Khó khăn kéo dài, sức chịu đựng của doanh nghiệp xây dựng đã đến giới hạn?

Chia sẻ Facebook
30/03/2023 09:34:48

Nhiều năm qua, ngành xây dựng liên tiếp đối mặt với khó khăn đã thách thức giới hạn chịu đựng của doanh nghiệp, đến nay, đã có công ty trên sàn phải công bố tạm ngưng hoạt động.

Khó khăn kéo dài, sức chịu đựng của doanh nghiệp xây dựng đã đến giới hạn?

Nhiều năm qua, ngành xây dựng liên tiếp đối mặt với khó khăn đã thách thức giới hạn chịu đựng của doanh nghiệp, đến nay, đã có công ty trên sàn phải công bố tạm ngưng hoạt động.

Trong những năm qua, ngành xây dựng liên tiếp đối mặt với khó khăn như dịch bệnh COVID-19, bão giá nguyên vật liệu, thị trường bất động sản đóng băng, lãi suất tăng cao… Điều này khiến lợi nhuận doanh nghiệp trong ngành ngày càng teo tóp, sức chịu đựng dần đến điểm giới hạn. Đã có doanh nghiệp trên sàn công bố phải tạm ngừng hoạt động, hết công việc để triển khai, thu hẹp phạm vi hoạt động.


Mới đây, HĐQT Licogi 166 ( HNX : LCS ) thông qua việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh trong một năm, từ 15/03/2023 – 14/03/2024. Điều này được thực hiện theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên tổ chức vào cuối tháng 2.


Tại đại hội, những chia sẻ của lãnh đạo LCS đã và đang đại diện cho hầu hết khó khăn chung của ngành. Tổng Giám đốc LCS cho biết từ năm 2019, Công ty gặp nhiều khó khăn, thiếu việc làm, nhiều dự án triển khai bị vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng từ phía chủ đầu tư quá chậm… Năm 2020, dịch COVID-19 càng khiến hoạt động kinh doanh của Công ty bết bát dẫn đến dư nợ vay tại các tổ chức tín dụng bị quá hạn và chuyển sang nhóm nợ xấu từ tháng 07/2021. Đến năm 2022, Công ty đã dừng thi công dự án, toàn bộ nhân viên nghỉ việc, một số dự án đã ký hợp đồng phải dừng hoặc chuyển cho các đơn vị khác thực hiện.

Thời gian qua, Ban lãnh đạo đã nỗ lực kêu gọi các cổ đông mới, lên phương án tái cấu trúc, tìm kiếm các dự án mới, tìm thị trường tiêu thụ và xuất khẩu đá nhưng do khó khăn về tài chính, ngân hàng đã dừng cho vay, dừng bão lãnh.

Về kết quả kinh doanh, doanh thu Công ty giảm từ 276 tỷ đồng năm 2019 về 3.3 tỷ năm 2022. Lỗ liên tiếp hai năm 2021 và 2022 với lần lượt 67 tỷ và 98 tỷ đồng.


Một doanh nghiệp xây lắp khác cũng trong tình trạng hoạt động cầm chừng là Đầu tư và Xây dựng Điện Mêca Vneco (UPCoM: VES ). Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023, lãnh đạo cho biết đã không còn hoạt động trong lĩnh vực xây lắp bởi không còn nguồn lực về tài chính cũng như con người (từ nhiều năm nay, nhân viên của doanh nghiệp chỉ có 2 người). Duy trì mọi hoạt động của Công ty phụ thuộc vào nguồn thu cho thuê nhà tại 740C Nguyễn Kiệm, phường 4, quận Phú Nhuận, TPHCM .


Hoạt động kinh doanh của VES suy giảm từ 2010, bắt đầu từ 2017 doanh thu chỉ còn vài trăm triệu đồng mỗi năm và đang giảm dần do tòa nhà tại 740C, Nguyễn Kiệm đã xuống cấp. Doanh nghiệp ghi nhận lỗ liên tiếp từ 2010 đến 2019, ba năm gần đây có năm lãi năm lỗ nhưng giá trị không đáng kể. Tính đến cuối 2022, lỗ lũy kế ở mức 79 tỷ đồng, trong khi vốn góp chủ sở hữu 90 tỷ đồng. Với năm 2023, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu 768 triệu đồng và lãi 10 triệu đồng.


Sông Đà 10 ( HNX : SDT ) công bố doanh thu năm 2022 giảm mạnh 58% xuống 445 tỷ đồng, lỗ sau thuế 12.6 tỷ đồng, năm thứ hai liên tiếp báo lỗ. Nguyên nhân là doanh thu mảng xây lắp giảm mạnh trong khi mảng thủy điện chưa khởi sắc. Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết từ giữa năm 2022 hầu hết công trình kết thúc thi công và đến giai đoạn quyết toán, cho đến cuối năm vẫn chưa có dự án nối tiếp.

Năm 2021, doanh thu tăng 12% lên 1,075 tỷ đồng nhưng lỗ ròng 12 tỷ đồng do giá cả vật liệu xây dựng tăng cao. Các công trình của Công ty chủ yếu ở Lào nên dịch COVID-19 khiến chi phí di chuyển nhân lực, vật lực, cách ly y tế tăng cao và thời gian thi công kéo dài. Ngoài ra, việc các dự án chỉ định thầu không còn, Công ty phải cạnh tranh để có dự án cũng khiến lợi nhuận thấp.

Không chỉ công ty quy mô nhỏ, các “ông lớn” của ngành xây dựng cũng đang “gồng mình” để vượt bão.


