Khoa thi xuất hiện hai Trạng nguyên hiếm có trong sử Việt

Chia sẻ Facebook
06/04/2023 12:21:48

Trong danh sách Trạng nguyên của Việt Nam, có hai khoa thi liên tiếp thời nhà Trần vào năm 1256 và 1266 có đến hai Trạng nguyên. Thông thường mỗi khoa thi chỉ có một hoặc không có Trạng nguyên nào, điều gì khiến nhà Trần chọn đến hai ông Trạng?

Khoa thi đầu tiên dưới thời nhà Trần là vào năm 1232. Đến năm 1247, vua Trần Thái Tông đặt ra danh hiệu tam khôi dành cho 3 người đỗ đầu là Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa.

Lúc này Triều đình thấy rằng, mỗi khoa thi, sĩ tử ở xung quanh khu vực Kinh thành rất nhiều, thi đỗ cao cũng là khu vực này. Trong khi đó vùng xa xôi Ái châu (Thanh Hóa), Hoan châu (Nghệ An) ít sĩ tử hơn.


Năm 1253, vùng phía nam không gọi là “Châu” nữa mà đổi tên thành “Trại” (sau này lại đổi thành “Châu” ), còn khu vực “Tứ trấn” quanh Kinh thành gọi là “Kinh”. Để khuyến khích và phát triển học tập phía nam, nhà Trần ra lệ có 2 danh hiệu Trạng nguyên, sĩ tử đứng đầu khu vực Kinh thành và “Tứ trấn” gọi là Kinh trạng nguyên, còn sĩ tử đỗ đầu phía nam là Trại trạng nguyên, áp dụng được cho 2 khoa thi năm 1256 và 1266. Sau đấy thì lại hợp nhất Kinh và Trại, chỉ chọn một Trạng nguyên.

Khoa thi 1256


Về khoa thi này Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép lại như sau: “Bính Thìn, [Nguyên Phong] năm thứ 6 [1256], (Tống Bảo Hựu năm thứ 4). Mùa xuân, tháng 2, mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Ban cho Trần Quốc Lặc đỗ Kinh trạng nguyên; Trương Xán đỗ Trại trạng nguyên; Chu Hinh đỗ bảng nhãn; Trần Uyên đỗ thám hoa lang. Lấy đỗ thái học sinh 43 người (Kinh 42 người, Trại 1 người), xuất thân có thứ bậc khác nhau.”


Kinh trạng nguyên Trần Quốc Lặc người Hải Dương, ông có tiếng là người ham học, đọc sách suốt từ lúc gà gáy đến trưa, sách “Hải Dương địa dư” chép rằng: “Người huyện Thanh Lâm, đỗ Trạng nguyên đời Nguyên Phong nhà Trần (1256), làm quan đến chức Nhập nội Hành khiển kiêm Dao lãnh nam thùy quân quốc trọng sự, sau được phong làm Phúc thần, do xã nhà thờ cúng.”


Còn Trại trạng nguyên Trương Xán được “Tam khôi bị lục” ghi chép như sau: “Người làng Hoành Phố, huyện Bình Chánh, tỉnh Quảng Bình (xưa huyện Hoành Sơn, thuộc Nghệ An) làm quan đến chức Lang trung.”

Khoa thi năm 1266


Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép rằng: “Tháng 3, mở khoa thi chọn học trò, Ban đỗ Kinh trạng nguyên Trần Cố; Trại trạng nguyên Bạch Liêu; bảng nhãn (khuyết tên họ); thám hoa lang Hạ Nghi; thái học sinh 47 người, xuất thân theo thứ bậc khác nhau.”


“Đại Việt lịch triều đăng khoa lục” có ghi chép về Kinh trạng nguyên Trần Cố như sau: “Người huyện Thanh Miến, làng Phạm Triều, trú ở huyện Đông Ngạn, làng Phù Chẩn, làm đến chức Thiên chương các Đại học sĩ.”

Trạng nguyên không nhận công danh phú quý, giúp Triều đình đánh bại quân Mông Thát

Trại trạng nguyên Bạch Liêu người Nghệ An thì lại có chí hướng khác với các Trạng nguyên khác. Ông từ chối làm quan mà muốn được trở về chăm sóc mẹ và bà con lối xóm.


Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rằng: “Liêu người Nghệ An, tính thông minh nhớ lâu, đọc sách ngàn dòng một mạch. Bấy giờ, thượng tướng Quang Khải coi Nghệ An, Liêu làm môn khách mà không làm quan.”

Khi Trần Quang Khải được cử làm trấn thủ Nghệ An, ông trở thành môn khách của Trần Quang Khải.

