Khi trẻ ngỗ ngược, có nên yêu cầu trẻ kìm nén không?
Nhiều cha mẹ cảm thấy rằng trẻ em ngày nay quá ngỗ ngược, nhưng cha mẹ lại không nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục trẻ từ sớm,
Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy rằng trẻ em ngày nay quá ngỗ ngược, khó kỷ luật và khó giáo dục. Tuy nhiên, cha mẹ lại không nhận thức ra tầm quan trọng của việc giáo dục trẻ từ sớm, đặc biệt là sự hướng dẫn đúng đắn và có mục tiêu rèn luyện nhân cách cho trẻ trước 6 tuổi quan trọng hơn việc giáo dục trẻ khi chúng lớn lên.
Các chuyên gia giáo dục đưa ra nhiều phương pháp để uốn nắn lại tính ngỗ ngược của trẻ, và một số phụ huynh cũng đã đạt được kết quả nhất định sau khi áp dụng cho con mình. Hãy để con biết rằng tình yêu thương của cha mẹ là có giới hạn, sẽ không cảm thấy xót xa hay nhượng bộ trước những tiếng khóc lóc vô cớ của chúng, điều đó sẽ để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng trẻ và giúp ích rất nhiều cho cuộc sống sau này.
Đừng để đứa trẻ phải đè nén cảm xúc
Khi trẻ cố tình khóc nhưng không đạt được kết quả gì, trẻ có thể bị trầm cảm. Vì vậy cha mẹ nên tránh cho trẻ gặp kiểu trầm cảm này.
Một số chuyên gia khuyên bạn nên trao đổi chân thành với trẻ và nói với trẻ rằng có điều gì đó con có thể trao đổi với bố mẹ, nếu thuyết phục được bố mẹ, bố mẹ có thể cân nhắc yêu cầu của con thay vì cứ khóc lóc như thế này.
Điều này chắc chắn để lại cơ hội cho trẻ thể hiện bản thân. Đứa trẻ có thể nói rằng nó muốn một món đồ chơi, và cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ, để trẻ nói về sự khác biệt giữa chiếc đồ chơi này và chiếc hiện có ở nhà, và tại sao trẻ nhất quyết muốn mua nó. Cha mẹ có thể lấy phương thức khích lệ như vậy để trao đổi cùng con, từ đó có thể giải tỏa tâm tình chán nản của đứa trẻ.
Một số chuyên gia cho rằng hình thức giao tiếp này nên tuân theo nguyên tắc 3:1, tức là 3 lần thỏa hiệp sẽ có 1 lần con được đáp ứng các yêu cầu, để con hiểu rằng giao tiếp với cha mẹ là hữu ích, yêu cầu của trẻ có thể được đáp ứng, nhưng không phải lần nào cũng được đồng ý và hành động khóc là vô ích. Điều này sẽ khuyến khích trẻ sẵn sàng giao tiếp và mối quan hệ với cha mẹ sẽ dễ dàng hơn khi ở tuổi vị thành niên.
Có một cô bé 4 tuổi thường hay kể cho mẹ nghe những chuyện thú vị hoặc không vui xảy ra hàng ngày, tất nhiên là người mẹ này đã hướng dẫn cô bé diễn đạt có chủ đích nên mẹ có thể nắm bắt được tâm lý của con.
Một lần khi cô bé quấy khóc không chịu đi nhà trẻ, người mẹ đã không cho bé được toại nguyện. Sau khi đón bé về, người mẹ hỏi bé tại sao lại khóc khi đi nhà trẻ, đứa trẻ đã nói rằng vì mẹ không đi làm, vì vậy bé cũng không muốn đi học mẫu giáo.
Lúc này người mẹ nói với cô bé, vì mẹ có rất nhiều việc phải làm ở nhà, và mẹ cũng nói rằng nếu con không đi học mẫu giáo thì cô giáo và các bạn sẽ rất nhớ con, sau này mẹ không đi làm thì con cũng nên đi nhà trẻ, đến trường mẫu giáo. Chỉ cần con ngoan ngoãn, mẹ sẽ đón con ngay khi có thể.
Kể từ đó, cô bé này sáng nào cũng dậy đúng giờ để đến trường mẫu giáo, không cần biết có ai ở nhà hay không, và nói một cách dễ thương là con không được tới muộn vì thầy cô và các bạn đang đợi con. Vì vậy, việc hướng dẫn trẻ giao tiếp và không đè nén cảm xúc của trẻ là điều vô cùng quan trọng.
Dạy trẻ tự chủ
Ngày nay, nhiều gia đình chỉ có một hoặc hai con nên trẻ ở nhà nhận được rất nhiều yêu thương, thậm chí là có khuynh hướng thích được bênh vực. Trong hoàn cảnh này, càng cần thiết để dạy trẻ biết kiềm chế bản thân và rèn luyện tính kiên nhẫn trước 6 tuổi.
Trên thực tế, việc học tính tự chủ và kiên nhẫn là rất quan trọng trong quá trình trưởng thành. Nhận thức về tính tự chủ và kiên nhẫn này cần được nuôi dưỡng một cách có chủ đích ở trẻ.
