Khi bạn có thể thanh toán mọi thứ trong chiếc điện thoại
"Những con số về chuyển đổi số ngành ngân hàng đưa ra cách nay vài năm, tôi không bao giờ nghĩ đến nhưng đã đạt được. Đó là tỉ lệ người trưởng thành mở tài khoản đạt đến 68%. Ước mơ của tôi là đưa tất cả dịch vụ lên mobile".
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng đã nói như trên tại hội thảo - triển lãm chủ đề "Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt" diễn ra chiều 17-6 ở khách sạn Lotte (Hà Nội).
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Ngày không tiền mặt năm 2022 do Vụ Thanh toán (NHNN) và báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Tất cả trong chiếc điện thoại
Theo ông Phạm Tiến Dũng, nhiều ngân hàng (NH) có giao dịch trên kênh số đạt 90%, giúp tiết giảm chi phí rất lớn. "Chuyển đổi số ngành NH có tác động tích cực tới tất cả các ngành kinh tế, trong mọi lĩnh vực đời sống. Nhưng để làm chuyển đổi số cần sự hỗ trợ của tất cả các ngành và các lĩnh vực như an ninh bảo mật, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…" - ông Dũng nhận định.
Không riêng ông Phạm Tiến Dũng, lãnh đạo nhiều NH tham gia hội thảo cũng bày tỏ mong muốn như vậy. Ông Nguyễn Văn Hảo, phó tổng giám đốc NH Phát triển TP.HCM (HDBank), cho biết kỳ vọng vào hội thảo Ngày không tiền mặt trong năm tới sẽ chỉ có một điện thoại và dùng thẻ ảo, không cần thẻ vật lý nữa.
Theo ông Hảo, việc thúc đẩy không dùng tiền mặt phải gắn với chuyển đổi số. "Thực tế tại HDBank, chuyển đổi số đã được áp dụng trong nhóm khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, dịch vụ công. Tuy vậy, với vùng nông thôn, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt còn khó khăn", ông Hảo cho biết.
Trong khi đó, bà Đặng Tuyết Dung, giám đốc quốc gia Visa Việt Nam - Lào, cho biết những năm gần đây tỉ lệ người dân sử dụng cùng một lúc rất nhiều hoặc một trong các phương thức không dùng tiền mặt như thẻ hay ví trên mobile… rất cao, trung bình khoảng 93%, trong đó VN đạt tỉ lệ 95%, Singapore khoảng 97%, Malaysia là 96%.
"Với VN, tỉ lệ tiếp cận Internet, smartphone rất cao là lợi thế, tác động vào hành vi người tiêu dùng chuyển đổi sang không dùng tiền mặt", bà Dung nói.
Thực hiện hàng loạt chuyển đổi số trong thời gian qua, đại diện Nam A Bank cho hay NH này mong muốn các sản phẩm dịch vụ ứng dụng công nghệ của Nam A Bank nói riêng và các NH bạn nói chung sẽ góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng và nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của thanh toán không tiền mặt.
Qua đó, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại các đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ NH cho nền kinh tế.
Ông Lê Anh Dũng, phó vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, khẳng định NHNN luôn coi cải cách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là nhân tố quan trọng trong chuyển đổi số của ngành nhằm gia tăng trải nghiệm cho người dùng, đảm bảo an ninh an toàn lợi ích cho người dân…
Từ nay đến năm 2030, NHNN đặt ra mục tiêu 50 - 70% nghiệp vụ NH cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 50 - 80% người trưởng thành sử dụng dịch vụ có tài khoản NH…
Với vai trò là cơ quan truyền thông, báo Tuổi Trẻ xác định sẽ cùng chung tay góp thêm những viên gạch vào mục tiêu chung là xây dựng một nền móng vững chắc cho chiến lược thanh toán không dùng tiền mặt quốc gia.
Ông Lê Thế Chữ (tổng biên tập báo Tuổi Trẻ)
Chất xúc tác thúc đẩy không tiền mặt
Một trong những "vùng trũng" của thanh toán không tiền mặt những năm qua là khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Thế nhưng, tình hình đã khác. Ông Từ Tiến Phát - tổng giám đốc ACB - cho hay NH có mạng lưới rộng ở vùng nông thôn, đặc biệt là ở ĐBSCL.