Khi quân Mông Thát chuẩn bị tiến đánh Đại Việt lần thứ 2, Bạch Liêu viết cuốn “Biến pháp tam chương” nêu ra 3 việc cần làm là:

Về tuyển quân : Kiểm tra dân số, biên hết vào sổ nhân khẩu. Chiêu mộ tráng đinh sung vào quân đội đủ 10 vạn; chia làm nhiều phiên thường xuyên luyện tập võ nghệ, phép đánh trận để khi cần sẽ dùng đến. Mặt khác lập các xưởng rèn đúc vũ khí để trang bị cho binh lính.

Về lương thực : Khuyến khích các vương hầu, quan tướng lập điền trang rồi chiêu tập dân nghèo, người không có ruộng và đưa gia nô vào canh tác, khai khẩn để có thêm lương thực, của cải. Làm đường thiên lý từ Thanh Hóa vào đến dãy Hoành Sơn, cứ 20 dặm lại lập kho chứa thóc và binh khí.

Về sách lược đối với phía Nam : Củng cố các đồn binh ở biên giới phía Nam Nghệ An (tức đất Hà Tĩnh ngày nay) đồng thời cho nông dân về khai khẩn đất bỏ hoang của người Chiêm Thành. Khai hoang tới đâu, cho dân lập làng tới đó, vừa mở thêm bờ cõi vừa cảnh giác với bọn địch.

Trần Quang Khải xem thì cho thi hành ngay, nhờ đó mà vùng đất Hoan Diễn trở nên trù phú và giàu có, lương thực dư dả, lại có sẵn 10 vạn quân dự bị được luyện tập thường xuyên và sẵn sàng xung trận.

Năm 1285, Thoát Hoan chỉ huy 50 vạn đại quân Mông Cổ tiến đánh Đại Việt ở phía bắc, 20 vạn quân của Toa Đô sau khi sa lầy ở Chiêm Thành cũng từ phía nam đánh ngược lên. Đại Việt 2 đầu thọ địch, tình thế như nghìn cân treo sợi tóc.

Toa Đô tiến đánh Nghệ An, trấn thủ Nghệ An là Trần Kiện đưa toàn bộ gia đình ra đầu hàng, còn chỉ điểm khiến quân Đại Việt bị thiệt hại nhiều. Đất Hoan Diễn của Nghệ An từ kế hoạch là hậu phương để đánh giặc, nay tình thế bất ngờ trở thành tiền phương.

Giữa lúc vận nước lâm nguy, Bạch Liêu làm một bản tấu với nhà Vua về tình hình vùng đất Hoan Diễn. phân tích rõ ràng tình huống điểm yếu và mạnh của ta và địch, từ đó hiến kế đánh quân Nguyên. Vua Trần Nhân Tông đọc rất vừa ý, nhất là trong bản tấu của Bạch Liêu nói Hoan Diễn đã sẵn sàng mười vạn quân dưới cờ. Vua phê vào bản tấu của Bạch Liêu như sau:


Cối Kê cựu sự quân tu ký,
Hoan Diễn do tồn thập vạn binh.

Ý vua Trần nhắc về chuyện xưa kia khi Việt Vương Câu Tiễn bị Ngô Vương Phù Sai đánh bại, phải đem 5.000 quân rút về Cối Kê, củng cố lực lượng, cuối cùng sau nhiều năm súc tích mà giành chiến thắng. Nhà Vua ví 5.000 quân ở Cối Kê khi xưa cũng giống như 10 vạn quân ở Hoan Diễn lúc bấy giờ.

Khi Trần Quang Khải quay trở lại Nghệ An, Bạch Liêu đã chỉ ra kế sách giúp Trần Quang Khải có được những trận thắng lớn.

Sau khi đánh bại quân Mông Thát, Bạch Liêu được Triều đình trọng thưởng, tuy nhiên ông đã từ chối mọi tước vị cũng như vật phẩm. Ông ở quê dạy học và bốc thuốc chữa bệnh cho người dân.

Nhà thờ Trạng Nguyên Bạch Liêu tại xóm Thanh Đà – Mã Thành – Yên Thành – Nghệ An (Ảnh: Website Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia)

Việc định ra hai vị Trạng nguyên, dù chỉ tồn tại trong hai khoa thi, nhưng nhờ đó đã giúp Giang Sơn tìm được Trại trạng nguyên Bạch Liêu không màng danh lợi phú quý, lại góp công lớn giúp nhà Trần đánh bại quân Mông Thát ở vùng đất Hoan Châu.

Hiện nay tại đền thờ Trại trạng nguyên Bạch Liêu ở làng Nguyễn Xá, huyện Yên Thành, Nghệ An vẫn còn lưu giữ đôi câu đối:


Sinh tiền bất dĩ Đông A đế,
Một vị năng vi Nguyễn Xá thần.

Nghĩa là:


Sống không nhận quan tước của vua Trần,
Chết làm phúc thần của làng Nguyễn Xá.


Trần Hưng

Chia sẻ Facebook