Khó khăn chồng chất tại các dự án trọng điểm ở Đà Nẵng
Nhiều dự án trọng điểm ở Đà Nẵng đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ do ách tắc giải phóng mặt bằng, đồng thời nguồn cung nguyên vật liệu thiếu hụt, giá cả đắt đỏ.
Khó chồng khó
Dự án đường vành đai phía Tây dài hơn 19 km nối quốc lộ 14B với đường Hồ Chí Minh có tổng vốn 1.499 tỷ đồng, khởi công từ năm 2018, dự kiến đưa vào khai thác năm 2021. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng, năng lực nhà thầu hạn chế, tiến độ thi công kéo dài dẫn tới đội vốn, phát sinh chi phí lớn.
Tại thời điểm hiện tại, dự án vẫn dang dở, nhiều đoạn vẫn chưa thi công xong nền đường, nhiều nơi còn tắc mặt bằng. Trong khi đó, tiến độ phải hoàn thành theo yêu cầu của UBND TP. Đà Nẵng là 30/9 đang cận kề. Không chỉ dừng ở tắc mặt bằng, thời điểm này giá nguyên, nhiên liệu đã đội lên rất cao so với thời điểm hai năm trước, khiến nhà thầu thêm khó khăn, tác động đến tiến độ dự án.
Đại diện nhà thầu Tổng Công ty Trường Sơn cho biết, dự án kéo dài khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn, nút thắt mặt bằng chưa dứt điểm thì nay đến bão giá. Giá nhiên liệu tăng khiến giá vật liệu tăng đột biến. Dự án Tuyến đường vành đai phía Tây đã giảm thầu gần 30%, nay giá nhiên vật liệu tăng cao khiến nhà thầu gặp nhiều khó khăn, thiệt hại lớn.
Tương tự, dự án khu tái định cư xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) được khởi công từ tháng 2/2022 nhằm phục vụ giải tỏa dự án Đường vành đai phía Tây Đà Nẵng. Dự án dự kiến hoàn thành sau 12 tháng thi công, nhưng hiện các nhà thầu lại gặp khó khi khan hiếm nguồn cung vật liệu, chủ yếu là đất đắp.
Ông Đặng Công Minh Tâm, chỉ huy trưởng gói thầu của nhà thầu Xuân Quang – đơn vị thi công dự án cho hay, để đảm bảo nguồn vật liệu cho dự án, đơn vị đã liên hệ với nhiều đầu mối nhưng vẫn chưa tìm được nguồn.
Có thể thấy, thiếu đất san lấp đang là tình trạng chung của các dự án trọng điểm tại Đà Nẵng. Theo Sở TN&MT TP.Đà Nẵng, hiện nay trên địa bàn thành phố chỉ còn 2 mỏ đất còn thời hạn giấy phép khai thác. Thành phố cũng cấp phép bóc tầng phủ tại 3 mỏ đá với khối lượng 500.000m3 nhằm phục vụ san lấp.
Tuy nhiên, theo thống kê, tổng khối lượng đất san lấp cho các công trình của Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2023 là gần 1,7 triệu m3. Trong khi đó, hiện tại trữ lượng đất, đá của các mỏ khai thác trên địa bàn thành phố chỉ còn 1,5 triệu m3, không đáp ứng đủ nhu cầu cho các dự án.
Giải bài toán đất san lấp
Những khó khăn về giá vật liệu tăng cao, ách tắc mặt bằng và cả thiếu nguồn cung đất, đá đang là bài toán khó tại các dự án trọng điểm trên địa bàn Đà Nẵng. Vì thi công kéo dài, Đà Nẵng đã phải điều chỉnh tăng vốn tại nhiều dự án trọng điểm để có thể về đích.
Nhiều dự án ở Đà Nẵng đã đội vốn lên nhiều lần như: Dự án Trục 1 Tây Bắc thêm hơn 273 tỷ đồng, tăng vốn dự án đường Lê Trọng Tấn hơn 32 tỷ đồng, tăng vốn dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò hơn 214 tỷ đồng...
Mới đây, tại họp báo quý 2/2022, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho biết, giá nguyên vật liệu xây dựng, trong đó có đất san lấp biến động do giá xăng dầu tăng. Cùng với đó một số trường hợp mỏ khai thác trong quá trình triển khai cũng có sự chậm trễ đã ảnh hưởng đến tiến độ các dự án trên địa bàn thành phố.
Theo ông Vinh, cuối năm 2021, Đà Nẵng đấu giá 2 mỏ đất tại xã Hòa Liên, Hòa Ninh (huyện Hòa Vang). Mặc dù đã trúng đấu giá nhưng theo quy định, sau khi trúng đấu giá chủ mỏ sẽ thăm dò và tiến hành thỏa thuận bồi thường về đất đối với người dân. Tuy nhiên, gặp trở ngại về vấn đề người dân không hợp tác việc thỏa thuận bồi thường.
"Chúng tôi đã yêu cầu UBND xã, huyện và các đơn vị liên quan rà soát tình trạng pháp lý đối với 2 mỏ đất này. Đến cuối tháng 8 nếu các bên không thỏa thuận được thì sẽ báo cáo UBND thành phố xử lý, sớm đưa 2 mỏ đất này khai thác đúng tiến độ", ông Vinh nói.
Về lâu dài, ông Vinh cho hay, thành phố quy hoạch thăm dò, khai thác đá xây dựng đối với 14 khu vực, tổng diện tích 550ha, tổng khối lượng tài nguyên dự báo khoảng 84 triệu m3. Đất san lấp trong thời gian tới sẽ đưa vào khai thác 8 khu vực với tổng diện tích 714 ha, trữ lượng tài nguyên dự báo trên 71 triệu m3.
"Với nguồn nguyên liệu này sẽ đảm bảo cung cấp cho các dự án trên địa bàn TP. Đà Nẵng trong thời gian sắp tới, đặc biệt là phục vụ việc xây dựng cảng Liên Chiểu", ông Vinh thông tin.
Giải ngân vốn đầu tư công chậm
Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, tính chung 7 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 2.655,5 tỷ đồng; tương đương 40,7% kế hoạch vốn được giao và giảm 31,4% so với cùng kỳ năm trước.
Một số dự án giải ngân chậm như dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, dự án đầu tư xây dựng nâng cấp Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, Chung cư xã hội cho người có công với cách mạng tại đường Vũ Mộng Nguyên…
Mặc dù TP. Đà Nẵng đã thực hiện nhiều giải pháp ngay từ đầu năm, nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn đang rất chậm so với mặt bằng chung của cả nước. Dự kiến trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tổng rà soát tất cả dự án và lên kế hoạch thu hồi những dự án chậm triển khai hoặc không có khả năng triển khai.