Khó khăn bủa vây doanh nghiệp ngành xây dựng
Năm 2022, ngành xây dựng đối mặt với loạt thách thức, không chỉ doanh nghiệp nhỏ chịu tác động mà ngay cả những ông lớn cũng ngấm đòn.
Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi bão giá nguyên vật liệu, ngành xây dựng lại tiếp tục phải đối mặt với khó khăn mới mang tên “đóng băng” bất động sản. Hầu hết các doanh nghiệp xây dựng đều phải đối mặt với bài toán khi huy động vốn cho hoạt động xây dựng bị hạn chế, nợ đọng kéo dài, không tìm được hợp đồng xây dựng mới,..
Những khó khăn và thách thức trên thể hiện trực tiếp ngay trên kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2022 của các doanh nghiệp xây dựng. Không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu tác động, ngay cả những “ông lớn” như Coteccons (HoSE: CTD), Hoà Bình (HoSE: HBC), Fecon (HoSE: FCN)… cũng ngấm đòn.
Bức tranh tài chính mờ mịt
Đứng đầu trong danh sách kinh doanh sụt giảm nặng nề phải kể đến CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình . Năm 2022, Hoà Bình đạt mức thu ấn tượng 14.122 tỷ đồng, tăng 24% so với năm tài chính 2021. Hỗ trợ vào kết quả kinh doanh của công ty còn có mảng thu tài chính tăng 42% lên hơn 158 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc hàng loạt chi phí tăng cao đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Chưa kể trong quý IV/2022 kinh doanh dưới giá vốn khiến Hoà Bình phải báo lỗ hơn 1.201 tỷ đồng, từ đó khiến công ty báo lỗ sau thuế hơn 1.140 tỷ đồng cho năm 2022.
Xây dựng Hoà Bình thua lỗ trong bối cảnh ngành xây dựng khó khăn, đồng thời nội tại doanh nghiệp cũng phải đối mặt với cuộc nội chiến giữa nhóm ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Công Phú xoay quanh chiếc ghế Chủ tịch.
Cùng chung cảnh ngộ doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm, “kẻ khổng lồ” ngành xây dựng – Coteccons có lẽ "may mắn" hơn Hoà Bình đôi chút.
Luỹ kế năm 2022, Coteccons đạt hơn 14.537 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng mạnh 60% so với năm 2021. Doanh nghiệp lý giải mức doanh thu này đến từ khối lượng công việc bị dồn lại trong hai năm dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên chi phí tăng cao vẫn kéo lùi lợi nhuận của doanh nghiệp. Coteccons thu hẹp lãi sau thuế về mức 21 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2021, xác lập “đáy lợi nhuận” mới kể từ khi hoạt động.
Coteccons lên kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu đạt 15.010 tỷ đồng, tăng 65% nhưng mục tiêu lợi nhuận sau thuế thấp kỷ lục với vỏn vẹn 20 tỷ đồng, giảm 17% so với thực hiện năm 2021. Với việc đề ra mục tiêu thấp, doanh nghiệp đã hoàn thành tới 97% kế hoạch doanh thu và vừa đủ vượt mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
Là một nhà thầu thi công nền móng và công trình ngầm, FECON cũng không nằm ngoài làn sóng kinh doanh trồi sụt. Báo cáo tài chính quý IV/2022 của doanh nghiệp cho thấy luỹ kế cả năm 2022, FECON đạt 3.043 tỷ đồng doanh thu, giảm 12% so với 2021; lợi nhuận ròng đạt 51 tỷ đồng, giảm 27%.
Dù báo lãi nhưng mảng xây dựng lại không phải là nhân tố giúp công ty duy trì hoạt động ổn định, mà nhờ FECON đã chuyển nhượng 100% cổ phần điện mặt trời Vĩnh Hảo (VH6) cho đối tác Leader Energy (nhà đầu tư năng lượng tái tạo đến từ Malaysia) ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính.
Đồng thời, ghi nhận thêm gần 26 tỷ đồng lợi nhuận khác (cùng kỳ lỗ) do thu nhập từ việc chia sẻ đường dây điện ở dự án Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng.
