Khởi nghiệp từ hoa, nhiều thanh nhiên thu nhập khủng

Chia sẻ Facebook
30/06/2022 17:34:35

Mê mẩn loài hoa cẩm cù, anh công an viên ở Bình Phước tạo dựng vườn hoa với hơn 300 loại, mỗi năm thu nhập hơn trăm triệu đồng; bỏ nghề hướng dẫn viên du lịch, cô gái 9x về khởi nghiệp mở cửa hàng hoa khô.... 

Những người trẻ khởi nghiệp từ hoa


Mê mẩn loài hoa cẩm cù, anh công an viên sở hữu vườn hoa 4.500m2 với hơn 300 loại

Mô hình trồng và nhân giống hoa cẩm cù của anh công an viên 9X Đỗ Văn Phúc ở xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) cho thu nhập hơn trăm triệu đồng mỗi năm.

Đỗ Văn Phúc chia sẻ về mối cơ duyên khiến anh gắn bó với loài hoa này, Phúc cho biết, 6 năm trước, 1 lần tình cờ nhìn thấy loài hoa lạ, hình cầu, thơm ngát, nở xòe 5 cánh hoa màu trắng như những ngôi sao xinh xắn ở nhà một người bạn, anh đã mê mẩn loài hoa cẩm cù này.

Lúc đầu chỉ nghĩ mang về làm chơi chỉ vì yêu thích,vì thế anh đã sưu tầm, nhân giống hoa để thỏa niềm đam mê nhưng không ngờ loài hoa này đã giúp Phúc có thu nhập ổn định, giúp anh lập nghiệp.

Để sưu tầm được nhiều giống, anh đã lên mạng tìm hiểu, đặt mua các giống cẩm cù từ nhà vườn ở các tỉnh, thành phố trong nước. Trong đó, tập trung sưu tầm những giống có mặt hoa đơn giản, dễ trồng, cho hoa nhiều về trồng lấy kinh nghiệm và tìm kiếm những giống cẩm cù tại các cánh rừng tự nhiên của Bình Phước.

Để chăm sóc tốt loài hoa này, anh Phúc đã học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc trên internet. Sau khi trồng, nhân giống thành công nhiều giống cẩm cù khác nhau, anh mạnh dạn nhập các giống cẩm cù có giá trị kinh tế cao từ nước ngoài về, thuần hóa với khí hậu Bình Phước.

Đỗ Văn Phúc ở xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) tại vườn hoa cẩm cù.

Sau 6 năm dày công sưu tầm, học hỏi cách nhân giống và chăm sóc, trong đó, 3 năm đầu anh tập trung sưu tầm các mặt hoa, học kỹ thuật trồng rồi nhân giống; 2 năm tiếp theo, anh chăm chút cho từng chậu cây và tích lũy dần số loài cẩm cù trong vườn nhà, đến nay, trong khu vườn rộng 4.500m2 của anh đã có tới 6.000 chậu cây với hơn 300 loại cẩm cù có sắc hoa và kiểu dáng khác nhau, trong đó có 10 loài cẩm cù đặc hữu của đất Bình Phước.

Để có thị trường tiêu thụ, trong những năm đầu khởi nghiệp, anh Phúc thường xuyên đăng hình cây và hoa cẩm cù trên trang facebook cá nhân; trao đổi giống hoa với nhiều người trồng cẩm cù trong các nhóm chơi hoa.

Hiện những chậu hoa cẩm cù xinh xắn được anh Phúc đăng bán trên Facebook, Zalo và các sàn thương mại điện tử với giá dao động từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng/chậu.

Thị trường mà anh Phúc cung cấp hàng sỉ chủ yếu là cho vườn hoa ở các tỉnh phía Bắc và TP Hồ Chí Minh. Hàng lẻ khi bán trên Shopee, Lazada, Tiki được anh gửi đi tất cả các tỉnh trong nước.

Hiện nay, anh Phúc vẫn tiếp tục mở rộng vườn cây, nhân giống, sẵn sàng tư vấn, cung cấp hoa với số lượng lớn cho các nhà hàng, quán cà phê, chung cư ở TP Hồ Chí Minh.

Anh Phúc chia sẻ, hiện nay, loài hoa cẩm cù đã mang lại cho anh Phúc nguồn thu từ 20-30 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí.


Bỏ nghề hướng dẫn viên du lịch, 9x về nhà làm bà chủ cửa hàng hoa khô

Từ bỏ nghề hướng dẫn viên du lịch, chị Bùi Thị Hồng ở thôn Đại Thiện, xã Hàm Hiệp (huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) về mở cửa hàng kinh doanh hoa khô.

Tốt nghiệp chuyên ngành du lịch, chị Bùi Thị Hồng ở thôn Đại Thiện, xã Hàm Hiệp (huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) khởi đầu với nghề hướng dẫn viên du lịch, sau đó làm lễ tân khách sạn nhưng nguồn thu nhập từ những công việc đó chưa đảm bảo trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình nên chị quyết định chuyển hướng sang làm nông dân đầu tư trồng hàng nghìn trụ thanh long với mong muốn vươn lên làm giàu.

