Khi du lịch không chỉ để… kiếm tiền!
Trong hai ngày 29-30/4 năm nay, lần đầu tiên, Sở Du lịch TP.HCM mở cửa đón khách tham quan tòa nhà 110 tuổi - trụ sở làm việc hiện nay của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân TP.HCM. Đây là một trong những công trình kiến trúc cổ kính nổi tiếng của TP.HCM, được xây dựng năm 1898 và hoàn thành năm 1909 do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế, mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp. Nhà điêu khắc Louis - Lucien Ruffier đảm nhiệm phần trang trí kiến trúc bên ngoài.
Khi du lịch không chỉ để… kiếm tiền!
Trong hai ngày 29-30/4 năm nay, lần đầu tiên, Sở Du lịch TP.HCM mở cửa đón khách tham quan tòa nhà 110 tuổi - trụ sở làm việc hiện nay của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân TP.HCM . Đây là một trong những công trình kiến trúc cổ kính nổi tiếng của TP.HCM , được xây dựng năm 1898 và hoàn thành năm 1909 do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế, mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp. Nhà điêu khắc Louis - Lucien Ruffier đảm nhiệm phần trang trí kiến trúc bên ngoài.
Hiện, ban tổ chức đã tiếp nhận đủ số lượng khách dự kiến tham quan (540 lượt khách cá nhân, 900 lượt khách theo đoàn), được bố trí thành 48 đoàn, mỗi đoàn 30 khách (tương đương khoảng 1,500 khách) nên chính thức dừng tiếp nhận tour 2 ngày lễ để công tác đón tiếp được chu đáo. Theo đó, lịch tham quan buổi sáng bắt đầu từ 8h đến 12h, buổi chiều từ 13h đến 17h. Thời lượng mỗi đợt tham quan là 60 phút.
Là đơn vị thực hiện tour thí điểm, đại diện TST Tourist đưa ra mức giá 280,000 đồng bao gồm chi phí mà công ty chi trả như thuê xe (tập kết tại một điểm, sau đó xe 45 chỗ đưa đến điểm tham quan), thuê hướng dẫn viên, nước uống, khăn lạnh, bảo hiểm… Nắm bắt nhu cầu du khách đang tăng, nhiều đơn vị du lịch lữ hành muốn được tham gia khai thác và mở rộng các điểm lân cận. Thật ra, trong tour Sài Gòn năng động của quận 1 đã có tuyến đường di sản Sài Gòn này; song mở cửa để du khách tham quan, tìm hiểu kiến trúc, không gian của tòa nhà UBND TP thì đây là lần đầu khai thác, do đó có sức hút đáng kể.
Ủng hộ chủ trương mỗi quận huyện tạo một sản phẩm du lịch đặc trưng, hiện hầu hết các quận huyện trên địa bàn TP.HCM đều đã xây dựng và đưa vào khai thác các tour du lịch mang đậm màu sắc bản địa. Trong đó, tạo dấu ấn rõ nét và đặc thù nhất, không riêng cho du lịch quận 1 mà cho cả thành phố đó chính là tour Ký ức Biệt động Sài Gòn. Xuất phát từ tâm nguyện của gia đình ông Năm Lai (tức Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai) trong việc tìm mua lại các ngôi nhà mà ông cùng đồng đội Biệt động Sài Gòn, sưu tầm nhiều vật dụng của một thời lịch sử để tạo “bảo tàng gia đình”; sau đó thu hút sự quan tâm và trở thành một “đối tác” cùng khai thác của ngành du lịch di sản thành phố.
Sau khi đưa vào hoạt động, tour du lịch đặc biệt này đưa du khách qua các “cứ điểm” trên đường Trần Quang Khải, Đặng Tất, Nguyễn Đình Chiểu một thời là điểm hoạt động bí mật của đường dây Biệt động Sài Gòn, kết hợp với việc mở thêm ẩm thực đặc thù “cà phê Đỗ Phủ, cơm tấm Đại Hàn”. Vì các điểm đều nằm ở khu trung tâm nội thành nên du khách có thể tự đi xe máy hoặc tổ chức đoàn khá gọn, linh hoạt nên trong thời gian qua đã thu hút lượng khách đáng kể.
Mới đây, tại tọa đàm Thi hành Hiệp định Paris - Câu chuyện của những nhân chứng lịch sử Trại Davis diễn ra ngày 25/4 - Hà Nội nhân kỷ niệm 50 năm sự kiện lịch sử Hiệp định Paris 1973 - 2023, các cựu chiến binh từng tham gia cuộc đấu trí 823 ngày đêm ở Trại Davis (là một trại lính của quân đội Mỹ, nằm gần sát phía tây nam sân bay Tân Sơn Nhất, nay thuộc phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM ) đã bày tỏ mong muốn phục dựng lại điểm di tích lịch sử này (năm 2017, Trại Davis được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, nhưng thực tế hiện nay chẳng còn gì dấu tích cũ). Nếu cuộc phục dựng hoàn thành và tiến tới đưa vào khai thác thì đây cũng sẽ là một trong những “điểm nhấn” du lịch di sản mang sắc màu bản địa thành phố.
Rõ ràng, du lịch là một điểm sáng cho kinh tế TP.HCM cả trước và sau đại dịch. Tìm tòi và sáng tạo để tạo nên những sản phẩm du lịch chất lượng cao, có tính đặc thù, độc đáo, thu hút du khách đến và quay lại luôn được ngành du lịch thành phố chú trọng. Trong đó, một mặt bảo tồn, lưu giữ, phát huy các công trình di sản lịch sử, văn hóa; mặt khác tìm cách khai thác, tận dụng, phát triển các giá trị quý báu ấy đi cùng nhu cầu, thị trường du lịch để đánh thức mạch ngầm của văn hóa bản địa. Vấn đề là từ giá trị ấy, bằng cách nào để tạo nên các trị giá tương xứng thông qua các dịch vụ, chương trình, sản phẩm chất lượng, độc đáo.
Để từ đó, bên cạnh việc đang nỗ lực phục dựng, tôn tạo, chỉnh trang nhiều công trình văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng dân gian trong ý thức “tôn trọng và bảo vệ di sản” thì những cách tiếp cận có tính Mở như với tour tham quan tòa nhà trụ sở UBND TP là một cách làm hay, có ý nghĩa “đánh thức” - kết nối cao.
Những ngày tháng Tư, khi người viết bài tìm đến điểm “Ký ức Biệt động Sài Gòn” trên đường Trần Quang Khải, bạn hướng dẫn viên đã kể lại rằng, trong các du khách tham quan, có cả con em của những vị từng là tướng, tá của chính quyền Sài Gòn. Khi hỏi họ vì sao lại đến đây, họ nói, vì đơn giản chúng tôi muốn tận mắt chứng kiến nơi mà cha ông chúng tôi từng sống, từng phục vụ. Có người lưu giữ cả những vật dụng, như cái máy đánh chữ trong văn phòng tổng thống Thiệu, rất hay. Tôi thích thành phố này, yêu sự thanh bình, cởi mở của nó. Thế thôi.
Để thấy, với ngành công nghiệp không khói, ở thành phố này, không chỉ khai thác giá trị di sản để… kiếm tiền, quy đổi thành trị giá; cũng không chỉ để lưu giữ và đánh thức những vùng ký ức văn hóa, nó còn là sự hàn gắn - hòa hợp lòng người, sau gần nửa thế kỷ.
Quốc Học