Khó khăn tăng nhưng sinh viên vay vốn học giảm, vì sao?

Chia sẻ Facebook
28/05/2022 06:14:20

Sau COVID-19, nhiều khó khăn sao sinh viên lại ít vay tiền để học tập? Nghịch lý trên được các đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội ngày 25-5.

PGS.TS Vũ Hải Quân - giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - phát biểu tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội sáng 25-5 - Ảnh: H.P


Đại biểu Vũ Hải Quân - giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - chia sẻ: "Học phí là câu chuyện đang rất thời sự. Việc tăng học phí của các trường ĐH, trường phổ thông tác động rất lớn đối với xã hội".


Với những khó khăn sau đại dịch, lẽ ra việc vay vốn của sinh viên để theo đuổi việc học phải tăng lên, nhất là các cháu mồ côi rơi vào hoàn cảnh khó khăn do đại dịch. Nhưng theo báo cáo này chỉ có hai khả năng là đời sống kinh tế của gia đình sinh viên khá lên, hoặc các em bỏ học nên không vay vốn, việc này hết sức lo ngại.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM)


Khó khăn tăng nhưng lượng vay giảm

Theo ông Quân, sau đại dịch ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức khảo sát với 40.000 sinh viên, trong đó có 60% sinh viên có gia đình mất đi ít nhất một nguồn thu và cũng có 60% sinh viên lo lắng về học phí. Trong khi với mức chi cho giáo dục ĐH năm 2015 chỉ chiếm 6,1% tổng ngân sách chi cho giáo dục, tương đương 0,33% GDP. Mức chi này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Thực tế đó buộc các trường ĐH phải tự chủ, khi đó chắc chắn học phí phải tăng vì không còn khoản chi thường xuyên từ ngân sách. Đây là vấn đề cần quan tâm trong bối cảnh học sinh, sinh viên đang rất khó khăn.

Trong khi đó, đại biểu Tô Thị Bích Châu - chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM - bày tỏ lo lắng khi báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM cho thấy đến tháng 3-2022, tỉ lệ cho vay học sinh, sinh viên chỉ chiếm 4,8% trong số tổng dư nợ của ngân hàng này. Theo bà Châu, tỉ lệ này so với năm 2021 không tăng, thậm chí có dấu hiệu giảm trong khi vừa trải qua đại dịch, gia đình học sinh, sinh viên đang rất khó khăn về tài chính.

Bà Châu kiến nghị thông qua các đoàn thể cần nắm bắt nhu cầu vay vốn của từng học sinh, sinh viên để hỗ trợ cho vay kịp thời. Mặt khác, có chính sách gia hạn thời gian vay cho các sinh viên vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn có thể bỏ hoặc nghỉ học.

"Đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội trung ương phải hỗ trợ thêm cho những đối tượng này. Bởi gia đình nhiều em ngoài mất việc làm đã phải gánh thêm gánh nặng từ việc giá cả leo thang như hiện nay" - bà Châu nói.

Thái Châu Quỳnh Như - sinh viên năm nhất Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chuyên ngành giáo dục đặc biệt. Ngoài giờ học, Như làm thêm tại tiệm trà sữa để phụ giúp mẹ - Ảnh: N.PHƯỢNG


Đa dạng hóa nguồn vay cho sinh viên


Từ nghịch lý trên, ông Vũ Hải Quân kiến nghị Nhà nước cần phân tích, dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực trình độ cao cho mỗi giai đoạn, từ đó có kinh phí đặt hàng các trường ĐH đào tạo các ngành khoa học, công nghệ trọng điểm phục vụ sự phát triển cho đất nước để các trường có thêm nguồn thu. Đồng thời, cho các trường ĐH được sử dụng các tài sản công, thông qua các dịch vụ đất đai, liên kết kinh doanh để đa dạng các nguồn thu.

"Bối cảnh này cần có lộ trình điều tiết ngân sách nhà nước đối với các trường ĐH tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường ĐH đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4 - 5 năm), để đảm bảo việc tăng học phí của các trường ĐH tự chủ phải theo lộ trình" - ông Quân đề xuất.

Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đề nghị tiếp tục hoàn thiện chính sách cho sinh viên vay để có nhiều đối tượng được vay, vay với định mức cao hơn. Có thể tăng định mức cho vay nhằm đảm bảo cho sinh viên có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí.

Đồng thời, giảm mức lãi suất cho vay đối với sinh viên vay vốn là 3 - 4% năm hoặc chia theo lộ trình trong thời gian đi học được áp dụng lãi suất vay ưu đãi là 3 - 4% năm, sau khi tốt nghiệp áp dụng lãi suất cao hơn.

Đồng thời cần nghiên cứu có chính sách kéo giãn thời gian vay dài hơn. Thay vì cho vay trong thời gian ngắn như hiện nay, có thể điều chỉnh thời gian cho vay tối thiểu 15 năm hoặc gấp ba lần thời gian vay. Ví dụ học bốn năm được vay và trả nợ vay tối đa là 12 năm, còn học bảy năm tối đa là 21 năm.

"Ngoài ra, cần có chính sách để các ngân hàng thương mại có thể cung cấp dịch vụ cho sinh viên vay, thay vì chỉ thông qua ngân hàng chính sách như hiện nay để đa dạng các gói vay và sinh viên dễ tiếp cận hơn" - ông Quân gợi ý.


Phối hợp ngân hàng cho vay lãi suất 0%

Sau 1 năm thực hiện, Quỹ Phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM (VNU-F) đã hỗ trợ 195 sinh viên được vay ưu đãi để học tập tại các trường, khoa, đơn vị thành viên. Chương trình này được triển khai từ năm học 2020 - 2021.

Với lãi suất 0%, chương trình được ĐH Quốc gia TP.HCM giao cho VNU-F phối hợp với ngân hàng triển khai nhằm hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Sinh viên sau khi được xét duyệt sẽ vay theo từng học kỳ cho đến khi tốt nghiệp với số tiền vay tối đa bằng mức học phí và không vượt quá 20 triệu đồng/học kỳ. VNU-F đã vận động được hơn 25 tỉ đồng cho chương trình từ các doanh nghiệp.

Dù vậy, giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân cho rằng quy mô cho vay còn hạn chế. Thời gian tới, ĐH Quốc gia TP.HCM và VNU-F hy vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để có thể giúp đỡ nhiều hơn nữa sinh viên khó khăn hiếu học.

Chính sách tín dụng sinh viên được áp dụng nhiều năm qua có nhiều điểm không phù hợp thực tế về mức vay, đối tượng, lãi suất và thời gian cho vay.

Chia sẻ Facebook