Cách đây 3 năm tỉ lệ sử dụng tài khoản, NH điện tử ở vùng này rất nhỏ khi đến từng nhà, từng người mời sử dụng dịch vụ, nay tỉ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) khu vực này lên tới 22%.
"Tiềm năng nhất là eTAX nhưng tỉ lệ người dân biết đến và sử dụng dịch vụ này chưa cao, do vậy sẽ là cơ hội cho các NH mở rộng dịch vụ.
Tôi cũng mong muốn ngành thuế mở rộng kết nối hơn nữa với các NH để phát triển dịch vụ này. Bên cạnh đó, dữ liệu quốc gia về dân cư cũng được mong đợi để phát triển dịch vụ thanh toán", ông Phát nói.
Ông Nguyễn Minh Tâm - phó tổng giám đốc Sacombank - cho biết với ngành NH, giao dịch thanh toán qua thiết bị di động tăng cao, góp phần thúc đẩy giao dịch qua online ở nhiều NH lên tới 90%.
Ngay cả vùng nông thôn hoặc khu công nghiệp lên tới 98%, còn cao hơn đô thị. "Việc thanh toán hiện nay là phổ biến và thích ứng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ cập" - ông Tâm nói.
Cũng theo ông Tâm, ở Sacombank, tốc độ thanh toán qua thương mại điện tử tăng rất cao sau đại dịch.
Trả lời câu hỏi Sacombank "đón gió" thế nào đối với một loạt chính sách, định hướng, ông Tâm cho hay: "Chúng tôi đã chuẩn bị những nền tảng phát triển, những dịch vụ, sản phẩm trên online đã sẵn sàng".
Ông Tâm cũng bày tỏ mong muốn mở rộng với các dịch vụ thanh toán công, đồng thời đề nghị nên đổi mới theo hướng thay đổi từ thí điểm chuyển sang đặt ra các tiêu chuẩn là cơ sở nào có thể đáp ứng, có thể thực hiện tốt…
"Chúng tôi hào hứng chờ và sẵn sàng chia sẻ thông tin về kết nối, thanh toán xuyên quốc gia để tạo hội nhập tốt hơn", ông Tâm bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Đăng Hùng - phó tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia VN (NAPAS), để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, NAPAS phối hợp với các NH thương mại phát triển thẻ tín dụng nội địa.
Từ năm 2020, việc đẩy mạnh cấp thẻ tín dụng nội địa tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân tiếp cận vốn NH và tránh xa tín dụng đen. "Điện thoại thông minh là chất xúc tác để đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt như mở tài khoản NH, tài khoản mobile money", ông Hùng nói.
Trong thách thức là cơ hội
Ông Lưu Trung Thái - phó chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc MBBank - cho hay trong bối cảnh "không bình thường" khi COVID-19 diễn ra, MB nhìn thấy yêu cầu tăng trải nghiệm online rất nhanh, khách hàng không muốn đến NH mà muốn có thêm các trải nghiệm.
Môi trường cạnh tranh khốc liệt của ngành NH đặt ra yêu cầu MB phải chuyển đổi số và tăng tốc mạnh mẽ. Năm 2021, tại MB đã có trên 93% giao dịch qua chuyển đổi số.
"Thách thức đặt ra trong chuyển đổi số là các vấn đề liên quan đến lãnh đạo, nhân sự, công nghệ, cạnh tranh.
Việc chuyển đổi số là đầu tư với quy mô lớn, nhưng doanh thu và lợi nhuận tạo ra lại là câu hỏi rất lớn, trong khi dịch vụ cơ bản miễn phí nên bao giờ tạo ra hiệu quả thực sự là rất khó" - ông Thái nói và cho biết MB liên tục triển khai dự án nhưng quan niệm coi chuyển đổi số là quá trình chứ không phải là dự án.
Về lĩnh vực thuế, theo ông Đặng Ngọc Minh - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, một số nội dung về triển khai dịch vụ thuế điện tử gồm khai nộp thuế, hoàn thuế và các chương trình hóa đơn điện tử hiện nay đã hỗ trợ trực tiếp cho việc không dùng tiền mặt của người dân, doanh nghiệp.
Tổng cục Thuế đã phối hợp với 55 NH thương mại (đã hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế) và 63 cục thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ.
Bà Trần Thị Huệ, phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước VN, cũng cho hay một mục tiêu quan trọng của Kho bạc Nhà nước là kho bạc không tiền mặt. Giao dịch thu chi qua hệ thống kho bạc mỗi năm khoảng 3,4 triệu tỉ đồng.
