Khởi nghĩa Yên Thế (P2): Hai lần hòa hoãn, chuẩn bị chiếm lại Hà Nội

Chia sẻ Facebook
01/09/2023 16:04:23

Sau khi trở thành vợ của thủ lĩnh Đề Thám, bà Đặng Thị Nho tìm hiểu thực lực nghĩa quân Yên Thế và cho rằng đây không phải thời điểm...


Sau khi trở thành vợ của thủ lĩnh Đề Thám, bà Đặng Thị Nho tìm hiểu thực lực nghĩa quân Yên Thế và cho rằng đây không phải thời điểm tích hợp giao tranh với Pháp. Thực lực nghĩa quân rất yếu, nếu tiếp tục cuộc chiến thì chỉ chuốc lấy thất bại và tan rã. Bà Nho cho rằng lúc này nên củng cố và phát triển lực lượng để tính kế lâu dài, trước mắt cần có được khoảng thời gian hòa hoãn với Pháp. Với lập luận vững chắc, bà Nho đã thuyết phục được chồng cùng các tướng lĩnh.

Tiếp theo phần 1

Hòa hoãn lần thứ nhất


Để có được hòa hoãn với Pháp, nghĩa quân đã sử dụng cách mà quân Pháp từng dùng để ép buộc các nghĩa quân khác đầu hàng, đó chính là bắt cóc. (Xem bài: Cuộc chiến chống quân Pháp ở Bắc hà – P11 )

Ngày 17/9/1894, nghĩa quân bắt được Chesnay là biên tập viên tờ Avenir du Tonkin để làm điều kiện hòa hoãn với Pháp. Vụ bắt cóc khiến nước Pháp lo lắng, yêu cầu quân Pháp ở An Nam phải hòa hoãn để nghĩa quân thả Chesnay.

Bản thân quân Pháp sau một giai đoạn tấn công Yên Thế, dù thu được một số trận thắng lớn, nhưng quân số cũng hao tổn, vì thế cũng tính đến việc tạm thời hòa hoãn.

Tháng 10/1894, cuộc đàm phán diễn ra. Pháp phải trả 15.000 franc cho nghĩa quân để chuộc người, đồng thời rút quân khỏi Yên Thế. Nghĩa quân được kiểm soát 4 tổng Nhã Nam, Mục Sơn, Yên Lễ và Hữu Thượng và được thu thuế trong thời gian 3 năm.

Đồn Phồn Xương. (Ảnh: Trung uý Romain Desfosssés, Public Domain)

Nghĩa quân tranh thủ thời gian này xây dựng lực lượng, xây dựng căn cứ ở Phồn Xương. Các thành viên tự cày cấy nhằm chủ động được nguồn lương thực, tuyển mộ thêm binh sĩ.

Tại con đường độc đạo dẫn vào căn cứ, nghĩa quân xây dựng đồn Phồn Xương (còn gọi là đồn Gồ, đồn Cụ) nằm ở phía nam quả đồi cao gần 20 mét, cách suối Gồ 800 mét về phía nam. Đồn được xây theo hình chữ nhật hướng bắc nam, diện tích một mẫu bắc bộ, tường đắp bằng đất nện có 2 vòng thành.

Bên trong tường thành có chiều cao 3 cấp độ khác nhau, để nghĩa quân có thể đứng hoặc quỳ bắn ra ngoài. Mặt tường phía ngoài có lỗ châu mai thuận lợi để quan sát và từ trong bắn ra. Ngoài 3 cổng chính ra, đồn cũng có các cổng phụ chạy thẳng vào trong rừng.

Pháp cho quân tấn công

Chỉ vài tháng sau cuộc hòa hoãn, đầu năm 1895, quân Pháp cho một trung đoàn và một pháo thuyền hiện đại tấn công Yên Thế. Nghĩa quân chống cự quyết liệt, nhưng trước sức mạnh hỏa lực của quân Pháp, Đề Thám quyết định tránh đụng độ trực tiếp với quân chủ lực Pháp. Ông chia nhỏ nghĩa quân thành các toán quân hoạt động trong rừng và làng mạc ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phúc Yên.

Hoàng Hoa Thám. (Ảnh: Pierre Dieulefils, Wikipedia, Public Domain)

Toàn quyền Đông Dương cho thành lập Tiểu khu Yên Thế, đồng thời truy bắt Đề Thám và nghĩa quân.

