Khởi công dự án đường vành đai 3 TP.HCM: Mặt bằng là yếu tố quyết định
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chủ trì hội nghị triển khai dự án đường vành đai 3 TP.HCM chiều 15-7.
Tại hội nghị, các đơn vị liên quan đánh giá công tác giải phóng mặt bằng là yếu tố quyết định đến tiến độ dự án.
Các địa phương làm được không?
Về tiến độ dự án, giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết hiện các địa phương xây dựng kế hoạch tổng thể dự án và ký kết quy chế triển khai dự án để đảm bảo tiến độ đề ra.
Dự kiến trong tháng 7, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết triển khai dự án để cụ thể hóa các cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã thông qua. Các địa phương quyết tâm sẽ khởi công dự án trong tháng 6-2023, sớm hơn nửa năm so với kế hoạch ban đầu.
Ông Lâm cho biết trong thời gian tới, có nhiều nhiệm vụ cần lưu ý, trong đó tiến độ khởi công dự án nhanh hay chậm phụ thuộc rất lớn vào mốc tiến độ phê duyệt ranh giải phóng mặt bằng vào tháng 8-2022 và phê duyệt dự án khả thi vào tháng 11.
Đặc biệt về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, các địa phương cần phải mạnh dạn đề xuất bổ sung các cán bộ có kinh nghiệm hoặc điều động, huy động các địa phương khác về tập trung cho dự án. Hiện nay các địa phương như Hóc Môn, TP Thủ Đức cũng đã xác định được một số vị trí ưu tiên để sớm bàn giao mặt bằng kịp khởi công dự án.
"Một khâu quan trọng nữa đó là khảo sát vật liệu xây dựng. Thực tế ở dự án cao tốc Bắc - Nam, nhà thầu có năng lực nhưng vật tư vật liệu lại thiếu. Ngay bây giờ, các địa phương đã triển khai khảo sát các mỏ trong vùng để xem xét đánh giá, điều phối phục vụ cho dự án", ông Lâm cho biết.
Trả lời câu hỏi có tự tin sẽ làm được hay không với thời gian thực hiện ngắn, khối lượng công việc nhiều? ông Võ Trung Trực, phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP, nói rằng đây là dự án mà ông rất tâm huyết và bản thân rất có niềm tin sẽ làm được.
Để đảm bảo tiến độ đề ra, sở rất cần các lãnh đạo TP Thủ Đức và quận huyện có dự án đi qua cùng nỗ lực để triển khai tốt các công việc.
Là thành viên hội đồng cố vấn dự án đường vành đai 3 TP.HCM, ông Ngô Thịnh Đức, nguyên thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, nói rằng giải phóng mặt bằng là vấn đề quyết định trên 50% thành công của dự án. Do vậy, dự án cần thành lập ban giải phóng mặt bằng riêng. Phải lựa chọn cán bộ vừa có chuyên môn và năng lực.
Chúng ta xin ý kiến Thủ tướng tái định cư trước rồi giải phóng mặt bằng. Trước sau gì cũng phải nói cho người dân hiểu, người dân thông để người dân thực hiện. Mặc dù là con đường công cộng nhưng cũng sẽ có một số người thiệt thòi.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên
Khó cũng phải làm
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết đây là hội nghị quan trọng quán triệt cả hệ thống chính trị từ cơ quan ban ngành, TP, quận huyện, phường xã vào cuộc triển khai dự án đường vành đai 3. Thời gian triển khai để hoàn thành dự án còn khoảng 3,5 năm nữa.
Ở vùng đô thị hóa rất cao, việc giải phóng mặt bằng rất khó khăn, chưa nói dự án đi qua 4 địa phương. Nếu chúng ta không chủ động, không chuẩn bị kỹ thì tiến độ sẽ bị ảnh hưởng.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thừa nhận dù có niềm tin nhưng việc triển khai dự án sẽ không đơn giản.
"Chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm rồi, nhiều dự án đã có đất, đã có tiền, đã có chủ trương nhưng làm không kịp tiến độ. Quyết tâm là quyết tâm nhưng phải có hành động, trách nhiệm và thời gian cụ thể thì mới hoàn thành dự án", ông Nên nói.
Ông Nên đề nghị việc giải phóng mặt bằng, tính toán làm sao để người dân yên tâm bàn giao, hạn chế tối đa cưỡng chế.
"Thời gian từ nay đến khi khởi công không còn dài, còn khoảng 333 ngày. Nếu không tranh thủ sẽ không kịp, do đó mỗi một việc đừng để kéo dài thời gian. Thành ủy TP.HCM sẽ có một văn bản để chỉ đạo, đưa ra một quyết tâm chính trị để cố gắng hoàn thành dự án", ông Nên nhấn mạnh.
Kiến nghị cơ chế để sớm có mặt bằng
Về mốc tiến độ, Sở Tài nguyên và môi trường TP cho biết công tác bàn giao mặt bằng từ đầu tháng 10 năm nay và đến cuối năm 2023 phải bàn giao tối thiểu 70%.
Tại TP.HCM, dự án bồi thường giải phóng mặt bằng tái định cư 25.610 tỉ đồng với 2.377 hộ ảnh hưởng. Để đảm bảo tiến độ, dự án cần tháo gỡ một số vướng mắc như cần xin cơ chế thí điểm bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất. Nếu được áp dụng sẽ rút ngắn được thời gian từ 4 - 6 tháng đối với các trường hợp phải giải tỏa nhà.
Bên cạnh yêu cầu TP tiếp tục triển khai giải phóng mặt bằng, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM nhắc nhở phải tính toán làm sao để người dân đồng thuận bàn giao, hạn chế tối đa cưỡng chế, “phải nói cho dân hiểu, dân thông để người dân thực hiện”.