Tuy nhiên, nghề trồng thanh long quá vất vả, không phù hợp với sức vóc nhỏ bé của người phụ nữ vốn chân yếu tay mềm như chị nên chị Hồng quyết định chuyển việc này cho chồng chị để tìm hướng khởi nghiệp mới phù hợp hơn.

Chia sẻ về công việc làm hoa khô hiện tại, chị Hồng cho biết: Thật tình cờ, trong 1 lần đi mua hoa tặng mẹ, khi tôi nhìn thấy những giỏ hoa khô bày bán đầy trên phố rất bắt mắt, đẹp không kém gì hoa tươi, tôi rất thích.

Những ngày lễ, tết, mình lại phải đi mua hoa để tặng người thân, bạn bè nhưng sao mình lại không tự tay làm để tặng được. Từ trăn trở đó nên thời gian đầu tôi tìm mua nguyên liệu về để tự làm. Làm nhiều thành đam mê và sau đó thấy thích với công việc này nên tôi quyết định làm luôn”.

Theo chị Hồng, so với hoa tươi thì hoa khô vừa rẻ vừa bền, lại trang trí được nhiều màu sắc, kiểu dáng, được rất nhiều người lựa chọn, đây là 1 lợi thế để chị dễ dàng tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

Từ chỗ làm những loại hoa để trang trí thêm cho các sản phẩm trong gia đình, rồi tiếng lành đồn xa, dần dần chị Hồng biến công việc dường như chỉ để giải trí này thành nghề mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Hiện tại, các sản phẩm của chị làm ra hiện có mặt khắp nơi, không chỉ ở Bình Thuận mà chị còn mở rộng ra nhiều tỉnh, thành khác, không chỉ cung cấp hoa thành phẩm chị còn cung cấp các nguyên liệu, phụ kiện để làm hoa cho các đại lý.

“Sắp tới em sẽ nhập thêm các nguyên liệu về vừa bán lẻ cho khách vừa nhập cho các cửa hàng, đại lý”, chị Hồng chia sẻ thêm.

Là phụ nữ thế hệ 9x nhưng sau thời gian khởi nghiệp với nghề làm hoa khô, chị Hồng đã có cuộc sống sung túc, khá giả.


Sở hữu hàng nghìn héc ta hoa súng, chàng trai Huế thành tỷ phú hoa súng

"Vua" hoa súng Huỳnh Văn Khanh (ảnh: TTHO).

Nhìn cả hồ súng rộng hàng nghìn héc ta và hàng trăm chậu lớn nhỏ của anh Huỳnh Văn Khanh (33 tuổi), người dân ở xã Giang Hải, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế, vẫn gọi anh là “vua” hoa súng. Biệt danh này gắn với câu chuyện khởi nghiệp từ trồng hoa súng của anh.

Học xong cấp 3, sau khi làm đủ nghề, Khanh xin vào phụ việc cho một nhà trồng hoa và cây cảnh ở Huế. Cũng từ đó, anh đam mê với nghề trồng hoa, đặc biệt là hoa súng.

Năm 2013, sau khi tìm hiểu được khí hậu đất đai quê nhà, Khanh bắt tay vào trồng hoa súng từ việc cải tạo lại mảnh vườn nhà.

Thời gian đầu mới trồng do chưa có kinh nghiệm nên còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau nhiều tìm hiểu, nghiên cứu, cuối năm 2016, Khanh đã tìm được phương pháp trồng và chăm bón cây hoa súng phù hợp. Mô hình ngày càng phát triển và thích hợp tốt với khí hậu địa phương. Vì thế anh quyết định bỏ ra số vốn 600 triệu đồng để tiếp tục đầu tư mô hình trồng cây hoa súng cảnh để theo đuổi đam mê.

“Thời tiết ở Huế cũng có lợi thuế cho cây hoa súng phát triển, đó là có tới 8 tháng nắng gắt bởi cây hoa súng phát triển được là nhờ nắng to.  Tuy nhiên cũng có thời gian trở lạnh và mưa dầm khiến hoa súng không phát triển được. Thời gian này tôi xác định phải “ngủ đông” theo cây luôn”, anh Khanh cho hay.

Được biết, sau gần 10 năm theo đuổi nghề trồng hoa súng, đến nay anh Khanh sở hữu vườn hoa súng rộng hơn 4,5ha với 100 loại hoa súng khác nhau, có những loại anh tự nghiên cứu lai tạo, còn nhiều loại anh phải nhập từ nước ngoài về.

Thị trường tiêu thụ không chỉ có ở Huế mà vươn ra ở các tỉnh, thành trong nước. Theo đó, giá bán hoa súng dao động từ 35.000 đồng đến 300.000 đồng/chậu; cũng có những chậu giá tiền triệu; ước tính mỗi tháng sản lượng đưa ra thị trường duy trì khoảng 40.000 cây giống.

Ngoài cung cấp giống cây hoa súng, anh Khanh còn bán hoa súng cảnh trên các mạng xã hội như Zalo, Facebook… mỗi năm có doanh thu từ 4-5 tỷ đồng mang lại lợi nhuận từ 1,5-2 tỷ đồng.

Chia sẻ Facebook