Khởi tố vụ chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng tại Công ty BBI Mall Việt Nam
Mô hình mua sắm tích điểm của Công ty Cổ phần Công nghệ Internet BBI Việt Nam thực chất là kêu gọi người dùng nộp tiền vào ứng dụng để chiếm đoạt. Đặc biệt, để thu hút người dùng tin tưởng, tham gia, công ty này còn mời “shark” Hưng trở thành cổ đông chiến lược.
Ngày 30/3, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Cty CP Công nghệ Internet BBI Việt Nam (địa chỉ tại 57 Nguyễn Quốc Trị, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội).
Đây là vụ án đầu tiên được khởi tố liên quan đến lừa đảo mua sắm, tích điểm trên ứng dụng thương mại điện tử.
Cty CP Công nghệ Internet BBI Việt Nam được thành lập vào ngày 19/10/2017, do ông Hồ Quốc Anh (SN 1990) là Chủ tịch HĐQT và ông Thân Văn Thoại (còn gọi là Thân Ninh Hoài, SN 1984) là Tổng Giám đốc.
Đây là đơn vị được quảng cáo là sở hữu phương thức mua sắm, tích điểm hoàn tiền đầu tiên ở Việt Nam. Thông qua ứng dụng với tên gọi BBI Mall để kết nối người bán và người mua, cho phép người mua được tích điểm và hoàn tiền lên tới 100% khi mua hàng trên ứng dụng.
Tuy nhiên, cơ quan công an xác định, hoạt động của BBI Mall hầu như không có giao dịch mua bán hàng hóa, mà thực chất chỉ là hình thức để một số cá nhân cùng đường dây kêu gọi người dùng nộp tiền vào ứng dụng (khi chưa được Bộ Công Thương cấp phép) để hưởng chính sách do Công ty đưa ra với mức lợi nhuận cam kết lên tới 180%/năm.
Theo cơ quan điều tra, đây là chiêu thức đánh vào lòng tham và tư tưởng làm giàu nhanh chóng của một bộ phận người dân khiến hàng chục nghìn người dễ dàng sập bẫy.
Trong đó, ông Hồ Quốc Anh và ông Thân Ninh Hoài được xác định chủ mưu, điều hành đường dây của BBI Việt Nam. Riêng ông Thân Ninh Hoài từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong các công ty đa cấp nổi tiếng một thời như Công ty Cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến MB 24 hay Công ty Cổ phần Liên kết Sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên Kết Việt).
Đặc biệt, để tạo lòng tin đối với người dùng, Công ty này đã mời ông Phạm Thanh Hưng (còn gọi “shark” Hưng) trở thành cổ đông chiến lược và làm cố vấn cao cấp cho công ty, nhằm mục đích quảng bá hình thức mua sắm tích điểm như một phương thức kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ 4.0.
Cơ quan cảnh sát điều tra xác định ông Hưng đã góp 2% vốn vào BBI Việt Nam và được hưởng lợi từ hoạt động của công ty. Đặc biệt, nhờ có “shark” Hưng đứng ra làm bình phong và sử dụng hình ảnh nổi tiếng của mình, BBI Việt Nam đã nhanh chóng thu hút được một lượng lớn người dùng tin tưởng, tham gia. Đến cuối năm 2019, ông Hưng đã thoái vốn khỏi BBI Việt Nam.
Từ tháng 3/2019 đến giữa tháng 4/2020, ứng dụng BBI Mall đã thu hút 435.521 tài khoản đăng ký với mạng lưới trải dài trên 22 tỉnh, thành phố và 39 đại lý được thành lập. Trong đó, có 23.286 tài khoản đã nạp tiền vào hệ thống, với tổng số tiền thu được 780 tỷ đồng.
Số tiền này được ông Hồ Quốc Anh và ông Thân Ninh Hoài sử dụng khoảng 580 tỷ đồng để chi trả lại cho khách hàng qua hình thức rút tiền tích điểm. Còn lại khoảng 200 tỷ đồng đã bị nhóm này chiếm đoạt.
Đặc biệt, đây mới chỉ là số tiền được xác định trên ứng dụng BBI Mall, còn số tiền lớn hơn được những người này vẽ ra dưới dạng tiền ảo trên ứng dụng BBI Bonus, cơ quan công an đang tiếp tục điều tra.
Bảo Khánh
Đường dây tiền ảo 'đa cấp' lừa hơn 15.000 tỷ của người tham gia Nhiều người Việt lâm cảnh khuynh gia bại sản vì bị mất hàng tỷ đến hàng chục tỷ đồng đầu tư vào tiền ảo Ifan.