Khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các hoạt động trên thị trường bất động sản chiếm gần 30% tổng hoạt động của nền kinh tế.
Những khó khăn nào của thị trường bất động sản sẽ phải đối mặt nếu các ngân hàng siết chặt việc cho vay là chủ đề nóng trong Hội thảo: "Khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam" do Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam vừa diễn ra chiều 9/5.
Tại hội thảo nhiều ý kiến một lần nữa khẳng định: nếu ngay lập tức "siết chặt" cả nguồn vốn trái phiếu và vốn vay ngân hàng thì các doanh nghiệp bất động sản, các nhà đầu tư, người tiêu dùng và cả các tổ chức tín dụng đều có thể gặp khó khăn.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - Tiền tệ quốc gia cho biết: "Cần phải rất cẩn trọng trong việc kiểm soát thu hẹp thị trường bất động sản. Nếu không sẽ khó khăn rất lớn, hầu hết tài sản thế chấp tại ngân hàng là bất động sản, nếu không, nó sẽ ngay lập tức tác động tới ngân hàng".
PGS. TS. Trần Kim Chung, Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: "Những người vay tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng, ví dụ sửa nhà, mua thêm... khả năng ảnh hưởng. Doanh nghiệp rất lành mạnh, không vấn đề gì cả lại không tiếp nhận được dòng vốn".
Bên cạnh đó, nhiều ý cho rằng việc tìm kiếm các nguồn tín dụng khác cũng cần có thời gian, chứ không thể ngay lập tức thay thế nguồn vốn ngân hàng.
Theo các chuyên gia tại hội thảo, nguồn vốn cho thị trường bất động sản rất đa dạng như: Nguồn vốn từ tín dụng, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, FDI, quỹ đầu tư... Việc điều tiết lại tỷ lệ của các nguồn vốn này là yêu cầu đặt ra lúc này".
Việc "nắn dòng chảy" dòng vốn tín dụng để lành mạnh hoá thị trường bất động sản là điều cần thiết. Nhưng các chuyên gia cho rằng, việc áp dụng cần thực hiện dần dần, tạo nên sự "hạ cánh mềm", thay về việc siết chặt đột ngột, gây sốc cho thị trường.