Một số chuyên gia gợi ý rằng bạn có thể chơi một số trò chơi với trẻ. Ví dụ: Chọn một số kẹo, sôcôla… mà trẻ thích ăn, ban đầu hãy cho trẻ ăn 3 ngày 1 lần, khi đã thành thói quen, sau nửa tháng bạn hãy hỏi đứa trẻ có thể giữ lại những chiếc kẹo hoặc sôcôla mà chúng thích ăn trong 3 ngày không? Nếu con có thể giữ nó trong 3 ngày, cha mẹ sẽ cho con 3 phần thay vì 1 phần. Nếu con giữ nó ít hơn 3 ngày, con chỉ có thể nhận được 1 phần.
Bằng cách này, trẻ có thể rèn luyện khả năng kiềm chế và trau dồi khả năng vượt qua cám dỗ, ăn sôcôla theo kế hoạch, dần dần hình thành thói quen tự giác tốt. Cha mẹ cần cho con mình hiểu rằng muốn có được nhiều thứ mình thích thì phải hạn chế ăn uống, “bây giờ là bài kiểm tra của mẹ cho con, không nên gấp gáp, sau này lớn lên con còn phải học cách chờ đợi” . Kinh nghiệm trưởng thành trước 6 tuổi sẽ trở thành khả năng học cách tự chủ và kiểm soát cảm xúc của trẻ sau này.
Học cách chờ đợi và kiên nhẫn tại bàn ăn
Học cách chờ đợi thực ra là một cách để trau dồi tính kiên nhẫn. Trẻ thường sẽ ăn cơm cùng gia đình vào 5 tuổi, lúc này cha mẹ nên tập cho trẻ biết nghĩ cho người khác, học tính kiên nhẫn và biết chờ đợi. Trong quá trình lớn lên của trẻ thì việc bộc lộ tính ích kỷ là chuyện bình thường. Thứ nhất là bởi vì khi trẻ còn nhỏ thì đã được người lớn trợ giúp chăm sóc, mà người khác thì lại không cần đến sự giúp đỡ của trẻ. Thứ hai là vì trẻ bị áp lực học hành rất nặng, cho nên về cơ bản cha mẹ chỉ tập trung vào việc học thật tốt, mà không để đứa trẻ làm bất cứ điều gì khác. Khi thi lên đại học, trẻ thường nghĩ rằng mình đã học chăm chỉ để vượt qua kỳ thi và không liên quan gì đến người khác, điều này khiến trẻ nảy sinh tâm lý ích kỷ.
Loại hành vi và tâm lý ích kỷ này nên được sửa chữa khi trẻ còn nhỏ. Ví dụ, khi trẻ con và người lớn ăn cơm chung, cần đặt ra quy tắc cho trẻ, khi người lớn chưa động đũa, thì trẻ không được ăn trước, điều này tưởng chừng đơn giản nhưng lại hiệu quả. Thường thì trẻ đói sau khi tan học, trung bình mỗi gia đình sẽ ăn tối khoảng 6 giờ chiều, nhiều ông bà thấy xót con cháu nên cho con ăn trước. Tuy nhiên, đói tất nhiên là khổ nhưng cái khổ này không phải là xấu. Đây chỉ là một chút đói và khó chịu, trong quá trình hòa nhập vào xã hội và cuộc sống, trẻ chỉ có thể cảm nhận được nỗi đau của người khác khi chính mình trải qua nỗi đau. Hãy cho trẻ biết nỗi đau của những người khác trong nỗi đau nhỏ của bản thân. Tất cả chúng ta đều đang bị đói. Gia đình là một chỉnh thể, trong lòng phải có ý thức về người khác, học cách nhẫn nại trong lúc chờ bữa ăn, sửa đổi tâm lý ích kỷ, để trẻ nghĩ đến người khác nhiều hơn.
Bạn có thể dạy con chuẩn bị bàn ghế, bộ đồ ăn trước bữa ăn, và chỉ động đũa sau khi cả nhà đã yên vị.
Bạn có thể nói với trẻ rằng nếu bố không thể ăn đúng giờ vì phải làm việc ngoài giờ, thì mẹ chắc chắn sẽ để cho bố một bữa ăn riêng với bộ đồ ăn sạch sẽ.
Bạn có thể nói với trẻ rằng trái cây tốt nhất cũng nên dành phần cho những người thân trong gia đình khi họ không có nhà.
Lời nói và việc làm của cha mẹ có tác động rất lớn đến trẻ, phương pháp học tập ban đầu của trẻ được thực hiện bằng cách bắt chước. Vì vậy, cha mẹ trước tiên cần học cách kiên nhẫn, làm gương cho con.
An Chi/ Theo Soundofhope
Yêu thương vô điều kiện, yêu thương có điều kiện, nuông chiều vô lối Yêu thương vô điều kiện, yêu thương có điều kiện, nuông chiều vô lối, rất nhiều người lẫn lộn ba khái niệm trên với nhau...