Điều đó cho thấy doanh thu tài chính và lợi nhuận khác chính là cứu cánh cho doanh nghiệp thoát lỗ vào thời điểm khó khăn chung trên toàn thị trường.
Những chấm sáng nhỏ trên bức tranh xám màu
Ngược lại với loạt “ông lớn” trên, Ricons lại nổi lên như một hiện tượng đi ngược chiều, “vượt mặt” hết các đối thủ tầm cỡ trong ngành. Tập trung vào hoạt động xây dựng, Ricons thu hơn 11.384 tỷ đồng doanh thu trong năm 2022 và báo lãi cao gấp 4,5 lần Coteccons.
Với kết quả kinh doanh khởi sắc trong những quý đầu năm, luỹ kế năm 2022, doanh thu và lợi nhuận của Ricons lần lượt đạt 11.384 tỷ đồng và 90,8 tỷ đồng, tương ứng tăng 41% và 13%.
Trong cơ cấu doanh thu, khoản thu từ hợp đồng xây dựng vẫn chiếm thế thượng phong khi đem về tới 11.217 tỷ đồng cho công ty, góp phần lớn vào kết quả kinh doanh. Khoản thu từ hoạt động tài chính cũng là điểm sáng khi đóng góp gần 73 tỷ đồng, tăng gấp đôi năm tài chính năm 2021.
Từ sau khi tách ra khỏi hệ sinh thái Coteccons , Ricons đã phải đối mặt với nhiều khó khăn thời gian đầu thậm chí năm 2021 còn chạm đáy lợi nhuận 5 năm. Tuy nhiên, do tập trung toàn lực vào lĩnh vực xây dựng giúp doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng tích cực và vượt mặt “cố nhân” Coteccons trên nhiều phương diện.
Một trường hợp khác báo lãi tăng bằng lần không thể không nhắc đến Tổng Công ty Sông Đà – CTCP (HoSE: SJG) . Đầu tháng 4/2022, Tổng Công ty đã hoàn tất bán 41,7 triệu cổ phần CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, HoSE: SJS) cho CTCP Thương mại dịch vụ Đầu tư An Phát, thu về khoảng 4.258 tỷ đồng.
Theo đó, dù hoạt động kinh doanh chính giậm chân tại chỗ nhưng Công ty Sông Đà vẫn báo lãi tăng vọt nhờ khoản thu từ thương vụ chuyển nhượng Công ty Sudico.
Luỹ kế năm 2022, SJG có doanh thu đạt 5.518 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.646 tỷ đồng, lần lượt giảm 9% và tăng 179% so với năm tài chính 2021. Nhờ khoản thu đột biến mà SJG đã thực hiện được gấp hơn 4,5 lần lợi nhuận theo kế hoạch năm đề ra trước đó.
Thách thức 2023
Dù 2022 là một năm “thất thu” đối với nhiều doanh nghiệp xây dựng, hệ luỵ có thể còn kéo dài tới năm 2023 nhưng Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) vẫn đưa ra báo cáo triển vọng ngành xây dựng 2023 với nhiều điểm sáng.
Công ty chứng khoán cho rằng doanh nghiệp xây dựng sẽ có nhiều cơ hội phục hồi và ổn định nhờ bối cảnh giảm giá thành nguyên vật liệu, thị trường lao động dồi dào và tác động lan toả từ các dự án đầu tư công.
Theo đó, từ cuối năm 2022, VCBS cho rằng nhiều dự án lớn tồn đọng từ chu kỳ đầu tư 2016 – 2020 đã dần hoàn thiện, tạo điều kiện bước đầu triển khai các dự án thuộc chu kỳ đầu tư 2021-2025.
Song, doanh nghiệp xây dựng cũng sẽ phải đối mặt với thách thức từ tính pháp lý của các dự án, vấn đề nợ đọng của chủ đầu tư, trích lập dự phòng cho các khoản phải thu. Đồng thời có khả năng các doanh nghiệp sẽ tiếp tục chịu sự ảnh hưởng từ thị trường bất động sản chưa phục hồi, trong bối cảnh nhu cầu xây dựng thấp và áp lực cạnh tranh tăng cao .