Với việc phối hợp với các NH và phát triển hạ tầng thanh toán nên hiện hơn 99% giá trị giao dịch thu và chi đều không dùng tiền mặt, qua đó giúp tạo thuận lợi cho người dân.
Trả lời câu hỏi sau 6 tháng chính thức triển khai dịch vụ mobile money nơi này đã nhận phản hồi như thế nào? Ông Ngô Diên Hy - phó tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN - cho hay VNPT là một trong ba nhà mạng đã được cấp phép thí điểm dịch vụ mobile money.
Đây là dịch vụ được xem là cánh tay nối dài của NH. Sau 6 tháng đã có hơn nửa triệu tài khoản mobile money được mở với 2.400 điểm nạp tiền, 2.100 điểm chấp nhận thanh toán dịch vụ, trong đó chủ yếu là dịch vụ thiết yếu như điện, nước, dịch vụ công, học phí…
Cần nâng hạn mức cho tài khoản mobile money
Theo ông Ngô Diên Hy, VNPT đã phần nào đạt được kỳ vọng ban đầu khi triển khai dịch vụ mobile money, đặc biệt là việc tiếp cận khách hàng ở phân khúc mới.
Tuy nhiên, ông Hy đề xuất cần nâng hạn mức thanh toán cho tài khoản mobile money. Thực tế, hiện có khoảng 40% tài khoản mobile money được mở ở khu vực đô thị. Nên với chi tiêu của gia đình để thanh toán dịch vụ điện, nước… hằng tháng thì số tiền này là không đủ.
* Bà Nguyễn Thị Hồng (thống đốc NHNN VN):
Mang lại nhiều lợi ích thiết thực
Suốt 4 năm tổ chức, sự kiện Ngày không tiền mặt luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, sự hợp tác của các cơ quan báo chí, truyền thông, các ngân hàng, doanh nghiệp liên quan và sự hưởng ứng của đông đảo người dân, công chúng.
Sự kiện này đã khẳng định được dấu ấn, tạo sức lan tỏa rộng, qua đó đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tuyên truyền tới công chúng về thanh toán không dùng tiền mặt. Thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử là xu hướng phát triển chủ đạo tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Tại VN, các ngân hàng đã ưu tiên đầu tư nguồn lực để tập trung chuyển đổi số trước do giao dịch thanh toán, vốn chiếm phần lớn trong các giao dịch ngân hàng, thanh toán liên quan mật thiết tới cuộc sống thường nhật, thiết yếu của người dân.
Đây cũng là cửa ngõ để kết nối thuận tiện với các dịch vụ, nghiệp vụ ngân hàng - tài chính khác như tiền gửi, tiết kiệm, vay vốn, bảo hiểm, quản lý tài chính cá nhân… và cả những dịch vụ ngoài ngân hàng như gọi xe, vé xem phim, đặt nhà hàng/tour du lịch, dịch vụ y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe…
Từ những nỗ lực của toàn ngành, hoạt động chuyển đổi số ngân hàng thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là hoạt động thanh toán, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
* Trung tướng Tô Văn Huệ (cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an):
Rút, nạp và chuyển tiền bằng thẻ căn cước công dân
Bộ Công an đã chính thức cấp hơn 64 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử cho công dân VN.
Gần đây nhất, Bộ Công an đã nghiên cứu các thiết bị để có thể ứng dụng thẻ căn cước công dân vào các hoạt động của ngành ngân hàng như xác thực chủ thẻ căn cước công dân tại quầy thông qua thiết bị đối sánh sinh trắc học có trong thẻ căn cước công dân gắn chip với sinh trắc học của chủ thẻ.
Người dùng có thể sử dụng thẻ căn cước công dân để rút tiền, nạp tiền vào tài khoản ngân hàng tại máy ATM và thực hiện một số giao dịch, thanh toán tại các ATM…
Để ngày càng đem lại nhiều tiện ích cho người dân, đặc biệt là trong công tác phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, NHNN và các đơn vị liên quan nghiên cứu cấp tài khoản an sinh xã hội gắn liền với cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân để hỗ trợ chi trả nhanh chóng.
Phải duy trì niềm tin của người tiêu dùng
Bà Winnie Wong - chủ tịch Amcham VN, giám đốc quốc gia tại VN, Campuchia và Lào của Mastercard - cho biết khi phân tích thói quen giao dịch tại khu vực Đông Nam Á, Mastercard thấy rằng từ trước khi dịch COVID-19 xảy ra, thanh toán không tiền mặt, thanh toán điện tử của VN và khu vực Đông Nam Á đã phát triển mạnh do đặc điểm dân số trẻ, am hiểu và yêu thích công nghệ.
Tuy nhiên, một điểm mấu chốt để phát triển thanh toán không tiền mặt là phải làm sao duy trì niềm tin của người tiêu dùng vào thanh toán điện tử.
Với tư cách là đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán, Mastercard có thể trợ giúp đối tác nâng cao an ninh để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Việc thanh toán không chỉ nằm trong tầm quản lý của Ngân hàng Nhà nước mà còn có sự tham gia của nhiều bộ ngành như Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông.
Trong khu vực châu Á, Mastercard cũng thường xuyên hợp tác với các chính phủ để nâng cao công nghệ, an ninh an toàn trong hoạt động thanh toán.
Ông Lê Thế Vinh - đại diện lãnh đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TT& cho hay để thúc đẩy thanh toán số trong năm 2021, Bộ TT&TT đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước VN cấp phép cho 3 doanh nghiệp viễn thông triển khai thí điểm mobile money.
Năm 2022, mục tiêu là đưa toàn bộ hoạt động người dân lên môi trường số nên dự kiến có hơn 180.000 điểm giao dịch phổ cập đến hơn 100% xã phường cả nước.
Cũng theo ông Vinh, đi đôi với sự phát triển của thanh toán cũng xuất hiện những rủi ro, mất an toàn với số lượng phạm tội ngày càng tăng, phương thức phạm tội ngày càng đổi mới, tinh vi hơn, mang tính có tổ chức hơn và gây ra thiệt hại ngày càng nghiêm trọng hơn.
Những vấn đề đó trở thành nguy cơ đe dọa sự phát triển lành mạnh, ổn định của thị trường thanh toán số của VN nói riêng.
"Các vụ việc này có thể làm giảm niềm tin của khách hàng với hệ thống ngân hàng, dẫn đến nhiều tác động tiêu cực. Các sự cố chủ yếu đến từ nhận thức an toàn thông tin của người dân chưa cao, ví dụ hay click vào đường link lạ, không phân biệt được web sử dụng...
Các ngân hàng cần khuyến nghị cho khách hàng và bổ sung các công nghệ mới để phát hiện các gian lận. Bộ TT&TT cũng đã liên tục phát hiện, đưa ra các khuyến cáo.
Tuy nhiên, tất cả các biện pháp không thể thành công nếu khách hàng không nâng cao nhận thức, vì thế các ngân hàng cần giáo dục, nâng cao nhận thức đầy đủ về an toàn thông tin...", ông Vinh đề nghị.
Chuyến xe không tiền mặt
Nằm trong chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt 2022, ngày 19-6 tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội), sự kiện Chuyến xe không tiền mặt sẽ khai mạc vào lúc 8h30, cùng hoạt động sân khấu với nhiều trò chơi hấp dẫn thu hút giới trẻ.
Sau lễ khai mạc, đoàn xe sẽ bắt đầu hành trình 15 ngày dọc theo chiều dài của đất nước, ghé thăm Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa trước khi về đến TP.HCM vào ngày 3-7, kết thúc chuyến hành trình mang đến trải nghiệm không tiền mặt cho những vùng đất xa của mọi miền Tổ quốc.
Tại các điểm dừng, đoàn xe sẽ giới thiệu các công nghệ thanh toán mới một cách dễ hiểu thông qua việc trình chiếu các clip quảng bá ngắn hoặc cho khách được trải nghiệm thực tế sự tiện lợi của việc thanh toán không tiền mặt.
Chuyến xe sẽ gồm một xe tải có màn hình LED để trình chiếu clip và hai xe gian hàng di động phục vụ cho việc trải nghiệm của những người quan tâm. Việc trình chiếu trên đường phố của đoàn xe sẽ bắt đầu từ ngày 18-6 vào lúc 9h quanh các tuyến phố quen thuộc của thủ đô Hà Nội và dừng chân tại các điểm đông người qua lại.
Q.HUÂN
Những thách thức về hạ tầng, bảo mật cũng như nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt là vấn đề được nêu ra.