Không ai sa thải được tỷ phú Mark Zuckerberg, vì sao?
Giá cổ phiếu Meta đã giảm hơn 70% trong hơn một năm qua, vũ trụ ảo cũng không mang lại thành công như kỳ vọng, nhưng vị trí của tỷ phú Zuckerberg vẫn không lung lay.
Hôm 9/11, tỷ phú Mark Zuckerberg gửi một bức thư cho 87.000 nhân viên Meta, tuyên bố cắt giảm hơn 13% nhân sự, tương đương hơn 11.000 người.
Động thái sa thải hàng loạt này diễn ra trong bối cảnh Meta, công ty mẹ của Facebook , đang gặp khó khăn về tài chính khi cố gắng thực hiện tham vọng metaverse (vũ trụ ảo) của mình, đồng thời phải vật lộn với sự suy thoái kinh tế toàn cầu và sự sụt giảm trong quảng cáo số, vốn là nguồn doanh thu chính của công ty.
Thu nhập ròng của Meta trong quý III/2022 là 4,4 tỷ USD - thấp hơn một nửa so với 9,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Giá cổ phiếu của Meta cũng giảm hơn 70% (từ 345 USD xuống còn 101 USD) kể từ khi công ty đổi tên từ Facebook thành Meta một năm về trước.
Nếu điều này xảy ra với một công ty niêm yết thông thường, giám đốc điều hành sẽ phải chịu áp lực nghiêm trọng từ các cổ đông. Tuy nhiên, CEO Meta vẫn giữ vững vị trí của mình vì cấu trúc cổ phần kép của công ty này.
Cấu trúc cổ phiếu kép
Facebook, hiện là Meta, có cấu trúc hai lớp, có nghĩa là các cổ đông thông thường sở hữu một loại cổ phiếu, trong khi vị CEO và một nhóm nhỏ những người trong cuộc nắm giữ một loại cổ phiếu khác.
Khi công ty bắt đầu niêm yết trên sàn giao dịch NASDAQ năm 2012, hầu hết các nhà đầu tư đều phải mua cổ phiếu hạng A. Mỗi cổ phiếu có giá trị bằng một phiếu biểu quyết tại các cuộc họp đại hội đồng công ty.
Trong khi đó, một số nhà đầu tư lại được phát hành cổ phiếu hạng B có giá trị bằng 10 phiếu biểu quyết. Số cổ phiếu hạng B này không được giao dịch công khai trên thị trường.
“Cho đến năm nay, cổ phiếu của Facebook đã hoạt động rất tốt, đó là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư sẵn sàng mua cổ phiếu có quyền biểu quyết thấp hơn”, Giáo sư tài chính Jay Ritter tại Đại học Florida, Mỹ, nhận định.
Tính đến tháng 1/2022, Meta có khoảng 2,3 tỷ cổ phiếu hạng A và 412,86 triệu cổ phiếu hạng B. Mặc dù cổ phiếu hạng B chỉ chiếm 15% tổng số cổ phiếu, nhưng lại có giá trị tương đương 64% số phiếu biểu quyết. Như vậy, dù chỉ sở hữu khoảng 13,6% cổ phần của Meta, tỷ phú Zuckerberg đang kiểm soát hơn 57% trong tổng số 64% (gần 90%) số phiếu biểu quyết này.
Nói cách khác, cách duy nhất để vị tỷ phú bị loại khỏi vị trí CEO Meta là tự bỏ phiếu. Dù cực kỳ thất vọng với kế hoạch đầu tư vào metaverse (vũ trụ ảo) của tỷ phú Zuckerberg nhưng các cổ đông không thể làm gì khác ngoài việc bán cổ phiếu. Họ không thể tạo ra bất kỳ ảnh hưởng thực sự nào đối với vị Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Meta.
Xu hướng gây tranh cãi
Meta không phải là công ty duy nhất có cơ chế cổ phiếu kép. Google, công ty con của Alphabet là ví dụ nổi bật nhất về một công ty có cấu trúc cổ phiếu dạng này. Gã khổng lồ công nghệ đã tiết lộ 2 loại cổ phiếu trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu của mình vào năm 2004.
Năm 2021, gần một nửa số công ty công nghệ và gần 1/4 tổng số công ty tại Mỹ đã phát hành cổ phiếu kép khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Tuy nhiên, việc áp dụng hình thức này đang gây nhiều tranh cãi. Những người ủng hộ cho rằng cổ phiếu kép cho phép những người sáng lập thể hiện khả năng lãnh đạo mạnh mẽ và đặt lợi ích dài hạn lên trên kết quả tài chính ngắn hạn mà không phải lo lắng về những biến động của thị trường chứng khoán.
Họ cũng cho rằng cấu trúc này giúp những người sáng lập giữ quyền kiểm soát đối với công ty vì có thể tránh được các vụ thâu tóm tiềm năng thông qua các cổ phiếu có quyền biểu quyết đa số của họ.
Ngược lại, những người phản đối cho rằng cổ phiếu kép cho phép một nhóm nhỏ cổ đông nắm quyền kiểm soát, trong khi các cổ đông khác cung cấp phần lớn lượng vốn nhưng lại ít quyền biểu quyết hơn.
Bên cạnh đó, sự phân bổ rủi ro cũng không đồng đều, khi những người sáng lập có thể tiếp cận vốn từ thị trường công cộng với rủi ro kinh tế tối thiểu, còn cổ đông lại phải gánh phần lớn rủi ro liên quan đến chiến lược.
Nghiên cứu đã chứng minh rằng việc xếp hạng cổ phiếu có thể cản trở hiệu quả hoạt động lâu dài của doanh nghiệp. Do đó, một nhóm cổ đông đã đề xuất đưa ra một biện pháp khác, đó là đặt ra giới hạn thời gian đối với cấu trúc cổ phiếu kép, và cho phép cổ đông tích lũy quyền biểu quyết theo thời gian .
Nguyễn Tuyết (Theo Channe News Asia, Business Insider, CNBC, Investopedia)