Khí tiết của trí thức xưa: Không vì miếng ăn mà khom lưng

Chia sẻ Facebook
13/02/2023 09:16:39

Cổ nhân rất xem trọng khí tiết, để giữ nhân cách, rất nhiều người thà nhịn đói chịu chết, nghèo khổ túng thiếu chứ không vì miếng ăn mà chịu nhục khom lưng. Đào Uyên Minh là một thi nhân như vậy.

(Tranh minh họa qua Aboluowang.com)


Đào Uyên Minh là thi nhân tài đức cuối thời Đông Tấn, bởi vì không chấp nhận sự hủ bại của quan lại thời ấy mà chọn cách sống đạm bạc, về quê ở ẩn. “Không vì năm đấu gạo mà khom lưng” là câu chuyện nổi tiếng mà hậu nhân lưu truyền để ca ngợi khí tiết và đức hạnh của người trí thức như ông.

Đào Uyên Minh sinh ra trong một gia đình nhiều đời làm quan. Ông nội của ông là danh tướng Đào Khản, trọng thần hộ quốc của Đông Tấn. Tuy rằng cả ông nội và cha đều làm đại quan nhưng gia đình Đào Uyên Minh lại sống một cuộc sống rất đạm bạc, có thể nói là nghèo khổ. Đến đời Đào Uyên Minh, cha mất sớm, ông không cảm thấy có chút phiền lòng mà vẫn đọc sách, làm thơ.

Đào Uyên Minh từ nhỏ đã là người ham thích đọc sách, không muốn theo đuổi con đường công danh sự nghiệp, làm quan lớn. Mặc dù ông thường bị đói vì trong nhà không có gì ăn nhưng vẫn lấy việc học làm vui.

Về sau, gia cảnh ngày càng khốn khó, Đào Uyên Minh dù chăm chỉ làm ruộng nhưng cũng không đủ nuôi gia đình. Lúc ấy, bạn bè đều khuyên ông nên ra làm quan, vừa phục vụ dân chúng lại có thể sinh tồn. Đào Uyên Minh đành chấp nhận làm qua một chức quan nhỏ. Ông được hậu đãi bởi tài năng đức độ, nhưng vì không thể chịu được phong khí của quan trường thời mạt nên chẳng bao lâu ông xin từ chức.


Về sau Đào Uyên Minh trải qua cuộc sống lúc làm quan lúc ở ẩn. Lần cuối cùng Đào Uyên Minh làm quan là vào năm Nghĩa Hi thứ nhất. Năm đó ông đã qua tuổi “bất hoặc” , theo lời khuyên của bạn bè ông ra làm huyện lệnh Bành Trạch.


Có một lần trên quận phái đốc bưu xuống xem xét tình hình. Có tiểu lại bảo Đào Uyên Minh phải ăn mặc chỉnh tề cung kính mà nghênh tiếp. Ông nghe xong than dài và nói rằng: “Ta không vì bổng lộc 5 đấu gạo của huyện nhỏ này mà khom lưng khúm núm phục vụ cho những người ấy.” Nói xong ông liền từ quan về nhà.

Đào Uyên Minh làm huyện lệnh Bành Trạch chỉ hơn 80 ngày. Lần từ quan này, ông vĩnh viễn rời khỏi chốn quan trường. Từ đó trở đi ông vừa đọc sách làm thơ, vừa cấy cày sinh sống.

Về sau nông điền gặp phải thiên tai, nhà lại bị cháy, gia cảnh ngày càng túng bấn, nhưng trước sau ông vẫn không ra làm quan nữa. Thậm chí Thứ sử Giang châu đến tặng gạo và thịt ông cũng kiên quyết không nhận. Triều đình từng cho mời ông làm Trứ tác lang cũng bị ông từ chối.

Đào Uyên Minh vốn có thể sống một cuộc sống thong dong, chí ít cũng không phải lo cái ăn cái mặc, nhưng ông đã lấy nhân cách và khí tiết để đánh đổi. Ông qua đời trong gia cảnh bần hàn.


Nhưng ở đời, có mất thì cũng có được, Đào Uyên Minh nhờ có được sự tự do của tâm hồn, sự tôn nghiêm của nhân cách, đã viết ra những bài thơ bài văn lưu phương bách thế. Ông lưu lại một gia tài văn học quý báu và cũng để lại một tài sản tinh thần vô giá. Khí tiết cao thượng trong sáng “không vì năm đấu gạo mà khom lưng” của ông đã trở thành tấm gương cho hậu thế nhiều đời.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

“Liêm” và “sỉ” trong lý niệm của cổ nhân


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook