Khi thế giới có 8 tỷ người

Chia sẻ Facebook
16/11/2022 15:32:08

Liên Hợp Quốc dự báo dân số thế giới chính thức chạm mốc 8 tỷ người vào ngày 15/11/2022.


Các số liệu tính toán và dự báo này được đưa ra trong Báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới 2022 do Ban Kinh tế Xã hội của Liên Hợp Quốc thực hiện. Theo số liệu này, hiện dân số toàn cầu đang tăng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 1950, xuống dưới mức 1% vào năm 2020.

Các dự báo của Liên Hợp Quốc cho thấy, dân số có thể tăng lên khoảng 8,5 tỷ người vào năm 2030, lên 9,7 tỷ người năm 2050. Dân số toàn cầu có thể đạt đỉnh vào những năm 2080 lên khoảng 10,4 tỷ người và duy trì ở mức độ này cho đến năm 2100. Điều này cho thấy chất lượng cuộc sống, cũng như các chính sách chăm sóc y tế đã có sự cải thiện.

Cũng theo Liên Hợp Quốc, hơn một nửa mức tăng dân số toàn cầu từ nay đến năm 2050 dự kiến tập trung ở 8 quốc gia gồm Cộng hòa Dân chủ Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Cộng hòa Tanzania. Trong đó, dự báo Ấn Độ có thể sẽ sớm vượt Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất thế giới với trên một tỷ dân.

Báo cáo cũng cho biết mức sinh đã giảm rõ rệt ở nhiều quốc gia trong những thập kỷ gần đây. Hiện nay, hai phần ba dân số toàn cầu sống ở một nước hoặc vùng lãnh thổ có mức sinh dưới 2,1 lần trên một phụ nữ. Dân số của 61 quốc gia và vùng lãnh thổ được dự báo sẽ giảm từ 1% trở lên kể từ năm 2022 đến năm 2050, do mức sinh thấp và tỷ lệ di cư tăng cao.

Dân số tăng cộng với điều kiện y tế và mức sống ngày càng cải thiện, dẫn đến tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên được dự báo tăng 10% vào năm 2022 và tăng lên 16% vào năm 2050. Khi đó, dự kiến số người từ 65 tuổi trên toàn thế giới sẽ cao gấp hai lần số trẻ em dưới 5 tuổi, gần bằng số trẻ dưới 12 tuổi.

Viễn cảnh dân số già hóa nhanh này đặt các quốc gia có dân số già điển hình như Nhật Bản cần thực hiện hành động cụ thể để điều chỉnh chính sách phù hợp với lượng người cao tuổi ngày càng tăng, bao gồm thiết lập hệ thống y tế toàn dân, chăm sóc dài hạn, cải thiện tính bền vững của hệ thống an sinh xã hội và lương hưu.

Trong khi đó, tuổi thọ trung bình toàn cầu đạt 72,8 vào năm 2019, tăng gần 9 tuổi kể từ năm 1990. Tỷ lệ tử vong có xu hướng giảm có thể khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu đạt khoảng 77,2 tuổi vào năm 2050. Trong quá trình phát triển dân số mạnh mẽ này cũng xuất hiện những biến cố y tế đem đến những tác động không nhỏ trên phạm vi toàn cầu.

Trong đó Covid-19 đã ảnh hưởng đến cả 3 thành phần của sự thay đổi dân số. Đó là tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm xuống còn 71 vào năm 2021. Ở một số quốc gia, các đợt dịch liên tiếp khiến số người mang thai và sinh con giảm trong thời gian ngắn. Đồng thời hạn chế đi lại của đại dịch lịch sử cũng ảnh hưởng nghiêm trọng các hình thức di chuyển của con người, bao gồm hoạt động di cư không còn mạnh mẽ như trước.

Khi dân số thế giới chạm mốc 8 tỷ người thì mối quan hệ giữa việc gia tăng dân số và phát triển bền vững cũng càng trở nên rất phức tạp và đa chiều hơn. Dân số tăng nhanh cũng khiến việc xóa đói, giảm nghèo, chống suy dinh dưỡng, tăng độ bao phủ của hệ thống y tế, giáo dục và bảo đảm an ninh lương thực trở nên khó khăn hơn.

Chia sẻ Facebook