Khối ngoại mua ròng gần 3.900 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022, đâu là tâm điểm?

Chia sẻ Facebook
01/07/2022 09:27:12

Đặc biệt, nếu chỉ xét riêng trong quý 2/2022, giá trị mua ròng của nhà đầu tư ngoại trên toàn thị trường ghi nhận con số ấn tượng là 10.417 tỷ đồng. Đây là dấu hiệu tương đối tích cực sau năm 2021 họ bán ròng kỷ lục 62.358 tỷ đồng rồi tiếp tục bán ròng gần 7.000 tỷ trong quý 1/2022.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một nửa chặng đường của năm 2022 đầy thăng trầm. Chỉ số VN-Index sau khi đạt mức đỉnh mới 1.524,7 điểm vào ngày 4/4 đã quay đầu bước vào nhịp điều chỉnh mạnh. Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6 khép lại với sắc đỏ bao trùm, VN-Index đóng cửa giảm tới hơn 20 điểm xuống mức 1.197,6 - một lần nữa mất mốc 1.200, tổng cộng giảm hơn 300 điểm (20%) so với hồi đầu năm.

giá trị mua ròng đạt 3.856 tỷ đồng, trong đó mua ròng trên kênh khớp lệnh đạt 3.219 tỷ đồng và tiếp tục mua ròng thêm 638 tỷ đồng trên kênh thoả thuận.

Xét về diễn biến cụ thể, tại chiều mua, xu hướng ETFs đang ngày càng nở rộ tại Việt Nam và được khối ngoại mạnh tay rót tiền, trong đó phải kể tới chứng chỉ quỹ DCVFM VNDiamond ETF – FUEVFVND. Mã chứng khoán này dẫn đầu danh sách bên mua với giá trị mua ròng đạt 3.304 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Nhiều quỹ ngoại tỏ ra ưa thích FUEVFVND do lợi thế danh mục gồm nhiều mã cổ phiếu đã kịch room, sở hữu triển vọng tăng trưởng tích cực. Trong đó, các nhà đầu tư Thái Lan tiếp tục là một trong những nhân tố chủ lực của động thái gom các chứng chỉ ETFs trong thời gian qua trên thị trường chứng khoán Việt.

Trong bối cảnh giá cả hàng hoá leo thang trên toàn cầu, "ông lớn" ngành phân bón hoá chất là DPM được khối ngoại mua ròng tích cực với nhiều lợi thế hưởng lơi từ giá cả tăng cao. Tổng giá trị mua ròng tại mã chứng khoán này sau 6 tháng qua xấp xỉ 1.360 tỷ đồng và chủ yếu thông qua khớp lệnh. Cùng với đó, dòng tiền của khối ngoại còn chảy về một mã cổ phiếu khác cùng ngành là DCM, ghi nhận lượng mua ròng đạt 646 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhờ hoạt động phát hành cổ phiếu ESOP dẫn đến nới "room" ngoại, cổ phiếu MWG gần như lập tức được nhà đầu tư nước ngoài "gom" mạnh với những giao dịch giá trần ngay từ đầu phiên. Trong nửa đầu năm, MWG được mua ròng 1.185 tỷ đồng và phần lớn được thực hiện thông qua giao dịch thoả thuận.

Danh sách ghi nhận mã cổ phiếu bất động sản là NLG khi đã hút một lượng vốn ngoại mạnh với giá trị mua ròng đạt 1.091 tỷ đồng.

Hai mã cổ phiếu ngân hàng được khối ngoại đẩy mạnh gom trong 6 tháng vừa qua là CTG và HDB với giá trị ghi nhận lần lượt là 957 tỷ đồng và 616 tỷ đồng. Trên thị trường, thị giá của hai cổ phiếu này đều đã điều chỉnh khoảng hơn 20% về giá trị từ đầu năm đến nay.

Ở chiều ngược lại, dẫn đầu trong số các mã chứng khoán bị khối ngoại rút ròng mạnh nhất trong nửa đầu năm 2022 là HPG của Tập đoàn Hòa Phát, giá trị ghi nhận hơn 2.353 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục "tháo chạy" khỏi cổ phiếu ngành thép này sau khi vừa bán ròng lên tới 18.925 tỷ đồng trong cả năm 2021. Xét về diễn biến cổ phiếu này, thị giá kết thúc phiên 30/6 tại mức 22.300 đồng/cổ phiếu, vùng đáy giá 17 tháng, tương ứng giảm gần 37% kể từ đầu năm. Vốn hoá theo đó cũng bốc hơi hàng tỷ USD.

Mã cổ phiếu "họ Vin" là VHM xếp thứ 2 trong danh sách bán ròng của khối ngoại 6 tháng đầu năm 2022 với giá trị trên ngưỡng 1.000 tỷ đồng. Tương tự HPG, thị giá VHM hiện cũng đang trong xu hướng giảm, từ đầu năm đến nay đã giảm khoảng 23%.

Danh sách bán ròng còn có sự xuất hiện của 2 đại diện tiêu biểu nhóm chứng khoán là VND và SSI, giá trị bán ròng cụ thể là SSI (-958 tỷ đồng) và VND (-392 tỷ đồng). Xu hướng điều chỉnh của thị trường tác động trực tiếp tới triển vọng nhóm ngành chứng khoán, do đó dẫn tới việc khối ngoại đẩy mạnh bán ra những mã cổ phiếu này.

Ngược với FUEVFVND, một chứng chỉ quỹ là E1VFVN30 (lấy chỉ số VN30 làm tham chiếu) lại ghi nhận việc bị rút ròng 554 tỷ đồng. Đồng thời, khối ngoại đã bán ròng mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm 2021 với cổ phiếu VIC (-864 tỷ đồng), NVL (-485 tỷ đồng), VCB (-339 tỷ đồng), PVD (-174 tỷ đồng).


"Giai đoạn vàng" để phát huy vai trò kênh dẫn vốn

Trong bài phát biểu tại toạ đàm đầu tư tài chính 2022: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu đón nhận sự trở lại của khối nhà đầu tư nước ngoài. Những diễn biến này thể hiện niềm tin trở lại vào triển vọng của thị trường.

Niềm tin đó của nhà đầu tư nước ngoài, hướng phục hồi mạnh là sự ủng hộ của thị trường đối với những giải pháp, bước đi quyết liệt của Chính phủ trong chủ trương thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh, minh bạch và bền vững.


Nói thêm, ông Hoàng Quang Phòng cho biết thế giới cũng như Việt Nam vừa trải qua giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID và đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Hơn lúc nào hết, đây là giai đoạn thị trường vốn toàn cầu nói chung và thị trường vốn Việt Nam cần phát huy vai trò của mình là kênh dẫn vốn cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo đó, cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư cá nhân tìm kiếm cơ hội sinh lời từ dòng vốn nhàn rỗi.

Chia sẻ Facebook