Khởi đầu bị chê cười của iPhone
Bản thân những người đã sáng tạo ra iPhone như cựu Giám đốc Tony Fadell cũng không lường trước được tầm ảnh hưởng rộng rãi của thiết bị này.
iPhone không phải là chiếc smartphone đầu tiên xuất hiện trên thị trường. Nhưng những điện thoại thông minh trước đó như BlackBerry hay Motorola, dù có một đối tượng khách hàng nhất định, chưa bao giờ thực sự phổ biến.
Với ngôn ngữ thiết kế tối giản và giao diện đơn giản, iPhone đã thay đổi toàn bộ thế giới công nghệ smartphone, đồng thời trở thành kẻ tiên phong cho các nhà sản xuất điện thoại sau này.
Khởi đầu bị chê cười
Những ngày đầu ra mắt, iPhone 2G từng bị chê trách thậm tệ vì người dùng phải gõ chữ trên màn hình. Steve Ballmer, Giám đốc điều hành Microsoft thời bấy giờ, từng chê cười ý tưởng của Apple vì thiếu bàn phím. Ông cho rằng iPhone không phải là chiếc điện thoại dành cho doanh nhân khi nó không được trang bị bàn phím QWERTY vật lý và sẽ gặp nhiều khó khăn khi soạn thảo email.
Bản thân nội bộ của Apple cũng có những mối băn khoăn tương tự. Tuy nhiên, “cha đẻ” của iPod Tony Fadell đã nhận ra một nghịch lý rằng những nhân viên khi trải nghiệm chiếc iPhone đầu tiên đều say mê đến mức không thể đặt nó xuống.
“Văn hóa của Apple đã thay đổi kể từ khi chúng tôi có thể kiểm tra tin nhắn và thông báo mọi lúc mọi nơi chỉ với chiếc iPhone trong tay. Nhưng điều chúng tôi không ngờ đến là thứ văn hóa này thậm chí còn lan rộng ra đến mọi người”, ông chia sẻ.
Đến năm 2008, chiếc iPhone 3G ra đời cùng với kho ứng dụng App Store. Kho ứng dụng là nơi chứa đựng mọi thứ người dùng cần, từ mạng xã hội Facebook, Twitter đến các tựa game giải trí như Angry Birds.
Vào thời điểm đó, giới lãnh đạo của Táo khuyết rất lưỡng lự vì không chắc điều gì sẽ xảy ra nếu App Store được công bố cùng với iPhone 3G.
“Ban đầu, chúng tôi nghĩ sẽ có khoảng 50 ứng dụng trong App Store và cho rằng đây là một khởi đầu tốt. Nhưng không ngờ chúng tôi lại có đến 500 ứng dụng”, Greg Joswiak, Phó chủ tịch bộ phận tiếp thị sản phẩm của Apple, chia sẻ. Một tuần sau, con số này nâng lên thành 25.000 ứng dụng.
Tạo nên nhiều xu hướng
Theo Fadell, Apple đã tỏ ra hứng thú với tính năng chụp ảnh từ sớm. Hãng công nghệ đã tham vọng tạo ra chiếc camera của riêng mình sau thành công của iPod. Cuối cùng, Apple đã sáng tạo nên chiếc iPhone, một thiết kế có thể kết hợp cả hai trong một.
“Với chiếc điện thoại luôn có sẵn trong túi, tại sao người dùng phải mang theo chiếc máy ảnh thứ 2 bên người”, Joswiak nói. Cựu Phó chủ tịch Apple khẳng định ngay từ đầu, Táo khuyết đã định hướng phải luôn cải thiện chất lượng camera.
Tuy nhiên, họ không thể ngờ rằng chức năng chụp selfie lại thu hút người dùng đến vậy.
“Chiếc điện thoại tiếp theo của chúng tôi khi đó có camera ở mặt trước. Nhưng điều làm chúng tôi băn khoăn là người dùng có thể làm gì với chiếc máy ảnh này. Đương nhiên, họ có thể chụp ảnh với nó nhưng liệu đó có phải là tính năng đột phá hay không?”, Justin Santamaria, cựu kỹ sư trưởng của Apple và là người đứng sau iMessage và FaceTime, nói vào năm 2010.
Thực tế đã chứng minh camera selfie là một thành công vượt trội. Trào lưu chụp ảnh tự sướng đã trở nên phổ biến với nhóm người dùng iPhone trẻ, đồng thời tạo điều kiện cho những ứng dụng chia sẻ ảnh khác phát triển.
FaceTime cũng là ứng dụng đầu tiên của Apple sử dụng công nghệ thông báo đẩy. Tính năng này cho phép người dùng nhận được thông báo thông qua những chấm đỏ trên góc phải ứng dụng, âm thanh và thanh hiện ra trên màn hình chính. Ngày nay, người dùng nhận đến hàng chục, thậm chí là hàng trăm thông báo đẩy mỗi ngày.
“Tôi nhận ra rằng những thông báo làm chúng ta trở nên xao nhãng hơn bao giờ hết”, Santamaria chia sẻ. Bà cho biết vào lúc đó đội ngũ phát triển chỉ nghĩ rằng thông báo đẩy sẽ giúp trải nghiệm iPhone trở nên có hệ thống và gọn gàng hơn, chứ không hề muốn thu hút sự chú ý của người dùng.
Đi ngược lại với định hướng ban đầu
Đến năm 2011, cuộc đua smartphone trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Các nhà sản xuất điện thoại Android, đặc biệt là Samsung, bắt đầu tăng kích thước màn hình. Chiếc Galaxy Note đầu tiên với tấm màn 5,3 inch thành công vượt bậc. Nhưng về phần mình, Apple lại nằm ngoài cuộc đua này.
Ban đầu, Apple dường như lờ đi trào lưu. Tuy nhiên, đến năm 2014, họ không thể đứng ngoài cuộc chơi, và cho ra đời mẫu iPhone 6 Plus với màn hình 5,5 inch. Đó cũng là một trong những thiết bị thành công nhất trong lịch sử Apple.
Mặt khác, nhiều người cho rằng iPhone X ra đời năm 2017 là sự thay đổi lớn của Apple với sự ra đời của công nghệ nhận khuôn mặt Face ID và sự biến mất của nút Home truyền thống. Song, theo Wall Street Journal, chiếc iPhone 11 có dung lượng pin lớn mới là thành công thật sự, khi người dùng có thể yên tâm dùng máy cả ngày mà không sợ hết pin.
Giờ đây, cầm chiếc smartphone có màn hình lớn, camera đẹp và pin tốt trên tay, người dùng như đang sử dụng một chiếc máy tính thu nhỏ. Nhận thức được điều đó, các công ty mạng xã hội ngay lập tức phát triển những thuật toán đề xuất nội dung nhằm lôi kéo sự quan tâm của người dùng.
Đây vốn không phải là ý định ban đầu của Apple khi giới thiệu iPhone.
Theo Wall Street Journal, không thể phủ nhận rằng iPhone là một công cụ hữu ích, phục vụ con người trong học tập, làm việc, giao tiếp và giải trí. “Nhưng chúng tôi cũng muốn người dùng nhớ rằng chỉ nên sử dụng nó ở một mức độ vừa phải. Họ cần kiểm soát cường độ sử dụng iPhone của mình”, ông Joswiak, Phó chủ tịch bộ phận tiếp thị sản phẩm của Apple nói.
(Theo Zing)