Khi sinh viên không thèm... tốt nghiệp
Có bạn từ bỏ chuyện tốt nghiệp khi đã hoàn thành 99% chương trình học, có người đi được nửa chặng đường thì dang dở, người hạ quyết tâm dừng ngay lúc vừa hết năm nhất...
Đó là một thực tế: không ít sinh viên hiện không còn xem việc lấy được tấm bằng tốt nghiệp là một việc hệ trọng.
Mở công ty rồi bỏ tốt nghiệp
Nguyễn Thanh Lộc (26 tuổi, quê Đắk Lắk) vừa hoàn thành buổi xin việc tại một công ty chuyên về thiết kế nội thất. Trước nhà tuyển dụng, Lộc phải tốn khá nhiều thời gian giải thích xung quanh câu hỏi "Vì sao không có bằng đại học?".
Lộc còn phải thuyết phục họ rằng mình không tốt nghiệp nhưng vẫn có đủ năng lực, cho thấy kinh nghiệm và thái độ làm việc. Trong vòng phỏng vấn đầu tiên, những ứng viên khác tốn khoảng 30 phút còn Lộc mất hơn 1 tiếng rưỡi.
Là cựu sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM từ năm 2014, qua gần 4 năm học, Lộc dừng học khi chỉ còn một đồ án tốt nghiệp để đủ chuẩn ra trường. Đồ án lại rơi vào giai đoạn Lộc đang theo một dự án thi công lớn ở Nha Trang. Vắng quá nhiều buổi góp ý đồ án, Lộc bị đánh rớt.
"Lúc đó, tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi đang có những dự án riêng, liệu rằng có phí thời gian và công sức làm lại đồ án sinh viên mà mình biết khác rất xa thực tế. Ngược lại, liệu việc không có bằng cấp có là trở ngại cho công việc của tôi sau này? - Lộc tâm sự - Rồi tôi tin năng lực và thái độ của mình sẽ được nhà tuyển dụng chấp nhận. Như chỗ tôi xin việc mới đây, tôi được nhận đúng với mức lương mà tôi đề xuất".
Phạm Bình Minh Quân (26 tuổi, quê Gia Lai) cũng là một sinh viên "dang dở" của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Khác với Lộc đã đi 99% con đường, Quân rời đại học khi còn nợ tới 3 đồ án và một đề tài tốt nghiệp.
Quân kể mình đã chịu khó theo những công trình để được học hỏi từ năm nhất. Đến năm 2018, khi thấy đủ sức, Quân cùng một số bạn bè lập công ty thiết kế. "Tôi thấy mình học được nhiều hơn, thực tế hơn từ những va chạm trong lúc làm việc. Kiến thức ở trường tôi thấy nhiều chỗ hơi "ảo", khó áp dụng, tuy nhiên không phải là mình không học được gì. Môi trường đại học cho chúng tôi tư duy, được mở rộng mối quan hệ có ích" - Quân nói.
Dừng việc học, thử khởi nghiệp
Học hết năm nhất Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trần Nguyên Anh (20 tuổi, quê TP.HCM) thông báo với gia đình sẽ thôi học. Trúng tuyển vào một trong những ngành có điểm chuẩn cao nhất trường - cơ điện tử, quyết định dừng lại của Nguyên Anh khiến gia đình bất ngờ.
Là cựu học sinh giỏi vật lý của Trường THPT Gia Định (TP.HCM), khi chính thức bước vào học, Nguyên Anh nhận ra chương trình không giống như hình dung. Niềm hứng thú dần mất đi cũng là lúc Nguyên Anh nhận ra mình có khiếu bếp núc - công việc đòi hỏi tính sáng tạo hơn là quá rập khuôn như điện tử.
Nửa cuối năm 2021, Nguyên Anh tự mở hiệu gà nướng kiểu Pháp, bán online theo hình thức "bếp ăn trên mây" (cloud kitchen). "Công thức nấu nướng có anh trai mình chỉ dạy. Chỉ có gặp khó khăn ở chuyện điều hành, quản lý vì mình chưa có nhiều kinh nghiệm" - Nguyên Anh nói.
