Khơi lại vụ án đảo chính lật đổ ông Tập, Bộ An Ninh Trung Quốc có dụng ý gì?
Hiện giờ vụ án này đã được khơi lại một lần nữa, không khỏi khiến ngoại giới suy đoán về mục đích thực sự phía sau của ĐCSTQ.
Ngày 15/8, Bộ An ninh Nhà nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tiết lộ “vụ án an ninh quốc gia” trên tài khoản WeChat chính thức của mình, cáo buộc một cán bộ nghỉ hưu từ Trường Đảng của Tỉnh ủy Vân Nam đã lên kế hoạch cho một cuộc đảo chính vũ trang vào năm 2016, nhưng bị cơ quan chức năng bắt giữ trước khi thực hiện, khiến dư luận lo ngại về mục đích thực sự phía sau.
Bộ An ninh Trung Quốc tiết lộ, một cán bộ đã nghỉ hưu của một trường ở Vân Nam, đã chủ động liên lạc với các thành viên chủ chốt của các tổ chức thù địch ở nước ngoài, lên kế hoạch mua vũ khí ở nước ngoài, chiêu mộ “biệt đội cảm tử” ở Trung Quốc, nhằm thực hiện một cuộc lật đổ bạo lực mang tên “Dự án Benghazi của Trung Quốc” , nhưng đã bị an ninh quốc gia bắt giữ trong giai đoạn lập kế hoạch.
Bài viết nhấn mạnh, an ninh chính trị là nền tảng của an ninh quốc gia. Khía cạnh cơ bản nhất của an ninh chính trị là duy trì địa vị cầm quyền của ĐCSTQ.
Ông Tử Túc, sinh năm 1955, tốt nghiệp Khoa Chính trị Đại học Vân Nam năm 1983 và giảng dạy tại Trường Đảng Tỉnh ủy Vân Nam. Ông từng giữ chức phó chủ tịch huyện trong 2 năm và nghỉ hưu vào năm 2014.
Ông là một trong những đảng viên ĐCSTQ công khai ủng hộ chủ nghĩa hợp hiến dân chủ, ủng hộ cải cách dân chủ hóa chính trị ngay lập tức và triệt để. Sau khi nghỉ hưu, ông tích cực tham gia phong trào bảo vệ quyền công dân, và nổi tiếng với những phát ngôn táo bạo trên Internet. Ông Tử Túc trở về quê hương Thành Đô vào cuối năm 2015.
Tháng 10/2016, ông bị Cục An ninh Nhà nước Thành Đô bắt giam, vì nghi ngờ “kích động lật đổ chính quyền” , sau đó được tại ngoại và trở về nhà.
Tháng 4/2017, với tư cách là một đảng viên, ông Tử Túc đã viết thư ngỏ, kêu gọi ĐCSTQ bầu cử tổng bí thư một cách dân chủ, công khai. Ông đích thân đề cử Hồ Đức Bình, con trai cả của cố Tổng bí thư ĐCSTQ Hồ Diệu Bang, ra tranh cử. Sau đó, ông lại bị bắt, chính thức bị giam và khởi tố.
Ngày 26/6/2018, một cuộc họp trước khi xét xử đã được tổ chức tại Tòa án cấp trung của Thành Đô trong vụ ông Tử Túc bị buộc tội “lật đổ chính quyền” . Ông khăng khăng rằng mình vô tội. Năm 2019, nhà chức trách đã kết án ông 5 năm tù.
Sau khi Bộ Công an khơi lại vụ việc đã làm dấy lên nghi vấn lan rộng trên mạng xã hội nước ngoài, có người nói: “Khơi lại vụ án đã bị phá năm 2016 là có dụng ý gì?”.
Có người nói: “Cán bộ về hưu này có dũng khí, là Trần Thắng, Ngô Quảng (những người cầm đầu nổi dậy chống vua Tần) của hiện đại.”
Theo phân tích của ngoại giới, các cơ quan chức năng khơi lại vụ án này cho thấy tình hình hiện tại đang vô cùng căng thẳng. Dưới áp lực cao của thể chế, không loại trừ khả năng những người trong nội bộ đều là “đỏ cấp thấp, đen cấp cao” (bề ngoài tỏ vẻ trung thành, bên trong lại giở thủ đoạn).
