Khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp sản xuất cao điểm dịp cuối năm
Bước vào quý cuối cùng của năm, các doanh nghiệp tại Tp.HCM mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để tập trung sản xuất, kinh doanh.
Tăng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp
Ghi nhận của Người Đưa Tin , sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại, cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi để đẩy mạnh sản xuất đón nhu cầu cuối năm.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh nói: “Doanh nghiệp nào cũng mong muốn điều này để đáp ứng giá nguyên, vật liệu tăng cao. Với kế hoạch những tháng cuối năm, đặc biệt là kế hoạch sản xuất hàng Tết, nhu cầu vốn cao hơn. Chúng tôi mong muốn ngân hàng nới tín dụng để chúng tôi có lượng vốn tốt hơn”.
Nhìn nhận nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện nay rất lớn, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt-may-thêu-đan Tp.HCM chia sẻ, doanh nghiệp cần vốn nhiều để nhập nguyên liệu, trang trải hoạt động của bộ máy và trả lương cho người lao động.
Các doanh nghiệp cũng cần vốn để xây dựng thương hiệu, tham gia hội chợ, giao thương nhằm quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường nội địa, xa hơn là hướng tới xuất khẩu.
“Việc các ngân hàng thương mại được tăng cung tín dụng và áp dụng lãi suất cho vay hợp lý chính là liều thuốc kích thích để doanh nghiệp phục hồi và duy trì sản xuất, kinh doanh từ nay đến cuối năm, đồng thời đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế-xã hội”, ông Hồng đánh giá.
Còn ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM nhận xét, quyết định cấp thêm tín dụng cho các ngân hàng thương mại để hỗ trợ nền kinh tế là kịp thời, tăng năng lực tài chính cho doanh nghiệp, tuy nhiên cần hướng dòng vốn này vào đúng nơi, đúng chỗ để đạt hiệu quả cao nhất.
“Việc cấp thêm tín dụng nên tập trung vào các doanh nghiệp có quá trình phục hồi tốt trong 8 tháng qua, tạo ra nhiều sản phẩm, sử dụng nhiều lao động... để họ duy trì sản xuất, tăng tích trữ nguyên, vật liệu và tăng tồn kho do thị trường chậm, tạo việc làm cho người lao động ổn định”, ông Việt Anh đề xuất.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm Tp.HCM (FFA), ở thời điểm hiện tại, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp càng lớn vì cần chuẩn bị cho việc tích trữ nguyên vật liệu đáp ứng các đơn hàng lễ, Tết.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, các doanh nghiệp trong ngành lương thực - thực phẩm phải tự lo nguồn vốn, tự đi tìm tài sản thế chấp để được vay ngân hàng.
Do đó, bà Chi đề nghị các ngân hàng có chính sách ưu tiên đối với doanh nghiệp lương thực - thực phẩm để có thể phối hợp thực hiện tốt kế hoạch bình ổn giá, nhất là vào dịp lễ, Tết sắp tới vì "việc ổn định giá hàng hóa cũng là yếu tố then chốt để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra”.
Cần nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Trao đổi với Người Đưa Tin , PGS.TS.Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM khẳng định, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2022 của Tp.HCM tăng đều trên tất cả lĩnh vực, trong đó công nghiệp xây dựng tăng cao nhất là 12,28%; thương mại dịch vụ là 10,05%. Tuy nhiên để tiếp tục thực hiện và hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng, Tp.HCM cần phải quyết tâm cao hơn nữa.
“Hiện, thế giới rơi vào lạm phát tăng cao, ngân hàng trung ương các nước, có cả Việt Nam đều tăng lãi suất nên tổng cầu thế giới đang suy giảm. Thời điểm này cần phải để doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 của Quốc hội về cấp bù lãi suất 2%.
Cần thành lập tổ công tác kết nối cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn này, tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để hạ giá xăng dầu về mức thấp nhất giúp doanh nghiệp giảm thêm chi phí hoạt động”, ông Ngân phân tích.
Cũng theo chuyên gia này, trước sự bất ổn và khó dự báo của thị trường như hiện nay, các chính sách điều hành kinh tế cần phải sử dụng cả biện pháp kích cầu đầu tư và kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác thị trường nội địa.
Cùng quan điểm, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, vấn đề chính hiện nay của các doanh nghiệp thành phố là nguồn vốn. Phía ngân hàng thường yêu cầu doanh nghiệp khi vay phải có tài sản thế chấp, nhưng rất ít doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng được yêu cầu này
Trong khi đó, các yêu cầu liên quan đến báo cáo tài chính, chứng minh dòng tiền có thể trả nợ... vẫn luôn là điểm yếu của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những tiêu chí này được ngân hàng đặt ra từ trước Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp rất khó đáp ứng được yêu cầu.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM chỉ ra, tính đến cuối tháng 8/2022, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Tp.HCM ước đạt hơn 3.145 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cuối tháng 7 và tăng 11% so với cuối năm 2021.
Trong đó, dư nợ tín dụng trung và dài hạn chiếm 55,2% tổng dư nợ, tăng 0,41% so với cuối tháng 7 và tăng 12,77% so với cùng kỳ; dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm 44,8%, tăng 0,39% so với cuối tháng 7 và tăng 8,91% so với cùng kỳ 2021.
Cũng theo ông Lệnh, tăng 11% trong 8 tháng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất so với cùng kỳ trong vài năm gần đây, phù hợp với xu hướng phục hồi của nền kinh tế đất nước nói chung, thành phố nói riêng.
Tuy vậy, diễn biến tín dụng hằng tháng cho thấy, mức tăng trên địa bàn có xu hướng chậm lại trong 2 tháng gần đây.
Tính đến cuối tháng 6/2022, tín dụng trên địa bàn Thành phố này tăng 10,02% so với cuối năm 2021, bình quân mỗi tháng tăng 1,7%, nhưng mức tăng bình quân trong tháng 7 và 8 chỉ là 0,5%.
Doanh nghiệp lo đơn hàng giảm
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM (HAWA) - cho biết, cuối quý III/2022, một số doanh nghiệp đã có đơn hàng mới nhưng không nhiều.
Riêng thị trường nội địa thì sức tiêu thụ đang khả quan do nhiều dự án công trình đang xây dựng trở lại sau hai năm ngưng trệ. Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn về tài chính do nguồn tiền về chậm, ngân hàng hết hạn mức cho vay, lãi suất tăng.
Tình trạng đơn hàng xuất khẩu giảm có thể sẽ kéo dài đến quý III/2023 nên HAWA đang cố gắng tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, không tập trung quá nhiều tại thị trường Mỹ, châu Âu.
“Những khó khăn chung của doanh nghiệp về vốn, lãi suất, tỷ giá là vấn đề ở phạm vi quốc gia, đòi hỏi khả năng điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải thật linh hoạt”, ông Phương nhận định.