Khi tiền mã hóa không mang lại những lợi ích như từng hứa hẹn
VietTimes – “Cách đây 2 năm, ai cũng muốn được như chúng tôi. Giờ ai cũng ghét chúng tôi”, một nhà sáng lập tiền mã hoá 24 tuổi than thở tại một buổi họp mặt ở New York.
Niềm tin của công chúng đối với tiền mã hóa ngày càng suy giảm (Ảnh: Getty)
Công chúng quay lưng với tiền mã hóa
Từng có thời được xem là đủ khả năng thiết lập lại toàn bộ hệ thống tài chính, tiền mã hoá giờ trải qua một đợt sụt giảm nghiêm trọng. Giá trị thị trường của tất cả các loại tiền mã hoá đã tăng đột biến từ 250 tỉ USD vào đầu năm 2020 lên 3000 tỉ USD vào cuối năm 2021. Nhưng sau đó, nó giảm xuống chỉ còn 1,3 nghìn tỉ USD.
Quan trọng hơn, niềm tin của công chúng đối với tiền mã hoá dường như đã chạm đáy sau hàng loạt vụ lừa đảo và cú sập đình đám, đáng chú ý là vụ phá sản của FTX - từng một thời là sàn giao dịch tiền mã hoá nổi tiếng - vào tháng 11/2022.
Nhưng ở Dubai, các cuộc thảo luận về tiền mã hoá vẫn rất sôi nổi. Tiểu vương quốc này đã mở cửa cho ngành công nghiệp này bằng cách tạo ra một cơ quan quản lý dành riêng cho tiền mã hoá đủ để tạo ra “sự rõ ràng cần thiết”, theo Alex Chehade, giám đốc của Binance tại nước này.
Binance – sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất thế giới – và các sàn giao dịch khác như Crypto.com và Bybit đã thiết lập cơ sở tại Dubai vào năm 2022. Nhưng nhiều câu hỏi lớn xoay quanh ngành công nghiệp này. Tại một cuộc họp ở Dubai, một phóng viên đã vấp phải phản ứng cực kỳ gay gắt khi đặt câu hỏi rằng liệu tiền mã hoá có bao giờ tìm thấy “ứng dụng sát thủ” (killer app) của nó hay không. “Chúng tôi đã có nó rồi”, một nhà phát triển ngắt lời.
Thái độ của công chúng đối với tiền mã hoá cũng phân cực. Đối với một số người, tiềm năng tạo nên cuộc cách mạng trong lĩnh vực tài chính của nó giờ đã vụn vỡ. Tiền mã hóa từng được xem là có thể 'qua mặt' được hệ thống tài chính truyền thống - vốn được cho là đắt đỏ, khó có thể tiếp cận. Nhưng hệ thống tài chính cũng chẳng 'đứng yên': nó tích cực áp dụng công nghệ mới.
Thêm nữa, các cơ quan quản lý cuối cùng đã hành động. Singapore, quốc gia từng có thời là trung tâm tiền mã hoá hàng đầu thế giới, đã yêu cầu Binance tạm dừng hoạt động kể từ tháng 12/2022. Nước này mới chỉ duyệt khoảng 600 giấy phép thành lập doanh nghiệp tiền mã hoá. Theo hãng phân tích Atlantic Council, có khoảng 25 trên 45 quốc gia mà họ theo dõi đã áp đặt lệnh cấm cục bộ hoặc toàn phần đối với tiền mã hoá.
Nhưng vẫn còn một số người giữ hy vọng. Giá của bitcoin đã tăng gần 70% trong năm nay, trong đó có một đợt tăng giá mạnh sau cú sập của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB). Có bằng chứng cho thấy tiền mã hoá được ủng hộ nhiều hơn ở những quốc gia yếu bị ảnh hưởng bởi lạm phát và đồng nội tệ suy yếu, như Argentina và Nigeria.
Điều này cho thấy một sự thật đáng chú ý, đó là lập luận cho rằng tiền mã hoá thường được sử dụng ở những nơi mà sự thay thế cho nó tồi tệ hơn.