Tháng 4/1896, Đề Thám bí mật cho quân lập căn cứ ở Tam Đảo, chia quân thành những toán nhỏ mai phục, chặn đường giao thông, bất ngờ đánh đồn khiến quân Pháp gặp thiệt hại, nhưng lại không biết nghĩa quân ở đâu mà tìm. Chính quyền Pháp phải thừa nhận một vùng lớn từ nam Thái Nguyên, phía bắc tỉnh Bắc Ninh, Đáp Cầu, phía bắc và đông phủ Lạng Thương đều bị nghĩa quân Yên Thế kiểm soát.

Đại Cồ Việt từng vuột mất cơ hội đánh chiếm Trung Quốc

Hòa hoãn lần thứ hai

Quân Pháp cố truy lùng nhưng rất khó tìm được nghĩa quân. Nhưng bản thân nghĩa quân cũng gặp khó khăn sau một thời gian dài tránh sự truy lùng của Pháp. Đề Thám đã chủ động xin nghị hòa nhằm bảo toàn và củng cố lực lượng.

Phía Pháp cũng muốn ngừng chiến để có thời gian ổn định khai thác thuộc địa nên đồng ý nghị hòa.

Đề Thám cùng các thủ hạ của mình tại đồn điền Phồn Xương trong thời gian hoà hoãn với Pháp. Đứng sau Đề Thám là một sĩ quan Pháp. (Ảnh: Trung uý Romain Desfosssés, Public Domain)

Ngày 26/11/1897, hai bên ký Khế ước đình chiến kèm điều kiện nghĩa quân phải giao nộp lại vũ khí và bãi binh.

Đề Thám bề ngoài vẫn phục tùng, nhưng lại bí mật cho nghĩa quân phát triển ở Phồn Xương. Tại Phồn Xương, nghĩa quân tự trồng lương thực, sắm sửa vũ khí, huấn luyện binh sĩ. Sau một thời gian, nghĩa quân dù chỉ có 200 người nhưng rất thiện chiến.

Thời điểm này, những nhà yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đến Phồn Xương thăm nghĩa quân. Đề Thám cũng cho lập đồn Tú Nghệ để các nghĩa sĩ miền Trung có chỗ ăn ở và tập luyện.

Phía Pháp trong thời gian này cũng mở rộng giao thông, lập các đồn bốt để kiểm soát ngăn chặn các hoạt động của nghĩa quân, chuẩn bị các điều kiện để đánh đòn quyết định tiêu diệt cuộc khởi nghĩa.

Chuẩn bị đánh chiếm Hà Nội

Vào năm 1908 với sự tham gia chỉ đạo bên ngoài của Phan Bội Châu, các sĩ phu yêu nước cùng nghĩa quân Yên Thế chuẩn bị cho kế hoách đánh chiếm Hà Nội.

Một số người biết xem bói, xem tướng đã đến các đền thờ để xem bói. Những người lính khố xanh, khố đỏ (lính người Việt phục vụ cho Pháp) thường hay đến xem bói, từ đó tạo ra mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa các thầy bói và binh lính người Việt. Các binh lính này thường bị sĩ quan Pháp đối xử bất công. Dần dần các thầy tướng khơi gợi được tấm lòng nhân nghĩa yêu nước trong binh lính. Số binh lính này đồng ý tham gia trận đánh chiếm Hà Nội.

Cuộc binh biến ấn định vào ngày 15/11/1907, nhưng cuối cùng phải hoãn lại. Sau đó binh biến dự định là ngày 16/5/1908, nhưng sát đến ngày lại phải hoãn lại. Lần thứ ba ấn định là vào hạ tuần tháng 6/1908.

Thế nhưng đến ngày 24/6/1908, Thiếu tướng De Nays Candau, chỉ huy trưởng pháo binh Đông Dương nhận được thư nặc danh nói sắp có cuộc binh biến ở Hà Nội với sự tham gia của cả thường dân lẫn quân dân, mà những người cầm đầu là nằm trong đơn vị pháp binh do viên tướng này quản lý.

Thống Sứ Bắc Kỳ Louis Jules Morel đã ra lệnh điều tra công khai. Nhận thấy nếu bị điều tra khả năng sẽ bị lộ hết, tất cả mọi người đồng ý thực hiện gấp theo kế hoạch.


(Còn nữa)


Trần Hưng

Dấu tích chiến công của các tướng Lĩnh Nam tại Trung Quốc


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook