Khi các sếp thành chủ nợ cho nhân viên trả góp: Xu thế mới của những công ty tử tế thời bão giá

Chia sẻ Facebook
22/11/2022 08:50:16

“Chúng tôi làm kinh doanh nên thừa hiểu rằng giúp đỡ nhân viên của mình sẽ nhận lại được lợi ích gấp 10 lần”, bà Janet Leighton của hãng Timpson-Anh nhận định.


Giám đốc hạnh phúc

Tại hãng sửa giày Timpson-Anh có một chức vụ gọi là “Giám đốc hạnh phúc” do bà Janet Leighton đảm nhiệm. Nhiều người lầm tưởng rằng bà Leighton sẽ chịu trách nhiệm tư vấn hạnh phúc, tâm lý cho người lao động nhưng thực tế thì vị giám đốc này phải dành 1/3 thời gian mỗi tuần để đàm đạo về tài chính với các nhân viên.

“Tôi không phải là một nhà tư vấn tài chính nhưng ít ra tôi hiểu về việc lên kế hoạch chi tiêu cũng như tình hình của mọi người trong công ty”, bà Leighton cho biết.

Vị trí của bà Leighton được dựng lên từ năm 2018 và đang trở nên ngày càng quan trọng với nhân viên trong công ty, nhất là tại bối cảnh vật giá leo thang tại Anh như hiện nay. Ví dụ như một trường hợp mua xe cho nhân viên, hãng Timpson đã thanh toán 1.990 Bảng còn bà Leighton lên kế hoạch để người lao động này trả góp trừ vào lương trong 12 tháng.

“Công ty chúng tôi không muốn nhân viên gặp khó khăn tài chính để rồi đi vay nặng lãi hay suy giảm năng suất do lo nghĩ về các khoản nợ. Nếu nhân viên gặp khó khăn thì chúng tôi muốn biết ngay bởi công ty kỳ vọng họ dồn tâm trí cho việc phục vụ khách hàng hiệu quả nhất. Doanh nghiệp sẽ phải tạo điều kiện cho họ làm được điều đó và đặc biệt hơn, chúng tôi làm kinh doanh nên thừa hiểu rằng giúp đỡ nhân viên của mình sẽ nhận lại được lợi ích gấp 10 lần”, bà Leighton trần tình.

Hãng Timpson cho biết họ đã cho vay khoảng 450.000 Bảng với lãi suất 0% cho 5.000 nhân viên, đồng thời phát ít nhất 50.000 Bảng phiếu quà từ đầu năm đến nay nhằm hỗ trợ người lao động có thể yên tâm làm việc.

Doanh nghiệp này cũng tham gia chia sẻ hóa đơn tang lễ cho nhân viên có người thân qua đời, thưởng cho những người đạt được các mốc thành tích trong cuộc đời họ như từ bỏ hút thuốc thành công, cưới hỏi, có bằng lái xe hay thậm chí các chi phí thuế má nếu gặp khó khăn.

Tất nhiên với một chế độ phúc lợi tốt và được hỗ trợ nhiều về tài chính như vậy thì mức lương mà các lao động nhận được tại Timpson sẽ không quá cao, bình quân vào khoảng 20.000-23.000 Bảng/năm. Dẫu vậy văn hóa trợ giúp lẫn nhau như một gia đình tại Timpson lại đang nhận được sự thỏa mãn từ chính đội ngũ nhân viên của họ.

Trên thực tế, tình hình bão giá tại Anh đang khiến ngày càng nhiều công ty làm như Timpson khi đầu tư chăm lo cho nhân viên của mình. Tờ Financial Times (FT) cho biết nhiều hãng thậm chí đã chia sẻ tiền điện thoại, hóa đơn điện nước hay cho vay không lấy lãi nhằm hạn chế nhân viên dính vào các đường dây cho vay nặng lãi.


Lan rộng

Không riêng gì tại Anh, khảo sát của Bank of America cho thấy 97% chủ doanh nghiệp ở Mỹ cảm thấy cần có trách nhiệm với tình hình tài chính của nhân viên trong công ty, cao hơn nhiều so với mức 41% năm 2013.

Nếu trước đây khi một nhân viên gặp khó khăn tài chính thì cùng lắm vấn đề sẽ chỉ dừng ở phòng nhân sự, thế nhưng ngày nay thì chuyện này đã trở thành vấn đề được hội đồng giám đốc đưa ra thảo luận.

