Khi dân chúng Sri Lanka đã cùng đường

Chia sẻ Facebook
12/07/2022 16:26:07

Sau nhiều tháng vật lộn với lạm phát cao, thiếu hụt hàng hóa thiết yếu, nhất là năng lượng, và những cuộc biểu tình ròng rã, ngày 9-7 hàng ngàn người dân Sri Lanka đã xông vào tận dinh thự của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa buộc ông từ chức.

Hàng ngàn người dân Sri Lanka đã tràn vào khu nhà ở của tổng thống trong ngày 9-7 - Ảnh: Reuters


Những cuộc biểu tình với quy mô khác nhau kéo dài suốt 3 tháng qua trước nhà ông Rajapaksa và một cảnh tượng như những thời đại cách mạng đã diễn ra hôm 9-7: nhà của cả tổng thống và thủ tướng Sri Lanka đều bị người biểu tình chiếm giữ.


Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cũng tuyên bố từ chức chỉ sau 2 tháng lên nắm quyền, thay cho anh trai của ông Rajapaksa là Mahinda.


Khủng hoảng "toàn tập"

Tuy nhiên, sự kết thúc của chính quyền "gia đình trị" Rajapaksa không hề hứa hẹn sẽ là sự chấm dứt cho những nỗi thống khổ mà dân chúng Sri Lanka đã phải chịu đựng suốt thời gian qua.

Ông Wickremesinghe, chỉ sau một tháng nhậm chức, từng nói nền kinh tế oằn mình vì nợ nần của Sri Lanka đã "sụp đổ" trên thực tế khi cả nước không còn tiền để nhập khẩu thực phẩm và năng lượng.

Trước đó Colombo đã tuyên bố vỡ nợ và tìm kiếm sự giúp đỡ của các láng giềng Trung Quốc, Ấn Độ cũng như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Hãng tin AP nói nhiều người Sri Lanka đã đứt bữa, trong khi nhiều cây xăng ở Colombo phải bố trí lính gác có vũ trang. Tổng nợ của chính phủ ước tính là 51 tỉ USD và nhà nước không còn khả năng trả lãi chứ đừng nói là vay thêm các khoản mới.

Du lịch, một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Sri Lanka đã gần như tê liệt vì dịch COVID-19, đồng rupee mất giá 80%, trong khi lạm phát vượt tầm kiểm soát - riêng với thực phẩm là 57%, theo dữ liệu chính thức. Không chỉ xăng dầu hay thuốc men, ngay cả sữa, dầu ăn, gas và giấy vệ sinh giờ cũng biến mất trong siêu thị.

Chương trình Lương thực Liên Hiệp Quốc (WFP) nói 9/10 các gia đình ở Sri Lanka đã đứt bữa, trong khi 3 triệu người đang nhận viện trợ nhân đạo. Các bác sĩ phải lên mạng xã hội kêu gọi đóng góp thiết bị y tế và thuốc men.

Số người Sri Lanka xin cấp hộ chiếu để ra nước ngoài tìm việc tăng vọt, trong khi nhân viên nhà nước được cho nghỉ thêm mỗi tuần một ngày suốt 3 tháng qua để có thêm thời gian kiếm cái ăn cho gia đình.

Giới chuyên gia nói cuộc khủng hoảng Sri Lanka không phải là một cú sốc tức thời, mà là hệ quả của nhiều năm tham nhũng và quản trị nhà nước sai lầm. Lẽ ra phải tìm cách tăng thu khi nợ nước ngoài tăng mạnh thì Tổng thống Rajapaksa lại thông qua khoản giảm thuế lớn nhất lịch sử đất nước (chính sách này đã được hủy bỏ nhưng chỉ sau khi các hãng tín nhiệm tín dụng đánh rớt hạng Sri Lanka).

Kiều hối của người Sri Lanka làm việc ở nước ngoài, thường ở mức 700 triệu USD/tháng, chỉ còn khoảng 230 triệu USD vào tháng 3-2022, khiến nguồn ngoại tệ càng thiếu trầm trọng.


Tương lai mờ mịt

Tới tháng 4-2021, ông Rajapaksa đột ngột cấm nhập khẩu phân bón hóa học với ý định xây dựng một nền nông nghiệp hoàn toàn hữu cơ khiến năng suất lúa, loại lương thực chính của Sri Lanka, giảm mạnh, đẩy giá gạo tăng vọt.

Cuộc chiến Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022 khiến giá dầu và lương thực điên đảo càng làm tình hình thêm căng thẳng. Tháng 5, tháng gần nhất có số liệu, lạm phát ở mức 40% so với cùng kỳ năm 2021.

Colombo đã phải chạy vạy khắp nơi cho tới khi dân chúng tràn vào nơi ở của tổng thống. Ấn Độ cung cấp cho Sri Lanka khoản vay khẩn cấp trị giá 4 tỉ USD hồi tháng 5. Sri Lanka cũng đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ Trung Quốc, trong khi các nước Mỹ, Nhật Bản và Úc đã cho họ vay tạm những khoản vài trăm triệu USD.

Theo luật Sri Lanka, Nghị viện nước này sẽ chọn một nghị sĩ lên làm tổng thống tạm quyền trong vòng 1 tháng sau khi tổng thống đương nhiệm từ chức. Nhưng ở thời điểm ngặt nghèo này, dù ai sẽ thay ông Rajapaksa, những ngày thử thách nhất với Sri Lanka vẫn đang còn phía trước.


"Sri Lanka gửi gắm những hy vọng cuối cùng vào IMF", một tít báo của tờ Colombo Times hồi tháng 6 viết. Trước biến cố ngày 9-7, chính quyền Sri Lanka đang thương lượng với IMF về một khoản cứu trợ mà ông Wickremesinghe nói ông hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận sơ bộ vào mùa hè năm nay.

Đầu tháng 6, Liên Hiệp Quốc cũng đã phát đi kêu gọi hỗ trợ Sri Lanka nhưng tới giờ các khoản đóng góp vẫn rất ít ỏi so với khoản tiền 6 tỉ USD ước tính Colombo sẽ cần để duy trì nền kinh tế trong 6 tháng tới.

Ngày 9-7, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe xác nhận ông sẽ từ chức giữa sức ép chính trị và làn sóng biểu tình khi nước này chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế.

Chia sẻ Facebook