“Khí vận sinh động”: Cái thần trong hội họa Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
12/05/2022 19:55:14

“Khí vận sinh động” là nguyên tắc cao nhất trong sáng tác hội họa Trung Quốc truyền thống. Một tác phẩm hội họa khuyết thiếu “khí vận sinh động” thì không thể được coi là đẹp, thậm chí không được gọi là tranh thực sự. 

(Theo: Sounofhope)

Tạ Hách là họa gia, lý luận gia thời Nam Tề. Ông đặc biệt giỏi về vẽ tranh chân dung, được mệnh danh là họa sĩ vẽ tranh chân dung đời đầu của Trung Quốc. Ông có khả năng ghi nhớ rất mạnh, người mà ông đã từng gặp qua là sẽ không thể quên, thậm chí ông có thể vẽ lại được hình ảnh người đó. Chỉ có rất ít các bức tranh của ông còn được lưu lại đến đời sau. Tuy nhiên, lục pháp luận của Tạ Hách được chép trong sách “Cổ họa phẩm lục” thì được truyền lại nguyên vẹn và có ảnh hưởng rất lớn đến hội họa ngày nay.


Cuốn sách “Cổ họa phẩm lục” là tác phẩm nghiên cứu hội họa cổ nhất của Trung Quốc. Trong cuốn sách trình bày lục pháp (sáu phép) của hội họa Trung Quốc và đã trở thành nguyên tắc được các họa sĩ, nhà phê bình và người giám định, thưởng thức tranh sau này tuân theo. Lục pháp này bao gồm: Khí vận sinh động, cốt pháp dụng bút, ứng vật tượng hình, tùy loại phú thái, kinh doanh vị trí và truyền di mô tả.


Trong đây có thể thấy tiêu chuẩn quan trọng nhất chính là “Khí vận sinh động”. Các tác giả của Giới Tử viên họa truyện từng nói: “Từ phép thứ hai trở đi có thể học hỏi mà thành, nhưng riêng phép thứ nhất, chỉ có thể đạt được do bẩm sinh” . Nói như vậy có nghĩa là khí vận sinh động là một tư chất trời phú, tức cái mà chúng ta gọi là thiên tài. Có thể hiểu ý nghĩa của phép thứ nhất một cách đơn giản rằng: sự vận động của khí sản sinh ra sức sống. Khí trong tư tưởng Trung Hoa Cổ đại là bản thể của vũ trụ, nó vừa là vật chất, vừa là tinh thần, nó là tương đối vì sự vận động của nó vĩnh cửu. Trong hội họa, khí vận là cái thần của bức tranh, là giá trị của Đạo ẩn tàng trong bức tranh.


Tranh Trung Quốc chú trọng đến ý tứ, những chi tiết đã được định liệu từ trước, sự liên tục không đứt quãng và tính ăn khớp, mạch lạc. “Khí vận sinh động” không chỉ nói đến thần khí, sự mạch lạc cuốn hút bên trong của bức tranh mà nó còn yêu cầu phải sinh động, tươi sống, giao cấp cho bức tranh một sinh mệnh, truyền cho bức tranh một sức sống, khiến bức tranh đạt được cảnh giới “dùng hình viết thần”, hình thần đầy đủ. Nhìn vào bức tranh người ta thấy được thần khí, ý vị và sự sống của nó. Từ quan điểm này mà xét, có thể thấy “Khí vận sinh động” là linh hồn của Lục pháp.

Trong các triều đại lịch sử, hầu hết các kiệt tác đều do các học giả vĩ đại có vị thế cao sang hoặc các ẩn sỹ sống gần gũi, hòa mình với thiên nhiên tạo ra. Bởi họ sống cuộc đời của những con người tu đạo, họ tìm sự thư giãn trong hội hoạ, đắm mình vào nó, nên tư duy cao cả và tinh thần cao quý này bộc lộ trong các bức tranh của họ. “Khí vận sinh động” trong tranh cao bởi chí khí của họạ sỹ cao, và khí vận sinh động có cao thì bức tranh mới tràn trề sức sống và khơi dậy được tâm linh người xem.

Mặc dù “Khí vận sinh động” là tiêu chuẩn quan trọng nhất nhưng nó không thể tách rời năm pháp khác trong “Lục pháp” là cốt pháp dụng bút, ứng vật tượng hình, tùy loại phú thái, kinh doanh vị trí, truyện di mô tả. Nó cùng với năm pháp này tạo thành một chỉnh thể.


“Cốt pháp dụng bút” chính là chỉ cách thức sử dụng kỹ thuật bút để vẽ ra hình dạng và kết cấu của vật thể. Nếu nói khí vận sinh động là “thần” thì cốt pháp dụng bút chính là “hình”. “Hình” là dựa trên kỹ thuật biểu đạt của bút, mục đích là để biểu hiện “thần”, cũng chính là “lấy hình tả thần” (vẽ ngoại hình mà thể hiện được thần thá) do đại danh họa Cố Khải Chi thời Tấn nói đến.

“Ứng vật tượng hình” chính là ứng với hình tượng của vật mà phác ra hình sao cho đúng. “Tùy loại phú thái” chính là căn cứ đối tượng, thời gian, địa điểm mà sử dụng mà sắc khác nhau sao cho phù hợp. “Kinh doanh vị trí” chính là chỉ sắp xếp bố cục cho hợp lý. Tranh Trung Quốc xưa nay đều coi trọng kết cấu bố cục, chú ý đến các mối quan hệ như chủ và khách, hư và thực, phức tạp và đơn giản, thưa và dày, ẩn và lộ… “Truyền di mô tả” là sao chép, vẽ phỏng theo người xưa tức là chọn thầy mà học, nhằm đạt đến một kỹ năng hoàn chỉnh, có thể chủ động trong việc sử dụng bút mực. Phác họa những thứ có thật từ cuộc sống và vẽ sao chép các tác phẩm của cổ nhân là một phương pháp học tập quan trọng, đồng thời cũng là một phương pháp kế thừa truyền thống.

“Khí vận sinh động” không tách rời với năm phương pháp này, đồng thời năm phương pháp này càng không thể tách rời “Khí vận sinh động”. Nếu không, bức tranh sẽ trở thành một tác phẩm, một bức vẽ với kỹ thuật thuần túy mà không có linh hồn. Thậm chí, bức tranh vẽ kỹ nhất cũng chỉ là thứ tương tự như tranh mà không được người xưa gọi là tranh.

Mấu chốt của việc đánh giá một bức tranh là thật hay giả là ở chỗ xem thần và khí của bức tranh. Khi người ta đánh giá một bức tranh là giả thì tức là bức tranh ấy không có khí. “Thần” và “khí” trong bức tranh giả đều không ăn khớp với nhau, hơn nữa còn chứa đựng những tín tức không tốt. Trái lại, trường khí mà một bức tranh thật mang theo là chính diện, “thần” và “khí” ăn khớp với nhau, cũng chính là “khí vận sinh động”.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Tản mạn về một thủ pháp miêu tả trong hội họa

Chia sẻ Facebook