'Khó khăn càng thêm chồng chất' đối với doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long
Phó chủ tịch VCCI cho rằng có quá nhiều khó khăn đang tác động đến doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi nhiều doanh nghiệp cho biết chưa nhận được nhiều hỗ trợ từ các địa phương.
Tại buổi họp mặt hội viên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2022 diễn ra tại TP Cần Thơ chiều 19-7, ông Võ Tân Thành - phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết theo ghi nhận của VCCI, trong 6 tháng qua, doanh nghiệp trong vùng đang chịu tác động lớn từ áp lực tăng giá xăng dầu trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp và chế biến nông sản.
Doanh nghiệp trong vùng còn chịu áp lực tăng chi phí logistics (tăng 15 - 20% so với năm 2021, trong khi năm 2021 tăng 40% so với năm 2020).
Không chỉ thế, việc tắc nghẽn lưu thông cảng biển quốc tế làm cho tình trạng thiếu container rỗng càng trầm trọng hơn, ĐBSCL là vùng xa cảng biển nên doanh nghiệp rất khó khăn, phải trả chi phí rất cao để có được container xuất hàng.
"Bên cạnh đó, các loại phí như phí hạ tầng ra vào cảng TP.HCM, phí kiểm dịch COVID-19 trên bao bì sản phẩm và container xuất sang thị trường Trung Quốc phát sinh mới trong 6 tháng đầu năm làm cho khó khăn càng thêm chồng chất.
Mặc dù chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo nghị quyết 11 năm 2022 của Chính phủ được đánh giá khá tích cực, giúp doanh nghiệp hưởng lợi như giảm 2% thuế giá trị gia tăng, giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước, hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong hai năm 2022-2023 thông qua các hệ thống ngân hàng thương mại… nhưng nhiều doanh nghiệp mà VCCI ghi nhận cho biết chưa nhận được nhiều hỗ trợ từ địa phương", ông Thành nói.
Tuy nhiên, ông Thành cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tại ĐBSCL cần phải lạc quan vì "chúng ta đang có nhiều cơ hội mới".
Cụ thể: trước và sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng năm 2021, các nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Quốc hội ban hành đều rất quan tâm đến phát triển vùng ĐBSCL, luôn khẳng định vai trò và vị trí chiến lược của vùng ĐBSCL trong sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Đặc biệt, theo ông Thành, mới đây nghị quyết 13 năm 2022 của Bộ Chính trị "Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng này...
Mạng lưới tập hợp doanh nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu đầu tiên của Việt Nam ra mắt. Đây là mạng lưới hoạt động phi lợi nhuận, vì cộng đồng và tuân thủ pháp luật Việt Nam.