Xây dựng Hòa Bình ( HOSE : HBC ) công bố BCTC hợp nhất quý 4/2022 với khoản lỗ 1,201 tỷ đồng, điều này khiến lũy kế cả năm lỗ 1,138 tỷ đồng. Nguyên nhân  do kinh doanh dưới giá vốn, chi phí lãi vay tăng cao và việc trích lập dự phòng phải thu khó đòi.

Vào đầu tháng 3, Hòa Bình bị một số nhà thầu phụ gửi công văn với nội dung tạm dừng thi công tại một số dự án do chậm thanh toán. Nhóm nhà thầu phụ cho biết tổng thầu là Xây dựng Hòa Bình chưa thanh toán công nợ có từ tháng 07/2022 đến nay, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của họ.


Ông Lê Viết Hải , Chủ tịch HĐQT trần tình, do khó khăn, một số khách hàng đã thanh toán bằng sản phẩm bất động sản của chính họ thay vì tiền mặt. Do vậy, Công ty đề nghị các nhà thầu phụ xem xét thay thế việc thanh toán bằng bất động sản. Mặt khác, do các chính sách về hạn mức tín dụng trong thời gian qua của Nhà nước còn bị thắt chặt nên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu dòng tiền trong ngắn hạn. Hoà Bình đang tiếp tục khẩn trương thu hồi nợ và cơ cấu lại nguồn vốn, qua đó tìm cách bù đắp các thiếu hụt về tài chính khi nguồn vay từ ngân hàng chưa kịp đáp ứng đủ cho dòng tiền.

Tính đến 31/12/2022, doanh nghiệp có 12,110 tỷ đồng phải thu ngắn hạn, chiếm 72% tổng tài sản, trích lập 774 tỷ đồng. Công ty vay nợ 6,130 tỷ đồng, gấp 2.3 lần vốn chủ sở hữu.


Nổi tiếng là doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt, phải thu thấp, Coteccons ( HOSE : CTD ) đang thay đổi để tồn tại.

Tại thời điểm đỉnh cao năm 2017, doanh nghiệp có nguồn tiền nhàn rỗi hơn 4,500 tỷ đồng, chiếm 28% tổng tài sản; phải thu ở mức 6,000 tỷ đồng, tỷ trọng 38%; nói không với vay nợ. Song, nguồn tiền nhàn rỗi giảm dần về mức 1,780 tỷ đồng vào cuối 2022, chưa đến 10% tổng tài sản; phải thu tăng lên 11,231 tỷ đồng, tỷ trọng 59%. Đồng thời, Công ty tìm đến nguồn tài trợ từ vay nợ hơn 1,000 tỷ đồng, năm trước vay chưa đến 2 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông lớn xây dựng này cũng tham gia sâu hơn vào lĩnh vực thi công hạ tầng công nghiệp, mở rộng đối tượng khách hàng, chấp nhận các gói thầu có quy mô bé hơn để có nguồn công việc gối đầu.


Tại sự kiện gần đây, Chủ tịch Coteccons Bolat Duisenov , cho biết, có thể có cuộc chiến đang diễn ra với doanh nghiệp xây dựng Việt Nam, nhiều công ty cố gắng hạ giá để thắng thầu. 2022 là một năm rất thách thức và năm 2023 tiếp tục không dễ dàng.


Tương tự, ban lãnh đạo Tư vấn Xây dựng Tổng hợp (UPCoM: NAC ) nhận định những vướng mắc pháp lý sẽ tiếp tục gây khó khăn đối với ngành bất động sản, qua đó, cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến lĩnh vực tư vấn xây dựng. Đồng thời, tỷ giá, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng đều được dự báo tăng… dẫn đến chi phí của doanh nghiệp tăng theo. Ngoài ra, khả năng tiếp cận vốn khi triển khai dự án cũng trở nên hạn chế hơn do việc kiểm soát chặt thị trường tín dụng, phát hành trái phiếu, cổ phiếu.


Báo cáo của NAC khẳng định “vấn đề lãi suất tăng và thắt chặt tín dụng chắc chắn chưa thể tháo gỡ một cách nhanh chóng, vì vậy khó khăn đối với thị trường bất động sản nói chung và ngành tư vấn xây dựng nói riêng vẫn chưa chấm dứt”.


Theo phân tích của VCBS , sau khi đạt đỉnh tại giai đoạn 2016 - 2017, nhu cầu xây dựng dân dụng ghi nhận xu hướng sụt giảm mạnh cùng với nguồn cung nhà ở, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM do vướng mắc pháp lý. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu tăng cao, tín dụng bất động sản bị siết lại khiến số thu liên quan đến hợp đồng xây dựng và thời gian thu hồi công nợ gia tăng. Nhiều nhà thầu xây dựng phải tìm nhiều biện pháp để khắc phục như Hòa Bình mở rộng ra thị trường thế giới, Coteccons tham gia vào thi công hạ tầng công nghiệp, Hưng Thịnh Incons ( HOSE : HTN ) gia nhập thị trường xây lắp hạ tầng giao thông…

Năm 2023, điểm sáng trong ngành xây dựng là mảng xây dựng hạ tầng với việc Chính phủ đẩy mạnh các dự án đầu tư công, lĩnh vực xây dựng công nghiệp nhờ hưởng lợi từ dòng vốn FDI. Trong khi đó, hoạt động triển khai các dự án nhà ở và khối lượng thi công của các doanh nghiệp xây dựng dân dụng dự báo vẫn ở mức thấp.

Ngân Hà

Chia sẻ Facebook