Nguyên Anh cũng hiểu rằng khi đã bỏ tâm sức cho nghề bếp, trong trường hợp gặp thất bại thì cũng rất khó về trường để trở lại thời sinh viên. Dẫu vậy, Nguyên Anh tự nhủ nếu nhìn rộng ra cả một đời làm việc trên dưới 40 năm, 4 năm đại học không thể nào cung cấp đủ kiến thức. Việc học sẽ diễn ra liên tục trong suốt hàng chục năm, dưới nhiều hình thức.
Bạn học 3 năm, mình học 7 năm
Phần lớn thời gian đại học Nguyễn Hữu Lộc (25 tuổi, quê Kon Tum), sinh viên khoa báo chí - truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), lại đi làm nên nợ nhiều học phần. Một thời gian dài, Lộc nghĩ, có tốt nghiệp hay không dường như cũng không mang lại lợi ích gì. Suy nghĩ thay đổi khi Lộc nghĩ về gia đình. Gia đình lại vừa là áp lực, vừa là động lực cho bạn phải hoàn thành chương trình cử nhân. Theo Lộc, tốt nghiệp dù với bản thân bạn không có nhiều ý nghĩa nhưng cũng là một trách nhiệm với cha mẹ.
Hiện Lộc đã mở được một công ty truyền thông riêng nhưng vẫn đăng ký theo học cho xong 2 học phần còn nợ để đủ chuẩn ra trường trong năm nay. Trúng tuyển năm 2015, giờ Lộc đã là sinh viên năm thứ... 7.
Nhiều bạn giật mình, tiếc nuối
Theo trưởng phòng đào tạo một trường đại học chuyên về kinh tế tại TP.HCM, phân nửa số sinh viên bỏ học nửa chừng là vì cảm thấy không phù hợp với nghề, muốn chuyển hướng. Khoảng 25 - 30% các bạn thích học bằng cách "lao vào làm" hơn là đi từ kiến thức sách vở. 10 - 15% số còn lại bỏ tốt nghiệp thường do ăn chơi bỏ bê học tập, trục trặc về tài chính hoặc trong cuộc sống gặp phải một số biến cố...
TS Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ nhiều sinh viên ở các ngành dễ kiếm việc làm của trường đã có những công việc hấp dẫn, thậm chí những vị trí cao ngay từ năm thứ 3, thứ 4. Nhiều bạn bị cuốn vào vòng xoáy việc làm, có bạn nhận thấy bằng cấp không quan trọng với mình nữa hay nghĩ đơn giản rằng thứ nhà tuyển dụng cần thật sự là năng lực.
Theo thầy Hạ, suy nghĩ trên đúng nhưng chỉ một phần. Trong thị trường lao động, đặc biệt ở Việt Nam, nhiều trường hợp khi chuyển công ty, đơn vị hay được đề bạt lên những vị trí cao hơn, được cử đi học thêm, tấm bằng đại học thường là một điều kiện cần. Đến lúc này, nhiều bạn mới giật mình tiếc nuối nhưng không thể quay lại được.
"Trong cuộc đời của mỗi người sẽ còn rất nhiều thứ phía trước. Nhiều bạn trẻ chưa đủ kinh nghiệm để hình dung được hết chặng đường kế tiếp của mình. Việc học là một hành trình suốt đời, tuy nhiên tấm bằng là bước đi đầu tiên cho mỗi sinh viên, để các bạn luôn chủ động được những sự thay đổi hay những cơ hội có thể xảy đến" - thầy Hạ nói.
Nhiều sinh viên Trường đại học Công nghiệp TP.HCM nói vui, mỗi năm trường lại "phát" cô dâu một lần. Thực tế đây là sản phẩm kết thúc môn học của sinh viên ngành công nghệ may và thiết kế thời trang.