Tờ FT nhận định đại dịch Covid-19 cũng như tình hình kinh tế hậu dịch đã khiến nhiều công ty ngày càng phải theo dõi sát sao sức khỏe thể chất lẫn tâm lý của người lao động hơn bao giờ hết. Nhiều hãng đã cung cấp các khóa học online về thể chất, thiền, cân bằng cuộc sống hay cách chăm trẻ cho nhân viên của mình nhằm đối phó với các khó khăn hậu dịch của người lao động.

Với đà lạm phát nhanh hơn mức tăng lương thì việc mỗi ngày phải quan tâm đến giá lương thực, nhu yếu phẩm càng trở nên đau đầu với người lao động. Rất nhiều người đã phải xin ứng trước lương, đi vay bạn bè hay thậm chí là vay nặng lãi.

Báo cáo của “Money and Pension Services” (MPS) thuộc Cục an sinh xã hội Anh cho thấy hơn 11 triệu lao động nước này đang lâm vào cảnh khó khăn tài chính và nợ nần. Khoảng 14% số lao động Anh không có tiền tiết kiệm và 19% có tích trữ chưa đến 500 Bảng.

“Rất nhiều lao động hiện đang đối mặt với cảnh đi làm tối mặt nhưng lương thì ít còn gia đình thì có con nhỏ. Những việc đơn giản như xe hỏng hay cần mua mới thiết bị gia dụng cũng có thể khiến họ lâm vào cảnh nợ nần, khó khăn hoặc thậm chí là đẩy dần đến vỡ nợ”, báo cáo ghi rõ.


Tùy tâm

“Với mức lương thấp thì người lao động rất khó để sống thời bão giá. Bởi vậy chúng tôi luôn cố găng nâng lương cho nhân viên nhưng điều này lại phải phụ thuộc vào khách hàng cũng như tình hình kinh doanh. Nếu công ty không thể nâng lương thì chúng tôi cũng sẽ cố gắng có các phương pháp hỗ trợ linh hoạt khác”, CEO Phil Bentley của Mitie-Anh nhận định.

Hãng Mitie đã phát động chương trình hỗ trợ trị giá 10 triệu Bảng Anh cho các nhân viên lương thấp của họ. Ngoài ra công ty cũng phát các phiếu mua hàng, đồng thời chia sẻ tiền hóa đơn cho những người gặp khó khăn về tài chính trong doanh nghiệp.

Thậm chí Mitie đã hợp tác với các hãng tài chính điện tử (Fintech) như Salary Finance hay Wagestream để giúp người lao động dễ thở hơn. Kể từ năm 2017, hãng đã phát hành chương trình cho nhân viên vay nợ thông qua Salary Finance và khoảng 10.000 hợp đồng vay đã được thực hiện với tổng giá trị 25 triệu Bảng. Nhờ đó, đội ngũ nhân viên của Mitie đã tiết kiệm được khoảng 3 triệu Bảng tiền lãi nếu đi vay từ các tổ chức tín dụng khác.

“Khó khăn tài chính không phải là vấn đề gì mới khi mọi người ngày nay không có thói quen tiết kiệm, nhất là giới trẻ”, CEO Asesh Sarkar của Salary Finance nói.


Khó xử

Ở chiều hướng ngược lại, việc các nhân viên tiết lộ quá nhiều thông tin về tình hình tài chính có thể tạo nên sự khó xử trong công ty, khi người sếp trở thành chủ nợ. CEO Caroline Siarkiewicz của MPS nhận định nhiều người lao động sợ bị phán xét khi nhờ đến sự giúp đỡ của công ty, đồng thời không muốn chuyện riêng của gia đình bị bộc lộ ra ngoài, qua đó ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc.

Bên cạnh đó, với nguồn tài chính có hạn, công ty sẽ lâm vào rủi ro tỵ nạnh, ghen ghét lẫn nhau khi chọn giúp đỡ nhân viên này nhưng lại từ chối với trường hợp khác.

Một rủi ro khác là dù không nhiều lao động muốn phải vay nợ nhưng có rất nhiều trường hợp có làm việc chăm chỉ đến mấy cũng khó lòng thanh toán hết tín dụng. Khảo sát của hãng tư vấn Willis Towers Watson cho thấy gần 40% số lao động có thu nhập hơn 100.000 USD/năm tại Mỹ đang lâm vào cảnh cuối tháng hết tiền, cao gấp đôi so với thời điểm năm 2019.

*Nguồn: FT

Chia sẻ Facebook