Tiền mã hóa không mang lại những giá trị quan trọng như từng hứa hẹn (Ảnh: CNBC)
2 giá trị cốt lõi bị xóa nhòa
Năm 2008, trong bài giới thiệu về bitcoin, Satoshi Nakamoto đã nhấn mạnh rằng: 'Chúng ta cần một hệ thống thanh toán điện tử...cho phép bất kỳ ai muốn tham gia giao dịch trực tiếp với người khác mà không cần dựa vào một bên thứ ba đáng tin cậy'. Hứa hẹn rằng giao dịch sẽ trở nên hiệu quả hơn và tránh được sự kiểm soát từ chính phủ các nước.
Tuy nhiên, cả hai lợi ích trên đều không xuất hiện. Các giao dịch vẫn phải được xác thực bởi các máy tính để duy trì một bản sao của blockchain được liên kết, đó là lý do tại sao Coinbase, sàn giao dịch tiền mã hoá được niêm yết tại Mỹ, lại tính phí 1% cho mỗi giao dịch thanh toán. Nếu thêm vào phí chuyển tiền mặt thành tiền mã hoá hoặc ngược lại, tổng chi phí sẽ đội lên khá cao. Vậy tại sao người ta phải giao dịch trên blockchain Ethereum, trong khi hệ thống UPI của Ấn Độ hay Pix của Brazil rẻ hơn?
Thêm nữa, việc né tránh khỏi sự quản lý của chính phủ cũng không hề dễ dàng. Để chuyển một đồng tiền truyền thống thành tiền mã hoá, người tiêu dùng cần phải sử dụng “on-ramps” – cách mà người dùng mang tiền của họ vào không gian điện tử - thường là các nền tảng tập trung như Coinbase hay Binance. Điều tương tự cũng xảy ra đối với các stablecoin, vốn được neo với đồng USD . Các nền tảng này cần phải đáng tin cậy – trong khi đây chính là điều mà tiền mã hóa được cho là không cần.
Các nền tảng phi tập trung như Uniswap cũng tồn tại, nhưng chúng khó sử dụng và mang đến nhiều rủi ro khác, như bị mất “private key”, một mật khẩu không bao giờ có thể khôi phục được. Đào bitcoin cũng gây ra tác động to lớn đối với môi trường.
Thống đốc ngân hàng trung ương Ấn Độ Shaktikanta Das coi tiền mã hóa như một mối đe dọa (Ảnh: IndianExpress)
Bỗng dưng cần…quy định
Những người ủng hộ tiền mã hóa giờ tuyên bố rằng họ muốn có quy định để giảm sự bất trắc và lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. Nhưng các cơ quan quản lý thường dự tính xa hơn những gì mà người ta kỳ vọng. Thống đốc ngân hàng trung ương Ấn Độ, Shaktikanta Das, nói rằng tiền mã hóa “không có giá trị cố hữu” và ông có thể ban hành lệnh cấm hầu hết các loại tiền mã hóa.
Vào ngày 5/1, các cơ quan quản lý của Mỹ - bao gồm cả Fed và Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi liên bang (FDIC) – ra tuyên bố rằng các tài sản tiền mã hóa trên các mạng phi tập trung “rất có khả năng không phù hợp với các hoạt động ngân hàng an toàn và lành mạnh”. Chính phủ Mỹ cũng tiếp quản Signature Bank, một ngân hàng thân thiện với ngành công nghiệp tiền mã hóa, sau khi nó sụp đổ.
Khi các quy định về tiền mã hóa được áp dụng, nó sẽ đẩy chi phí giao dịch lên cao. Giáo sư C.S Poon đến từ ĐH Bách Khoa Hong Kong nói rằng phần lớn chi phí giao dịch tài chính đến từ việc tuân thủ các quy định về hiểu biết khách hàng và luật chống rửa tiền.
