Khởi động dự án xây dựng môi trường học tập giàu ngôn ngữ tại các trường mầm non

Chia sẻ Facebook
30/06/2022 16:22:49

Dự án TALK hướng đến nâng cao năng lực của cán bộ quản lý nhà trường và giáo viên trong việc xây dựng môi trường học tập giàu ngôn ngữ tại các trường mầm non.

Ngày 29/6, Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật Vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ (gọi tắt là VVOB) chính thức giới thiệu dự án 5 năm "Giáo viên mầm non áp dụng các kiến thức và kỹ năng giảng dạy tạo môi trường học tập giàu ngôn ngữ cho trẻ" (viết tắt là TALK).


Dự án hướng đến nâng cao năng lực của cán bộ quản lý nhà trường và giáo viên trong việc xây dựng môi trường học tập giàu ngôn ngữ tại các trường mầm non trên địa bàn 3 tỉnh có nhiều hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cùng sinh sống (Điện Biên, Quảng Trị, Gia Lai). TALK nối tiếp thành công của dự án "Giảm thiểu rào cản đối với hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn và có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống" (BAMI) vừa kết thúc vào cuối năm 2021 với nhiều kết quả tích cực trong việc nâng cao năng lực quan sát và suy ngẫm của giáo viên (về 2 chỉ số cảm giác thoải mái và sự tham gia của trẻ), đồng thời hỗ trợ giáo viên điều chỉnh phương pháp tiếp cận phù hợp cho từng trẻ trong lớp đúng theo tinh thần lấy trẻ làm trung tâm của Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Sự kiện giới thiệu dự án 5 năm TALK của tổ chức VVOB diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của các chuyên gia giáo dục và đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo


Trong 5 năm tới, tiếp nối những kết quả tích cực của BAMI, dự án TALK sẽ chú trọng vào môi trường học tập giàu ngôn ngữ kết hợp với cảm giác thoải mái và sự tham gia như là một hướng tiếp cận hiệu quả để hỗ trợ trẻ sẵn sàng cho việc học tập.

Sự cần thiết của việc nâng cao năng lực giáo viên đối với khả năng ngôn ngữ của trẻ mầm non

Ở các khu vực miền núi xa xôi, tiếng Việt không phải là tiếng mẹ đẻ của đa số trẻ em, nên các em sẽ gặp nhiều trở ngại khi tiếp thu ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Việt tại trường. Điều này tạo ra một khoảng cách học tập giữa trẻ em người dân tộc thiểu số và trẻ em người dân tộc Kinh. Tuy nhiên, hệ thống trường mầm non hiện nay vẫn chưa được trang bị để giúp trẻ người dân tộc thiểu số vượt qua những thách thức này. Tại các tỉnh dự án TALK, hầu hết các giáo viên tại các trường mầm non đều là người dân tộc Kinh, không thông thạo sử dụng các ngôn ngữ địa phương và gặp nhiều hạn chế trong việc nâng cao kỹ năng sư phạm để thay đổi phương pháp giảng dạy truyền thống lấy giáo viên làm trung tâm sang áp dụng phương pháp lấy trẻ làm trung tâm.

Trẻ mầm non tự làm chủ hoạt động trên lớp


Nhận được sự tài trợ của Chính phủ Bỉ, VVOB sẽ phối hợp cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh Điện Biên, Quảng Trị, và Gia Lai thực hiện dự án TALK. Dự án được kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi thực sự trong lớp học về tạo môi trường học tập giàu ngôn ngữ, đảm bảo trường mầm non chuẩn bị hành trang thật tốt cho trẻ ở các huyện khó khăn và có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống, để trẻ bước vào cấp tiểu học với những kĩ năng ngôn ngữ cần thiết, từ đó giúp trẻ sẵn sàng học tập. Những thay đổi này sẽ đạt được và bền vững thông qua việc bồi dưỡng năng lực chuyên môn và thay đổi các thực hành của cán bộ quản lí nhà trường và giáo viên.

Hướng tới việc xây dựng môi trường học tập giàu ngôn ngữ cho trẻ em Việt Nam

Với sự hỗ trợ của đối tác chuyên gia từ Bỉ và các chuyên gia ngành giáo dục đến từ Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo), các trường đại học, cao đẳng và viện nghiên cứu giáo dục tại Việt Nam, dự án TALK sẽ được triển khai với ba hợp phần: hợp phần ngôn ngữ, hợp phần năng lực lãnh đạo trong trường học, và hợp phần nghiên cứu.


Dự án được kỳ vọng sẽ lan tỏa tới hàng nghìn giáo viên mầm non thuộc 15 huyện miền núi khó khăn tại 3 tỉnh Điện Biên, Quảng Trị, và Gia Lai, từ đó mang tới môi trường học tập chất lượng hơn cho trẻ em tại địa phương.


Đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ kỳ vọng về việc dự án sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cấp học mầm non trong việc thực hiện xây dựng môi trường giáo dục cho trẻ mẫu giáo người dân tộc thiểu số phù hợp với bối cảnh cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa các DTTS trong tỉnh. Đồng thời hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên tiếp cận những tiến bộ trong khoa học GDMN.

Bà Karolina Rutkowska, Giám đốc Chương trình Quốc gia VVOB Việt Nam khẳng định VVOB sẽ tiếp tục đồng hành để nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em Việt Nam


Bà Karolina Rutkowska, Giám đốc Chương trình Quốc gia VVOB Việt Nam khẳng định: "Với mục tiêu giải quyết các thách thức giáo dục phức tạp đã đề ra trong dự án TALK, việc đạt được các mục tiêu này yêu cầu sự hợp tác chặt chẽ và chung tay cùng với Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD ĐT) cũng như các đối tác về mặt chuyên môn của dự án như là Viện Khoa học Giáo dục Việt nam, đại học KdG, tổ chức Mạng lưới trường học CEF, Trung tâm Giáo dục trải nghiệm CEGO. Cả quan hệ đối tác và sự hợp tác đều rất cần thiết trong cách tiếp cận của VVOB, và chúng tôi hy vọng rằng cùng nhau chúng ta có thể mang đến chất lượng giáo dục tốt hơn và công bằng giáo dục cho trẻ em ở các khu vực có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống."

Buổi lễ diễn ra với không khí thân mật và tràn đầy hy vọng về nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em Việt Nam, đặc biệt là cho trẻ em ở vùng miền núi khó khăn và có nhiều đồng bào DTTS cùng sinh sống.

Chia sẻ Facebook