Khoảng cách vô hình trong những gia đình hiện đại
Một khoảng cách vô hình đang tồn tại trong những gia đình hiện đại và đang làm thay đổi văn hóa gia đình thời nay.
Sở thích, suy nghĩ khác nhau, giờ giấc sinh hoạt trái ngược và bất đồng quan điểm là điều khó tránh khỏi trong mỗi gia đình, giữa các thế hệ. Ai cũng từng trải qua giai đoạn vừa hết làm trẻ con nhưng chưa thành người lớn, thay đổi tính nết, dễ bực bội khi bố mẹ có suy nghĩ khác mình, dạy dỗ hay áp đặt mình. Lứa tuổi vị thành niên, các bạn trẻ sinh từ 1995 đến năm 2012 sinh ra trong thời đại internet, khác xa bố mẹ mình, thuộc thế hệ 6x, 7x. Vì thế, một khoảng cách vô hình đang tồn tại trong những gia đình hiện đại và đang làm thay đổi văn hóa gia đình thời nay.
Trên thế giới, có 2,6 tỷ người thuộc thế hệ Gen Z. Tại Việt Nam, Gen Z chiếm 15 triệu người, chiếm 1/4 lực lượng lao động. Lớn lên trong thời đại số, cả thế giới số với thiết bị công nghệ hiện đại, lối sống suy nghĩ của Gen Z mới mẻ, cởi mở hơn. Theo các chuyên gia tâm lý, để có hành xử phù hợp, với lứa tuổi này, vun đắp cho văn hóa gia đình có con tuổi teen, thì người lớn, cha mẹ nên hiểu đặc tính tâm lý, suy nghĩ của các em.
"Nhiều khi chúng ta suy nghĩ bằng suy nghĩ của người lớn và không hiểu bọn trẻ đang nghĩ gì. Chúng ta mặc định bọn trẻ nghĩ như chúng ta. Các em hiểu rằng đâu là giới hạn mà cha mẹ phải tôn trọng con cái. Nhiều cha mẹ đang để con tự lớn và con tự hiểu nhưng trước khi những đứa trẻ lớn, các mối quan hệ giữa hai bên đã không còn nữa", nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ.
Với nhiều phụ huynh có con ở tuổi teen, hẳn không tránh khỏi nhiều lúc không nói chuyện , đối thoại được với con. Nhiều bạn còn tranh luận gay gắt, thậm chí đóng sầm cửa trước mặt bố mẹ chỉ vì vài chuyện rất nhỏ. Với ông bà, cha mẹ, nhiều người vẫn quen với nếp suy nghĩ kiểu "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đây", con ngoan là biết vâng lời, dù đôi khi chưa hẳn cha mẹ đã đúng. Còn bây giờ, suy nghĩ của con trẻ rất khác.
Thêm vào đó, nhịp sống hiện đại, lo toan thường nhật cũng chiếm thời gian của bố mẹ nhiều hơn, khiến sự quan tâm chia sẻ ít đi. Trong thời đại số, chiếc điện thoại thông minh, nhiều khi lại làm cho chính người thân trong gia đình dường như xa nhau hơn. Hình ảnh trong bữa cơm gia đình, thay vì quần quần, rôm rả trò chuyện, mỗi người mải miết với chiếc điện thoại, với thế giới số đã trở nên khá quen thuộc.
"Các bạn ấy có thể cùng lúc làm việc 3 - 4 màn hình, tốc độ cực nhanh, còn GenX thì tốc độ cực chậm, không thể theo được GenZ , cho nên luôn có sự mâu thuẫn. Đó là khoảng cách mà hai thế hệ không thể ngồi được với nhau" – PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ - "Giờ điểm để dung hòa ở chỗ chấp nhận rằng tốc độ là của con nhưng có những điều thuộc về văn hóa đọc, sự kỹ càng hay kinh nghiệm được bố mẹ dùng để bổ khuyết cho đứa trẻ".
Cha mẹ nào cũng mong muốn con cái thành công, rạng rỡ gia đình họ tộc bằng kết quả học tập, công việc. Đó là chuyện hết sức bình thường. Nhưng mong ước của cha mẹ không trùng với mơ ước/khả năng của con trẻ, mâu thuẫn từ đó cứ tăng dần... Vậy cần làm gì để xóa mờ khoảng cách, để tạo văn hóa gắn kết trong gia đình?
"Hãy coi mỗi đứa trẻ như một người bạn, người lớn thì chắc chắn chúng ta có thể tiếp cận được chúng sâu hơn là coi chúng là trẻ con", nhà văn Hoàng Anh Tú nói.
"Mỗi gia đình hãy thành lập một ngân hàng trắc ẩn. Mỗi ngày, cha mẹ và con cái gửi vào trong đó một chút lời yêu thương. Tất cả những điều đó giúp trẻ được chia sẻ những điều mình bức xúc, nói những điều bản thân thấy nghi ngờ, đúng hoặc chưa đúng", TS. Phạm Văn Tư - Trưởng bộ môn Công tác xã hội, Khoa Công tác xã hội, Đại học Sư phạm – nói.
Mỗi thế hệ sinh ra và trưởng thành trong môi trường, hoàn cảnh khác nhau. Bố mẹ nào cũng yêu thương con cái. Quan trọng là yêu thế nào, giáo dục ra sao. Có lẽ sự bao bọc quá, hoặc áp đặt quá không còn phù hợp nữa, rất cần sự tinh tế, linh hoạt trong văn hóa ứng xử dưới mỗi mái nhà. Thời đại này, văn hóa cởi mở, tôn trọng, chia sẻ, thuyết phục hơn là áp đặt có lẽ là chìa khóa để thu hẹp khoảng cách thế hệ, để những mâu thuẫn hay sự khác biệt trở thành những câu chuyện tâm tình giữa cha mẹ và con cái. Và cha mẹ cũng phải học, học làm bạn, học đồng hành, lớn lên và trưởng thành cùng con.
Việc cha mẹ, con cái cùng đọc sách không chỉ tạo nên không khí vui vẻ, giúp nuôi dưỡng văn hóa đọc, mà qua đó mọi người cũng gần gũi, gắn kết với nhau hơn.