Tuy nhiên, quy định thân thiện hơn lại có thể giúp cho ngành này. Binance và các công ty tiền mã hóa khác tìm đến Dubai chính là bởi các quy định mà nước này cung cấp. Nhưng sau đó, câu hỏi được đặt ra là: nếu tiền mã hóa chịu những quy định giống như các công ty fintech, liệu nó có cung cấp được bất cứ thứ gì có giá trị độc nhất hay không?
Có nhiều nơi mà tiền mã hóa vẫn mang lại lợi ích. Kim Grauer, giám đốc nghiên cứu của hãng phân tích dữ liệu blockchain Chainanalysis, nhận thấy rằng những “điểm nóng” chấp nhận tiền mã hóa “nằm ở những nơi mà tiền tệ bị giảm giá…hoặc lạm phát nghiêm trọng”. Tiền mã hóa có thể đóng vai trò bảo hộ.
“Giá bitcoin tính bằng đồng tiền của Lebanon đã tăng khoảng 6.000%”, ông Chehade cho hay. Chính phủ các nước cũng có thể tăng cầu. Còn theo bà Grauer, việc Nigeria kiểm soát vốn và các lệnh giới hạn sở hữu đồng USD của Argentina chính là lý do mà nhiều người chuyển tiền sang stablecoin hay bitcoin. Chính phủ của những quốc gia này có thể xem tiền mã hoá là một mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính, trong khi người dân của họ lại coi tiền mã hoá là một phương án thay thế cho đồng tiền nội tệ.
Tiền mã hóa không thể hiện được sự ưu việt trong thanh toán quốc tế (Ảnh: Freepik)
Không còn hiệu quả
Một ví dụ khác thường được đưa ra là việc thanh toán xuyên quốc gia, đặc biệt là giữa các cặp tiền tệ có tính thanh khoản thấp.
“Toàn cầu hóa ngày nay được giới hạn ở mức 10.000 USD”, Navin Gupta, cựu nhân viên ngân hàng hiện đang làm việc tại công ty tiền mã hóa Ripple, nói.
Phí chuyển tiền xuyên biên giới chiếm tỷ lệ giá trị lớn hơn đối với các khoản thanh toán nhỏ do chi phí cố định cao, điều này đã ngăn chặn hoàn toàn một số giao dịch. Mạng lưới của Ripple cho phép các loại tiền mã hóa thực hiện các giao dịch trung gian giữa các đồng tiền truyền thống, từ đó giảm chi phí. Công ty này, được định giá 15 tỉ USD vào đầu năm 2022, đã xử lý khoảng 30 tỉ USD thông qua dịch vụ thanh toán xuyên biên giới của họ trong 5 năm.
Để so sánh, công ty fintech xuyên biên giới Wise (trước là TransferWise) đã xử lý 33 tỉ USD chỉ tính riêng trong quý đầu của năm 2023. Công ty này giảm chi phí bằng cách thực hiện các giao dịch nội địa song song thay vì 2 giao dịch xuyên biên giới. Một nghiên cứu được World Bank thực hiện cho thấy chi phí chuyển tiền xuyên biên giới đã giảm từ 7% cách đây một thập kỷ xuống còn 5%. Và nếu người tiêu dùng đủ tinh tường để sử dụng lựa chọn tốt nhất (thường là một công ty fintech thời đại mới), chi phí chuyển tiền có thể giảm xuống còn 3%.
Năm 2015, Vitalik Buterin, người đồng sáng lập Ethereum, từng viết một bài trên blog thừa nhận rằng tiền mã hóa vẫn chưa tìm được một “ứng dụng sát thủ”. Bài đăng này phân tích xa hơn khía cạnh thanh toán và tài chính của tiền mã hóa.
Nhưng quan điểm của Buterin có phần đúng. Tiền mã hoá không thể "thay đổi hoàn toàn" hệ thống tài chính toàn cầu, bởi nó đã được chứng minh là không hiệu quả và cũng không “miễn nhiễm” với các quy định. Thay vào đó, chính các ngân hàng trung ương mới là ứng viên mạnh hơn trong quá trình chuyển đổi số./.
Theo The Economist