Khởi nghiệp với một website, máy khâu và lương ở Pizza Hut, người đàn ông trở thành tỉ phú ở tuổi 30
VietTimes – Ben Francis không trở nên giàu có nhờ khoản thừa kế của gia đình hay mối quan hệ trong trường kinh doanh, mà đi lên từ hai bàn tay trắng.
Từ lúc 19 tuổi, người sáng lập kiêm CEO của công ty Gymshark đã sử dụng tiền tiết kiệm từ việc làm thêm ở Pizza Hut để mua một chiếc máy khâu và thành lập công ty may đồ thể dục bên trong hầm để xe của cha mẹ mình ở Birmingham, Anh.
Sau 11 năm, chiến thuật kinh doanh thời niên thiếu của cậu thanh niên thực sự được đền đáp. Francis, 30 tuổi, hiện có khối tài sản ròng 1,3 tỉ USD và được liệt vào danh sách tỉ phú của tạp chí danh tiếng Forbes mới đây. Điểm khác biệt của tỉ phú này rất rõ ràng: độ tuổi trung bình của những người nằm trong danh sách này là 65.
Ban đầu, Francis và người đồng sáng lập Lewis Morgan thành lập Gymshark dưới dạng một website chuyên bán đồ cho người luyện tập gym, anh nói trong cuộc phỏng vấn với CNBC. Nhưng khi đã chán ngấy với những bộ đồ cử tạ của mình, Francis gợi ý chuyển hướng kinh doanh của công ty.
Anh và Morgan dốc tiền tiết kiệm để mua một chiếc máy khâu cùng một chiếc máy in. Mẹ của anh cũng gửi anh nhiều video dạy cách may vá.
Francis khởi nghiệp từ một chiếc máy khâu trong hầm để xe của cha mẹ mình (Ảnh: Twitter)
Hai người đã mang thương hiệu Gymshark tới một cuộc triển lãm về thể hình năm 2013, nhưng không có chút tiền nào để chạy quảng cáo. Rồi một ý tưởng bất chợt loé lên, chỉ khoảng 10 phút sau khi sự kiện diễn ra, họ quyết định tặng miễn phí sản phẩm của mình cho các Youtuber thể thao nổi tiếng.
“Đó là những người hùng của tôi ở trên YouTube”, Francis kể lại. “Sẽ thật tuyệt nếu như những người hùng của chúng ta đến nước Anh và đồng hành cùng với Gymshark tại sự kiện này, đó là điều tôi nảy ra, chứ không thực sự nghĩ quá nhiều về nó”.
Một số trong số những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội này đã thực sự mặc đồ của Gymsack trên kênh của họ, điều này giúp cho doanh số của Gymshark từ 450 USD tăng lên tới 45.000 USD/ngày, theo Forbes.
Vài tháng sau, Francis nghỉ ngang đại học để có thể điều hành công ty toàn thời gian – nhưng đã để trống vị trí CEO vào năm 2017, để lại nó cho cựu giám đốc của Reebok, Steve Hewitt.
“CEO không phải vị trí phù hợp với tôi, vào thời điểm tôi mới bước vào độ tuổi 20”, Francis nói với CNBC. “Chỉ bởi tôi thành lập được một doanh nghiệp tăng trưởng nhanh chóng không có nghĩa rằng tôi là một CEO tài năng nhất”.
Francis bỏ ra 4 năm tiếp theo để hỗ trợ các vị trí lãnh đạo của Gymshark – bao gồm giám đốc sản phẩm và giám đốc tiếp thị - để học hỏi thêm về hoạt động kinh doanh, trước khi trở lại với vị trí CEO vào năm 2021.
Năm đó, anh đã bán 21% cổ phần của Gymshark cho công ty General Atlantic với giá 300 triệu USD – một thương vụ đưa ra mức định giá công ty 1,45 tỉ USD, theo Forbes. Francis được cho là vẫn sở hữu 70% cổ phần.
Thế nhưng, mức định giá tỉ USD của nó chỉ là một phần nhỏ giá trị thị trường của các đối thủ cạnh tranh cỡ lớn như Nike và Lululemon: 166 tỉ USD và 44 tỉ USD theo thứ tự.
“Tôi thực sự tin rằng Gymshark có thể trở thành câu trả lời của nước Anh đối với các thương hiệu đó”, Francis nói. “Nhưng điều đó không có nghĩa rằng công ty chỉ bắt đầu và kết thúc ở nước Anh. Chúng tôi thực sự muốn trở thành một thương hiệu toàn cầu”.
Theo CNBC