Khỉ đuôi sóc biết gọi mẹ từ khi ở trong bụng
Một nghiên cứu được công bố trên eLife cho thấy, những chú khỉ đuôi sóc bắt đầu tập cử động khuôn mặt và miệng để kêu gọi giúp đỡ từ trước khi chào đời.
Phát hiện này cũng có thể đúng đối với con người. Hình ảnh siêu âm trong ba tháng cuối của thai kỳ cho thấy, thai nhi trong bụng mẹ tạo ra những chuyển động giống như đang khóc.
Những tiếng kêu đầu tiên của con người và các loài linh trưởng khác là vô cùng cần thiết cho sự tồn tại. Tiếng kêu cho phép khỉ đuôi sóc gọi các thành viên trong gia đình để được giúp đỡ. Cách tương tác này cũng tạo nền tảng cho những giao tiếp phức tạp hơn sau này trong cuộc sống của khỉ đuôi sóc.
Tác giả chính Darshana Narayanan - người đã thực hiện nghiên cứu tại Khoa Tâm lý học và Viện Khoa học Thần kinh Princeton, Trường Đại học Princeton, New Jersey (Mỹ), cho biết: "Chúng tôi muốn biết những giọng nói đầu tiên của trẻ sơ sinh phát triển như thế nào".
Narayanan và các đồng nghiệp đã tiến hành siêu âm 2 - 3 lần mỗi tuần ở 4 con khỉ đuôi sóc đang mang thai. Mỗi con khỉ đuôi sóc được siêu âm tổng số 14 - 17 lần. Quá trình này bắt đầu từ khi thai nhi xuất hiện lần đầu tiên trên siêu âm và kết thúc vào ngày trước khi chúng chào đời.
Nhóm nghiên cứu đã theo dõi dọc chuyển động đầu, mặt và miệng của những con khỉ đuôi sóc đang phát triển. Sau đó, họ so sánh chúng với chuyển động khi kêu của những con khỉ đuôi sóc mới chào đời.
Sử dụng phân tích từng khung hình, nhóm nghiên cứu phát hiện, ban đầu, chuyển động đầu và miệng của thai nhi phối hợp với nhau. Tuy nhiên, chuyển động miệng trở nên khác biệt theo thời gian. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, kiểu cử động khóc trước và sau khi sinh của khỉ đuôi sóc khác hẳn với chuyển động liếm hoặc vặn người.
"Các thí nghiệm của chúng tôi cho thấy, khỉ đuôi sóc bắt đầu thực hành chuyển động cần thiết cho những lần tương tác xã hội quan trọng, trước khi chúng có thể phát ra âm thanh", nhà nghiên cứu Narayanan cho biết.
Cũng theo chuyên gia này, việc nghiên cứu sâu hơn những chuyển động đó của khỉ đuôi sóc có thể giúp các nhà khoa học tìm hiểu thêm về sự phát triển của giọng ở các loài linh trưởng khác, bao gồm cả con người.
Tác giả nghiên cứu Asif Ghazanfar - Giáo sư tại Viện Khoa học Thần kinh Princeton, Trường Đại học Princeton kết luận: "Khỉ đuôi sóc mang đến một cơ hội đặc biệt để nghiên cứu sự phát triển giọng ở linh trưởng. Giống như con người, khỉ đuôi sóc rất năng động. Chúng học cách giao tiếp thông qua tương tác với cha mẹ".
Dùng bút kích hoạt động cơ hỏng trên tàu vũ trụ, về sau phi hành gia bán với giá 46,8 tỷ