 1kg bột một màu trắng truyền thống hoặc loại 5 màu và đi kèm đường, vừng; set cao hơn giá 80.000-90.000 đồng có 1kg bột, đường, vừng, nhân đậu xanh, dừa… Bên cạnh đó, khách hàng cũng có thể lựa chọn các set bánh được nặn sẵn nhưng chưa luộc chín để về nhà làm với giá 40.000-50.000 đồng.
Bánh nhót mật mía
Trong ngày này, bên cạnh 2 món bánh phổ biến là bánh trôi, bánh chay thì bánh quả nhót cũng được nhiều gia đình dâng lên bàn thờ để bày tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên. Thay vì nặn hình tròn như bánh trôi - bánh chay, loại bánh này có hình dạng khá đặc biệt. Khi chế biến, đầu bếp thường nặn bột thành các khối hình thoi. Sau khi luộc, các cạnh của bánh trở nên mềm mại hơn, trông rất giống với quả nhót.
Nguyên liệu chính của món này gồm bột nếp và bột gạo, trộn đều lại rồi đổ nước ấm vào, từ từ nhào cho đến khi tạo thành một khối bột dẻo, mịn. Khác với nhiều loại bánh làm từ bột gạo khác, bánh nhót không có nhân nên hay được xào chung với mật mía để hương vị đậm đà, thơm ngon hơn. Mật mía ngọt gắt, vì thế khi xào phải đổ thêm nước, bỏ vào vài lát gừng để cân bằng mùi vị.