Khó trở tay

Chia sẻ Facebook
03/06/2022 23:19:27

Hằng ngày, đều đặn từ 5h sáng, xe khách giường nằm của nhà xe TV từ Thanh Hóa ra bến xe Giáp Bát (Hà Nội) với quãng đường gần 250 km. Từ đầu năm tới nay, nhiều chuyến xe chỉ vẻn vẹn 6-7 hành khách với giá vé 200.000 đồng/khách. Tiền vé thu từ hành khách của mỗi chuyến xe chỉ hơn 1 triệu đồng.

“Mỗi chuyến xe, chi phí cầu đường, xăng xe hết gần 2 triệu đồng, chưa kể tiền lương của tài xế, phụ xe, bãi đậu xe ở bến. Trong khi hành khách ngày càng ít, chúng tôi thường xuyên dồn 2-3 chuyến xe chạy chung một giờ để tiết giảm tối đa. Giá xăng dầu cao, hành khách ít nhưng không chạy thì còn cách phá sản, bán rẻ các xe đang chạy”, ông Thành - chủ nhà xe TV ngậm ngùi.

Các doanh nghiệp vận tải cắt giảm các chuyến hàng xa để giảm lỗ. Ảnh: Ngô Bình

Đây là tình trạng chung của doanh nghiệp kinh doanh vận tải khi giá xăng dầu liên tục tăng. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Thạc, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Nam Định, cho hay, chênh lệch chi phí vận tải quá lớn. Nếu như trước đây, xăng dầu chiếm 40% chi phí vận tải thì bây giờ lên tới 50-60% khiến doanh nghiệp không có lãi và càng ngày càng lỗ sâu. “Nếu xăng dầu cứ đà tăng thế này, doanh nghiệp không theo nổi. Giá xăng còn tăng nữa chứ không dừng ở mức này nếu như cơ quan chức năng không can thiệp”, ông Thạc nói.

Theo ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Cty TNHH Minh Thành Phát (thương hiệu xe Sao Việt), trong bối cảnh doanh nghiệp gần như kiệt quệ sau dịch bệnh, giá xăng dầu tăng chẳng khác nào cú đánh bồi đẩy họ đến bờ vực phá sản. “Tiếp tục chạy thì thua lỗ, nghỉ lấy đâu ra tiền trả lãi vay ngân hàng, mà bán xe lúc này cũng chẳng ai dám mua”, ông Bằng nói.

Kinh doanh trong lĩnh vực vận tải với hàng chục xe đầu kéo container và tuyến limousine phục vụ hành khách từ TP Biên Hòa (Đồng Nai) đi sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) gần 20 năm qua, chưa bao giờ Công ty Vận tải Thông Quan rơi vào tình trạng thua lỗ như trong thời gian này.

Theo ông Đặng Văn Điềm, Giám đốc Công ty, giá xăng dầu tăng kéo theo việc tăng giá nhiều dịch vụ, DN phải liên tục điều chỉnh giá. “Mỗi lần điều chỉnh giá phải mất một tháng, nhưng khi áp dụng thì giá dầu lại thay đổi, giá điều chỉnh lại không còn phù hợp” ông Điềm nói. Riêng tuyến vận chuyển hành khách, theo ông Điềm, rất khó điều chỉnh, do vậy giá xăng đã tăng nhiều nhưng giá cước vận chuyển hành khách đến nay DN vẫn chưa điều chỉnh và phải chấp nhận lỗ.

Đề xuất tăng thuế thuốc lá, rượu bia để bù giá xăng

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng, giá xăng tăng tác động rất mạnh đến người lao động (NLĐ), Nhà nước có chính sách bình ổn giá xăng dầu, nhưng những chính sách đó đến nay vẫn chưa đủ mạnh và chưa kịp thời. "Tôi cho rằng, trong lúc này, Nhà nước cần có hỗ trợ NLĐ bằng cách giảm thuế thu nhập cá nhân cho NLĐ có thu nhập từ 20 triệu đồng/tháng trở xuống. Ngoài ra, có thể tăng thêm thuế thuốc lá, thuế rượu bia… để giảm giá xăng dầu trong thời gian ngắn hạn. Đây là những giải pháp để Nhà nước có thể giảm giá xăng dầu nhưng cũng không làm giảm nguồn thu ngân sách", ông Hiển đề xuất.

Chia sẻ Facebook