Khó khăn hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố năm 2019, Việt Nam có khoảng 1 triệu người tự kỷ nhưng có tới 80-90% người tự kỷ trong độ tuổi lao động không thể tìm được việc.
Gác lại kỳ vọng để con cố gắng học hòa nhập, chị Mai và gia đình đã cho Đức học làm bánh tại trung tâm dạy nghề cho trẻ tự kỷ khi thấy con hứng thú hoạt động này. Sau 2 tháng học làm bánh, dù còn nhiều bỡ ngỡ nhưng những chiếc kẹo mang tên "hạnh phúc" đầu tiên của Đức đã đến tay những khách hàng đầu tiên.
"Mình có nói với con là Đức biết không hôm nay có rất nhiều bạn bè của mẹ ủng hộ Đức rồi con choàng tay ôm mình. Con không nói bằng ngôn ngữ của con nhưng con biểu thị điều đó bằng cái ôm", chị Mai xúc động nói.
Nước mắt của chị Mai cũng là kỳ vọng của rất nhiều các bậc cha mẹ có con tự kỷ trong hành trình cùng con tìm kiếm một cơ hội học và làm việc . Hơn 40 em nhỏ tại trung tâm dạy nghề cho trẻ tự kỷ đều đến đây với những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh liệu có nghề nào cho các con.
Những sản phẩm thành hình đã chứng minh trẻ tự kỷ có điểm mạnh và hoàn toàn thành nghề nếu được học tập và rèn luyện. Tuy nhiên, có thực tế, dù học thành nghề thì cơ hội làm việc hòa nhập cho người tự kỷ vẫn rất ít. Như với Đức hay các học viên, định hướng sau khi học xong vẫn là làm việc tại trung tâm hay tìm kiếm một công việc ở nhà với cha mẹ.
Theo ước tính, tỉ lệ trẻ em mắc chứng tự kỷ của nước ta là 1% số trẻ em sinh ra. Để mỗi em nhỏ đều có cơ hội học tập, phát triển thì sẽ cần nhiều hơn sự đồng hành từ xã hội ngoài sự nỗ lực của mỗi gia đình…