Khởi tố thêm 22 người đường dây sách giả liên quan cựu cục phó quản lý thị trường
Cơ quan điều tra đã khởi tố thêm 22 người có hành vi giúp sức cho chủ mưu đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả hoặc mua sách giả với số lượng đặc biệt lớn.
Ngày 7-4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố thêm 22 người liên quan đến vụ án "Sản xuất, buôn bán hàng giả; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; môi giới hối lộ và nhận hối lộ", xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát, Công ty CP In và văn hóa truyền thông Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội và các đơn vị liên quan.
Những người bị khởi tố gồm nhiều giám đốc công ty và chủ nhà sách như: Văn Thị Hiền (chủ nhà sách Hiền Long), Đỗ Văn Được (chủ Shop Bống & Bin), Phan Thị Thanh Thoan (giáo viên), Đỗ Đức Tiến (chủ Công ty TNHH In và thương mại dịch vụ Long Phát), Lục Văn Quán (giám đốc Công ty TNHH In và thương mại Hoài Đức), Nguyễn Ngọc Phương (giám đốc Công ty Thuận Phát), Hoàng Kim Oanh (chủ nhà sách Oanh); Phan Thị Ngọc Hoàn (chủ nhà sách Oanh Hoàn)…
Cơ quan điều tra xác định các bị can trên có hành vi giúp sức cho bị can có vai trò chủ mưu, cầm đầu là Cao Thị Minh Thuận (giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát, chủ nhà sách Minh Thuận) trong việc sản xuất, buôn bán hàng giả hoặc mua sách giả với số lượng đặc biệt lớn để bán thu lời.
Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt các quyết định tố tụng đối với 22 bị can.
Trước đó, cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Hùng - cựu cục phó Cục Quản lý trị trường, tổ trưởng Tổ 1444 Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) - vì cho rằng có dấu hiệu cho thấy ông ‘bảo kê' đường dây 3,2 triệu quyển sách giả.
Việc ông Hùng nhận tiền bị cáo buộc sau khi phát hiện đường dây sản xuất sách giả thì ông Hùng đã không chỉ đạo cấp dưới giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trong vụ án này, bị can Nguyễn Duy Hải bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội "môi giới hối lộ".
Bị can Hải không giữ chức vụ gì trong cơ quan nhà nước nhưng lại có mối quan hệ với các cán bộ quản lý thị trường. Hải chính là "người kết nối" đơn vị sản xuất sách giả với các cán bộ quản lý thị trường để vụ việc "được xử lý nhẹ".
Kết quả điều tra ban đầu xác định khi lực lượng quản lý thị trường đang xử lý vụ việc sản xuất sách giả của Công ty Phú Hưng Phát, bị can Hải gặp và tìm cách tác động đến ông Trần Hùng.
Sau khi có sự tác động từ Hải, ông Hùng không chỉ đạo, yêu cầu điều tra, xử lý hình sự đối với Cao Thị Minh Thuận về hành vi buôn bán hơn 27.000 quyển sách giả.
Ngoài ông Trần Hùng, một số cán bộ quản lý thị trường như Phạm Ngọc Hải, Thành Thị Đông Phương - nguyên kiểm soát viên Đội quản lý thị trường số 17, nay là kiểm soát viên Đội quản lý thị trường số 14 - cũng bị bắt để điều tra về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố nhiều người khác gồm: Cao Thị Minh Thuận (42 tuổi, giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất Phú Hưng Phát, chủ các nhà sách Minh Thuận), Hoàng Mạnh Chiến (39 tuổi, giám đốc Công ty cổ phần In và văn hóa truyền thông Hà Nội), Nguyễn Mạnh Hà (49 tuổi, phó giám đốc Công ty cổ phần In và văn hóa truyền thông Hà Nội)…
Khám xét những nơi sản xuất sách giả, ban chuyên án tạm giữ hơn 3,2 triệu cuốn sách giáo khoa giả các loại, 3 hệ thống dây chuyền máy in offset, nhiều máy gia công sách giả, hơn 1,5 triệu tem giả của Nhà xuất bản Giáo Dục và nhà xuất bản khác, 5 ôtô tải và nhiều máy móc, công cụ dùng để bốc xếp, vận chuyển sách, khoảng 20 tỉ đồng từ nguồn thu bất hợp pháp…
Đây được cho là đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giả với số lượng lớn nhất cả nước từ trước tới nay.
Các cơ quan chức năng vừa phát hiện, triệt phá thành công một đường dây in, gia công, tiêu thụ gần 3 triệu cuốn sách giả gồm sách giáo khoa giả, sách tham khảo giả từ lớp 1 đến lớp 12.