Ông Vương Hách, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, tin rằng: “Việc Bộ An ninh Quốc gia công bố lại vụ án này rất kỳ lạ. Điều này cho thấy, vào năm thứ 4 của chính quyền Tập Cận Bình, những người trong nội bộ ĐCSTQ đã bắt đầu phản đối ông Tập. Hơn nữa, họ còn tổ chức các ‘biệt đội cảm tử’, phản đối bằng bạo lực. Điều này cho thấy tình hình chính trị của Trung Quốc rất kỳ lạ.”
Ông nói: “Năm 2016, đã có người muốn lật đổ ông Tập Cận Bình. Tình hình hiện giờ còn tồi tệ hơn nhiều so với năm 2016, chẳng phải là có nhiều người hơn đang muốn lật đổ ông Tập Cận Bình sao?
Nhưng chính quyền Tập, Bộ An ninh Quốc gia lại công bố một vụ án như thế này quả thực rất đáng suy ngẫm. Phải chăng trong hệ thống an ninh quốc gia, một số người cũng đang chơi trò đỏ đen với ông Tập?
Cho nên, dù nhà chức trách giải thích về vụ việc này như thế nào, trên thực tế việc công bố vụ án này là nhằm mang đến cho mọi người sự kích thích và phấn khích, có thể thúc đẩy nhiều người nổi lên chống lại Tập Cận Bình một cách khách quan.”
Ngày 16/8, ông Chu Phong Tỏa (Zhou Fengsuo), Giám đốc điều hành của tổ chức nhân quyền Hoa Kỳ “Human Rights in China” (HRIC), kiêm lãnh đạo phong trào sinh viên Thiên An Môn đã trả lời phỏng vấn của NTDTV về vụ việc trên.
Ông nói rằng: “Ông Tử Túc là một nhà hoạt động dân chủ mà chúng tôi đã chú ý. Trước khi Tập Cận Bình sửa đổi chính sách lập hiến và xưng đế, ông ấy (Tử Túc) đã có tầm nhìn xa trông rộng. Lúc đó ông ấy đã viết thư ngỏ yêu cầu Tập Cận Bình thoái vị. Kỳ thực vụ việc này là một trong những nguyên nhân khiến ông ấy bị bắt tại thời điểm đó. Trên thực tế, theo ý kiến của chúng tôi, lý do chính là ông ấy phản đối chế độ hoàng đế và nhiệm kỳ suốt đời của Tập Cận Bình.”
Ông Chu Phong Tỏa tin rằng: “Hiện giờ tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã lên tới hơn 20%, họ không dám công bố. ĐCSTQ luôn gây thù chuốc oán từ mọi phía, cả trong và ngoài nước. Họ tạo ra một số kẻ thù để đánh lạc hướng sự chú ý của mọi người, và quy kết nhiều vấn đề cho các thế lực bên ngoài, hoặc cho ‘gián điệp’, v.v., rất giống với việc Mao đã khuyến khích mọi người vạch trần, đấu tố lẫn nhau.”
Ông chỉ ra rằng nhìn chung, người dân Trung Quốc hiện nay không hài lòng với chính quyền. Trong hoàn cảnh như vậy, nhà cầm quyền phải dựng lên những “kẻ thù” có thể trở thành đối tượng để mọi người học theo, và tạo ra hiệu ứng thị phạm bất ngờ.
Ông nói: “Khi công chúng đầy bất bình, thực sự có thể đóng vai trò dẫn đường cho con người. Đó chính là củi và lửa, chỉ còn thiếu Trần Thắng, Ngô Quảng (người dẫn đầu cuộc nổi dậy) mà thôi. Họ đã chỉ ra một ví dụ như vậy, tôi nghĩ mọi người sẽ làm theo, lấy đó làm gương, khả năng này rất cao.”
Đổng Lâm Sam / Vision Times
Trung Quốc ngừng công bố tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên
Từ tháng 8, Trung Quốc sẽ không công bố tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát ở thành thị đối với thanh niên và các nhóm tuổi khác trên toàn quốc