Khi người trẻ đối phó "bão giá" bằng cách... "săn" sale, thanh lý đồ không còn sử dụng

Chia sẻ Facebook
21/06/2022 10:47:37

Trông chờ vào những đợt giảm giá, miễn phí vận chuyển, chỉ mua những đồ dùng thực sự cần thiết ... chỉ là một phần trong cuộc sống của những bạn trẻ thời "bão giá".


Giữa cơn "bão giá" ảnh hưởng lớn tới đời sống của nhiều gia đình ở thời điểm hiện tại thì các bạn trẻ vẫn đang độc thân - tưởng chừng là những người đứng ngoài "cơn bão" cũng đang đau đầu để cân bằng lại mức chi tiêu của bản thân cho phù hợp.


Không còn mua sắm tùy hứng

Nếu như trước kia, vài ngàn hay vài chục ngàn tiền khuyến mãi trong mỗi đợt sale giảm giá không đáng để chú ý đến. Với món đồ ưng ý, nhiều bạn trẻ sẵn sàng bỏ ra số tiền cao hơn để có được thay vì phải chờ đợi đến vài ngày hay thậm chí là vài tuần sau.

Nhiều bạn trẻ phải tìm cách xoay sở trong cơn "bão giá"

Tuy nhiên, trong thời điểm "bão giá", câu chuyện đã ít nhiều thay đổi. Những đợt khuyến mãi hay mã giảm giá, miễn phí giao hàng ... được nhiều bạn trẻ coi là "thần dược" chữa bệnh "viêm màng túi".

"Mình sẽ cân nhắc những đợt miễn phí vận chuyển hay giảm giá. Trước đó mình không quan tâm lắm nhưng tình hình giá cả hiện tại buộc mình phải có sự thay đổi."

Không chỉ lựa chọn sao cho mua được món đồ đẹp hơn, chất lượng hơn, các bạn trẻ còn đắn đo sao cho món đồ mình mua rẻ hơn nhờ vào các dịp khuyến mãi hoặc giảm phí giao hàng. Chưa dừng lại ở đó, thói quen mua sắm khá "tùy hứng" của nhiều bạn trẻ cũng dẫn thay đổi trong thời điểm này.

Các bạn trẻ đắn đo nhiều hơn khi quyết định lựa chọn mua hàng

Thay vì mua những gì mình thích như trước kia, nhiều bạn trẻ trước khi thanh toán một món đồ có lẽ đã nâng lên đặt xuống rất nhiều lần để xem món đồ này có thực sự cần thiết trong cuộc sống hay chỉ là sự yêu thích ở thời điểm hiện tại.


Bạn Ngân Bình (Quận 1, TP.HCM) cho biết khi mua bất cứ thứ gì, bạn cũng suy nghĩ: "Phải là thực sự cần thì mới được mua. Không phải kiểu cần lúc đó thôi thì không được."

"Ngày trước, những món đồ cho sở thích riêng mình có thể không phải suy nghĩ gì hết mà mua ngay. Nhưng hiện tại thời "bão giá", mình phải xem những chi tiêu của mình có ổn để mua món đồ mình thích hay không. Nếu không thì mình có thể đợi lúc giảm giá."


Rạp phim cũng bị liệt vào "danh sách đen"

Hạn chế nhu cầu mua sắm, chỉ mua những đồ cần thiết, "săn" sale, mã khuyến mãi... cũng chỉ là một phần trong "cuộc chiến" đương đầu với "bão giá" của các bạn trẻ. Hạn chế nhu cầu giải trí cũng được đưa vào danh sách những việc cần làm.

Việc hẹn hò bè bạn đến rạp xem một bộ phim "bom tấn" mãn nhãn ngóng chờ đã lâu, nghe mùi bắp thơm lừng trong không gian rộn rã của một tối cuối tuần đã trở thành thói quen giải trí của nhiều bạn trẻ sau guồng quay của công việc. Vậy nhưng, câu chuyện tưởng như bình thường này ở thời điểm hiện tại cũng đã thay đổi. Đương nhiên, giải trí là nhu cầu không thể thiếu nhưng sẽ theo một cách khác.

Nhiều bạn trẻ cho rằng thay vì đến rạp có thể lựa chọn xem phim tại nhà qua các kênh khác nhau

Thay vì ra ngoài rạp, bạn Hoàng Lộc (quận Gò Vấp, TP.HCM) lựa chọn ở nhà xem các bộ phim qua Youtube hay các kênh khác với giá thành rẻ hơn. Thay sách giấy đọc trực tiếp bằng ebook (sách điện tử) cũng là một cách mà bạn nữ này lựa chọn để vẫn có thể đảm bảo nhu cầu giải trí nhưng có mức chi phí thấp hơn so với thông thường.

Tương tự, chi phí bỏ ra cho việc tụ tập ăn ngoài hàng quán, ngồi tán gẫu bên đôi ba cốc cà phê, trà sữa, hay với các bạn nữ là làm móng tay, làm tóc... cũng được nhiều bạn trẻ hạn chế ở mức tối đa.


Kiếm việc làm thêm, thanh lý đồ để tăng nguồn thu

Bên cạnh việc cắt giảm hay hạn chế các chi phí bỏ ra thì việc tranh thủ kiếm việc làm thêm tăng thu nhập hay thanh lý những món đồ đã qua sử dụng cũng là lựa chọn của nhiều bạn trẻ để cuộc sống "dễ thở" hơn thay vì phải quá mức "thắt lưng buộc bụng".

"Những đồ mình dùng qua rồi như quần áo hoặc mỹ phẩm thì mình có đăng lên các group (hội nhóm) để thanh lý. Mình cũng lấy lại được nguồn chi phí nhất định. Cùng với đó, mình cũng nhận thêm việc quản lý fanpage vào các buổi tối để có thêm thu nhập."

Bạn Thanh Ngân chia sẻ một số cách như thanh lý đồ dùng, kiếm thêm việc để tăng thu nhập

Cùng với đó, bạn Nhật Minh (Quận 7, TP.HCM) cũng cho rằng, bản thân mỗi người nên có một kế hoạch chi tiêu hợp lý trong khoảng thời gian nhất định, để biết bản thân có thể tiêu tối đa bao nhiêu, từ đó kiểm soát chi tiêu của bản thân:

"Nếu không có kế hoạch thì mình thường bị tiêu xài quá lố và lố vào phần của tháng sau. Nên khi đặt ra kế hoạch thì những ngày đầu tháng chi tiêu nhiều hơn nhưng những ngày cuối tháng mình tự biết để giới hạn lại mức chi tiêu của mình."

Cơn "bão giá" ở thời điểm hiện tại khiến không ít bạn trẻ buộc phải o ép, cân đong, tính toán nhiều hơn về các khoản chi tiêu trong cuộc sống thường ngày, khiến mỗi người ít nhiều khó chịu khi phải thay đổi những điều trở thành cố hữu.

Tuy nhiên, một mặt tích cực nào đó, bản thân mỗi người chúng ta cũng sẽ vô tình tạo nên một vài thói quen tốt như cách quản lý tài chính hiệu quả, tự mình học nấu những món ăn ngon tại nhà hay những cách thức giải trí đầy mới mẻ và tiết kiệm... Hy vọng mỗi người sẽ tìm được cho mình phương thức đúng đắn để cùng vượt qua thời điểm khó khăn.

Người trẻ xoay sở ra sao trong mùa "bão giá"?


Theo Phạm Trang

Trí Thức Trẻ

Chia sẻ Facebook