Kho vũ khí Nga - Trung khủng cỡ nào mà cả Mỹ và NATO sốt vó?

Chia sẻ Facebook
08/04/2022 11:15:06

Cả Mỹ và NATO đều lên tiếng quan ngại về sức mạnh quân sự hùng mạnh mà Nga và Trung Quốc đang sở hữu. 

Các quan chức hàng đầu quân đội Mỹ cho rằng, cả Nga và Trung Quốc đang thách thức trật tự thế giới hiện thời.

Phát biểu hôm 5/4 tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley cho rằng trong bối cảnh thế giới ngày càng trở nên bất ổn, “nguy cơ xảy ra xung đột quốc tế nghiêm trọng đang gia tăng, chứ không giảm đi”.

Mỹ dè chừng việc Nga tái khởi động chương trình oanh tạc cơ chiến lược Tu-160. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Cùng với Tướng Milley, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã lên tiếng bảo vệ khoản chi ngân sách quốc phòng kỷ lục 773 tỉ USD cho năm tài khóa 2023 mà Bộ Quốc phòng Mỹ đề xuất.

Tướng Milley đã gọi cuộc tấn công của Nga ở Ukraine là “mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh và hòa bình của châu Âu và đối với cả thế giới” trong suốt quãng thời gian 42 năm ông này phục vụ trong quân đội Mỹ.

“Chúng ta đang phải đối mặt với hai cường quốc toàn cầu: Trung Quốc và Nga. Cả hai quốc già này đều sở hữu năng lực quân sự hùng mạnh, cả hai đều có ý định thay đổi nền tảng trật tự thế giới hiện thời. Chúng ta đang bước vào một thế giới ngày càng trở nên bất ổn, khả năng xảy ra xung đột quốc tế nghiêm trọng đang gia tăng, chứ không giảm đi", RT dẫn lời ông Milley.

Cả ông Milley và Bộ trưởng Austin sau đó khẳng định số tiền hàng tỉ USD chi cho phát triển năng lực vũ trụ và an ninh mạng chính là ví dụ về sự chuẩn bị ứng phó của Mỹ.

Điều đáng nói, hai tướng quân sự hàng đầu của Mỹ thừa nhận Washington không có vũ khí phòng thủ trước những tên lửa siêu thanh mà cả Nga và Trung Quốc đã thử nghiệm thành công. Song hai quan chức Mỹ khẳng định sự phát triển của “hệ thống đánh chặn giai đoạn lượn”, năng lực phòng thủ tên lửa tối tân có khả năng đánh chặn tên lửa siêu thanh, đang diễn ra nhanh chóng.

Theo ông Milley, chỉ có sự hiện diện “quyền lực cứng” của Mỹ mới có thể ngăn chặn hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.

Cũng theo ông Milley, có rất nhiều đồng minh của Mỹ ở châu Âu mà đặc biệt là các nước vùng Baltic hoặc Ba Lan hoặc Romania, ‘họ rất, rất sẵn lòng” để quân đội Mỹ hiện diện thường trực.

“Họ sẽ xây dựng các căn cứ, họ trả tiền cho những căn cứ này để chúng tôi luân chuyển quân tới. Sự hiện diện thường trực của quân đội mang lại hiệu quả. Nhưng thực tế, mỗi binh sĩ, thủy thủ, lính dù và lính thủy quân lục chiến không thể ở một chỗ suốt 2 – 3 năm”, ông Milley cho hay.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Austin nhấn mạnh NATO vẫn đang tiến hành thảo luận về phương thức thúc đẩy sự hiện diện thường trực của quân đội Mỹ ở Đông Âu.

Ngoài ra, ông Austin nói thêm Mỹ “cần làm tốt hơn nữa đẩy mạnh quan hệ liên minh” trong lĩnh vực vũ trụ và không gian mạng, chứ không chỉ chiếm ưu thế trên đất liền, trên biển và trên không.

Cũng trong ngày 5/4, 3 nhà lãnh đạo Mỹ, Anh và Australia đã cho công bố kế hoạch hợp tác phát triển các loại vũ khí hiện đại bao gồm tên lửa siêu thanh. Động thái của liên minh Aukus được cho là nhằm đối phó với Nga và Trung Quốc.

Sau đó, ông Zhang Jun, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, đã chỉ trích tuyên bố của Aukus. Theo ông Zhang, tuyên bố này nó có thể "đẩy các khu vực khác trên thế giới vào một cuộc khủng hoảng” như ở Ukraine.

