Khó khăn dồn dập, thị trường lương thực toàn cầu dễ rơi vào cuộc khủng hoảng mới

Chia sẻ Facebook
31/08/2022 09:51:53

Nếu như trong năm 2022 ngành lương thực bị gián đoạn bởi các yếu tố về nguồn cung do xung đột xảy ra, giá cả chưa thể ổn định thì đến năm 2023, ngành này tiếp tục gặp khó bởi xuất hiện thêm các vấn đề về giá phân bón và thời tiết khắc nghiệt. Các chuyên gia dự báo năm 2023, khủng hoảng lương thực sẽ trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết.


Khó chồng khó

Chuỗi cung ứng toàn cầu đã rơi vào tình trạng gián đoạn kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020 và sự xáo trộn dâng cao sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra. Cả 2 quốc gia đều là những nhà xuất khẩu lúa mì lớn. Theo Mercy Corps, tổ chức nhân đạo chuyên viện trợ cho những người gặp khó khăn trên toàn cầu, điều này khiến lạm phát lương thực ảnh hưởng nặng nề đến nhóm người nghèo hơn bao giờ hết.

Ông Tjada D'Oyen McKenna, Giám đốc điều hành của Mercy Corps cho biết: "Giá thực phẩm tăng vọt vào năm 2022 đồng nghĩa với việc số tiền hỗ trợ của chúng tôi cung cấp cho những gia đình dễ bị tổn thương sẽ không mua được nhiều thứ".

Vào tháng trước, Ukraine và Nga đã đạt được một thỏa thuận do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian cho phép Ukraine tái khởi động hoạt động xuất khẩu ngũ cốc ra khỏi Biển Đen. Động thái này đã mang lại một số tín hiệu tích cực cho các thị trường trên toàn cầu. Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc đã giảm tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 7 sau khi đạt mức cao kỷ lục vào hồi đầu năm 2022.

Tuy nhiên, sự sụt giảm này khó tác động đến người tiêu dùng ngay lập tức.

Ông McKenna cho biết: "Giá nhiều loại thực phẩm đã giảm trong những tuần gần đây với một số loại hàng hóa quay trở lại mức trước khi xảy ra xung đột. Tuy nhiên thị trường sẽ tiếp tục biến động và ngay cả khi giá toàn cầu giảm xuống, các thị trường địa phương có thể không thấy điều chỉnh giảm giá trong vòng một năm".

Chưa dừng lại ở đó, một chương mới trong cuộc khủng hoảng lương thực có thể đẩy giá lên cao thêm một lần nữa và sẽ đi theo hướng tồi tệ hơn vào năm 2023. Trong năm 2023, vấn đề sẽ nằm ở nguồn cung.


Giá phân bón tăng cao và biến đổi khí hậu

Xung đột Nga – Ukraine đã giáng mạnh vào chu kỳ nông nghiệp hàng năm và làm gián đoạn mùa gieo hạt mùa xuân vào tháng 4 và tháng 5. Một chu kỳ gieo hạt khác diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11.

Vào tháng 7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã cảnh báo trên Twitter rằng sản lượng từ các nông trại của nước này có thể giảm một nửa trong năm nay.

Trong một báo cáo ngày 17 tháng 8, công ty tư vấn McKinsey dự báo khối lượng thu hoạch sẽ giảm mạnh. Sản lượng ngũ cốc của Ukraine, ví dụ như lúa mì, sẽ giảm từ 35% đến 45% trong mùa thu hoạch tới.

McKinsey viết trong báo cáo về an ninh lương thực toàn cầu rằng: "Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra, sản lượng thu hoạch sẽ bị ảnh hưởng bởi khả năng của người nông dân trong việc chuẩn bị đồng ruộng, gieo hạt, bảo vệ và bón phân và tác động từ biến đổi khí hậu.

Theo McKinsey dự báo, sản lượng thu hoạch của Ukraine sẽ thấp hơn mức bình thường từ 30 đến 44 triệu tấn trong năm nay. Nguyên nhân là do diện tích trồng trọt ít hơn, dòng tiền của nông dân giảm vì phần lớn vụ thu hoạch cuối cùng của họ không được vận chuyển đến các thị trường tiêu thu và khả năng ngũ cốc bị bỏ lại hoặc không được thu hoạch.

Nga xuất khẩu gần 1/5 sản lượng phân bón của thế giới trong năm 2021. Tuy nhiên xung đột giữa họ với Ukraine nổ ra đã khiến nguồn cung chất dinh dưỡng quan trọng cho cây trồng này bị gián đoạn nghiêm trọng. Ure, một loại phân đạm phổ biến đã tăng giá hơn gấp đôi so với một năm trước. Điều này đã khiến nông dân trên khắp thế giới sử dụng ít phân bón hơn.

Diễn biến giá ure trong 1 năm qua. Nguồn: Tradingeconomics.com


McKinsey viết trong báo cáo của mình rằng: "Tình trạng thiếu phân bón và giá phân bón cao hơn cũng dự kiến sẽ làm giảm sản lượng ở các nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu phân bón như Brazil."

Mercy Corps đã quan sát xu hướng tương tự. Những người nông dân mà họ làm việc cùng ở Guatemala cũng không thể đầu tư vào chu kỳ sản xuất tiếp theo bởi không có đủ khả năng mua phân bón và các nguyên liệu đầu vào khác có nguồn gốc từ dầu mỏ. Điển hình là nhựa để bón lót cho đất và đường ống cho hệ thống tưới tiêu, hoặc vì họ không thể tìm thấy đầu vào nông nghiệp trên thị trường.

Cho rằng những cú sốc đối với nông nghiệp và nguồn cung xảy ra vào thời điểm điều kiện khí hậu khắc nghiệt, bao gồm hạn hán nghiêm trọng ở châu Âu và lũ lụt ở Úc, McKinsey dự đoán cuộc khủng hoảng lương thực tiếp theo sẽ tồi tệ hơn những năm 2007-2008 và 2010-2011.

"Cuộc xung đột ở Ukraine đang làm rung chuyển các trụ cột quan trọng của hệ thống lương thực toàn cầu trong bối cảnh vốn đã bấp bênh", công ty tư vấn cho biết thêm.


Theo BI, Bloomberg

Chia sẻ Facebook