Khi người khuyết tật yêu: Yêu thương làm dịu nhẹ nỗi đau
Yêu thương làm dịu nhẹ nỗi đau, tạo thêm động lực cho người khuyết tật và vì vậy, họ rất cần tình yêu thương, sự nhân ái của những người xung quanh.
Quan niệm tình yêu không phân biệt tuổi tác, trình độ, thân phận, nó dành cho tất cả mọi người liệu có thực sự luôn đúng? Để yêu và được yêu với người khuyết tật là hành trình với bao khó khăn và trăn trở, quyết định đi tiếp hành trình hạnh phúc cũng vậy. Đây cũng là câu chuyện được chia sẻ trong Góc nhìn văn hóa hôm nay (2/12).
Tình yêu của những người khuyết tật gắn với 2 chữ cổ tích, bởi tâm lý ca ngợi những điều rất bình thường của người khuyết tật, trong đó có cả tình yêu. Chính định kiến xã hội này đã trở thành rào cản vô hình đối với tình yêu của người khuyết tật.
"Qua nghiên cứu không chính thức của các tổ chức phi chính phủ, tại riêng Thái Bình chỉ có 8% phụ nữ khuyết tật tiến tới được hôn nhân, nghĩa là họ thực sự có đăng ký kết hôn và tổ chức đám cưới, còn việc tiến tới được hạnh phúc hôn nhân với người khuyết tật thực sự rất khó khăn", anh Trần Quốc Nam – Chủ tịch Hội Người khuyết tật thị xã Sơn Tây, Hà Nội chia sẻ.
"Người đàn ông khuyết tật có thể không bị áp lực trong câu chuyện tình yêu, hôn nhân và gia đình nhưng bị áp lực bởi những định kiến mà người ta vốn nghĩ là dành cho nam giới, như đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm, người đàn ông phải gánh vác trách nhiệm nặng nề, bao bọc, chở che cho vợ… Câu chuyện này nên được san sẻ cho tất cả từ hai phía, cùng với trách nhiệm của cộng đồng. Nó không dừng lại chỉ là câu chuyện về định kiến giới, làm sao để mọi người đều có cơ hội được phát triển thì họ sẽ tìm đến hạnh phúc hôn nhân của mình tốt hơn, được tiếp cận nhiều hơn", anh Trần Quốc Nam nói tiếp.
Ngoài yếu tố khách quan, nguyên nhân cản trở người khuyết tật yêu và được yêu đến từ chính họ. Đó là có đủ quyết tâm, dũng khí để có thể tìm kiếm, trải nghiệm và bảo vệ tình yêu đến cùng hay không.
"Tình trạng nữa trong câu chuyện tôn trọng quyền lợi của người phụ nữ khi đấu tranh để có phúc hôn nhân là việc bị lợi dụng, lạm dụng về tình cảm và tình dục. Khi họ vốn dĩ đã là người yếu thế, họ khao khát và mong chờ tình cảm của người khác giới. Đánh vào điểm yếu đó, nhiều người đàn ông tiếp cận họ không phải vì sự yêu thương", anh Trần Quốc Nam cho biết.
Khi hai người đến với nhau vì sự thu hút trong tâm hồn, tính cách, tình cảm thì điều quan trọng là tình yêu đủ lớn hay không, để tạo sức mạnh tinh thần và vật chất vượt lên mọi khó khăn trong mối quan hệ đó. "Yêu nhau mấy núi cũng chèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua", nhiều người đã dám sống, dám yêu dù biết gặp nhiều cách trở, dù có thể không có một cái kết đẹp với người khuyết tật, không có một đám cưới dù đã trao đi tất cả.
Có thể khiếm khuyết về hình thể nhưng không khuyết tật về tâm hồn khi cả hai bắt đầu bằng sự chân thành, tìm kiếm và trải nghiệm. Yêu thương làm dịu nhẹ nỗi đau, tạo thêm động lực cho người khuyết thật và vì vậy, họ rất cần tình yêu thương, sự nhân ái của những người xung quanh.
Trong dịp kỉ niệm 30 năm ngày Quốc tế Người khuyết tật, hãy cùng nhìn lại những chuyển biến trong đời sống của lực lượng yếu thế nhưng lại vô cùng nghị lực trong xã hội.