Theo khuôn khổ liên minh Aukus khi mới được thành lập, Mỹ và Anh sẽ hỗ trợ để trang bị tàu ngầm hạt nhân cho hải quân Australia. Cụ thể, Australia sẽ sở hữu 8 tàu ngầm hạt nhân hiện đại để thực hiện những sứ mệnh tầm xa và tàng hình.

Cho tới nay chỉ có 6 nước vận hành tàu ngầm hạt nhân trang bị vũ khí nguyên tử gồm Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Nga, Mỹ và Anh. Nếu như dự án Aukus thành công, Australia sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân, nhưng không có vũ khí hạt nhân đi kèm.

Còn theo Bloomberg, hôm 4/4, Đô đốc Charles Richard, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ, nhận định “hoạt động mở rộng đột phá” của Trung Quốc trong kho hạt nhân chiến lược đồng nghĩa với việc Mỹ đang đối mặt với nguy cơ gia tăng nhanh chóng.

Tuyên bố của ông Richard ám chỉ tới vụ thử nghiệm thiết bị lượn siêu thanh phóng từ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà Trung Quốc tiến hành vào tháng 7/2021. Theo đó, thiết bị siêu thanh của Trung Quốc đã bay được quãng đường 40.000 km trong hơn 100 phút.

“Đây là khoảng cách xa nhất và thời gian bay lâu nhất mà một hệ thống vũ khí tấn công mặt đất của một quốc gia có thể thực hiện cho tới thời điểm hiện tại”, ông Richard khẳng định.

Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ nhấn mạnh Washington có thể phải đối phó với cả hai đối thủ tiềm tàng sở hữu kho hạt nhân hiện đại và quy mô lớn là Nga và Trung Quốc.

Trước đó, truyền thông Mỹ cho rằng kể từ giữa năm 2021, Bắc Kinh được cho đã xây hơn 100 silo chứa tên lửa ở một sa mạc nằm ở phía tây nước này.

Điều này khiến Tướng Richard nhận định “các bãi tên lửa hạt nhân” với khoảng 120 silo mỗi bãi có thể giúp Bắc Kinh sở hữu năng lực “hùng mạnh” vươn tới lãnh thổ Mỹ.

Ông Richard còn bày tỏ quan ngại về việc Moscow cho tái khởi động chương trình oanh tạc cơ hạt nhân chiến lược Tu-160.


NATO đối phó với Trung Quốc

Về phần mình, tại cuộc họp báo hôm 5//4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay NATO hiện có kế hoạch thắt chặt quan hệ hợp tác với các đối tác ở châu Á và xem đây là phản ứng trước “thách thức an ninh” gia tăng từ phía Trung Quốc.

Tên lửa hạt nhân chiến lược liên lục địa Dongfeng-41 của Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Theo ông Stoltenberg, NATO sẽ tổ chức cuộc họp cho các Bộ trưởng Ngoại giao trong khối cùng với quan chức Phần Lan, Thụy Điển, Georgia và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, NATO cũng sẽ mời các đối tác châu Á – Thái Bình Dương như Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia cuộc họp. Bởi tình hình an ninh hiện thời “mang tính toàn cầu”.

Dự kiến, các Bộ trưởng Ngoại giao tham dự cuộc họp sẽ thảo luận về những vấn đề chiến lược bao gồm cuộc chiến của Nga ở Ukraine và Trung Quốc.

Ông Stoltenberg nhấn mạnh hy vọng NATO có thể đẩy mạnh hợp tác với các đối tác khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong những lĩnh vực như “kiểm soát vũ khí, không gian mạng và công nghệ”.

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2, Bắc Kinh chỉ kêu gọi các bên đưa ra giải pháp hòa bình để chấm dứt xung đột, thay vì lên tiếng chỉ trích hành động của Moscow hay tham gia áp đặt lệnh trừng phạt như nhiều nước gồm Mỹ, Canada, Anh, EU, Nhật Bản và Australia.

Trong những tuần qua, Mỹ liên tiếp gia tăng thêm sức ép buộc Trung Quốc “chọn bên”. Thậm chí, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo Bắc Kinh về “những hậu quả” tiềm tàng, cũng như “cái giá” nếu Trung Quốc chọn hậu thuẫn cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, hoặc hỗ trợ quân sự hoặc hỗ trợ Moscow né tránh các lệnh trừng phạt quốc tế.


Minh Thu (lược dịch)

Chia sẻ Facebook