Khen thưởng sao cho đúng: Thể thao, năng khiếu bị xem nhẹ
Khen thưởng trong trường học hiện nay hầu như chỉ dồn vào những môn học kiến thức khiến những môn thiên về hoạt động, kỹ năng như thể thao, năng khiếu bị xem nhẹ.
Theo các giáo viên, "bên trọng bên khinh" giữa các môn học trong khen thưởng dẫn đến học sinh chạy theo các môn học kiến thức mà bỏ qua những môn thể chất, năng khiếu không kém phần quan trọng trong phát triển hài hòa về trí tuệ và thể chất.
Đáng nói là trong lớp không có bạn nào được tuyên dương hát hay, vẽ giỏi, công nghệ tốt, chơi thể thao cừ... mà chỉ thấy toàn học sinh giỏi.
Chị Nguyễn Thị Giang (phụ huynh có con đang học lớp 7 tại TP.HCM)
Không bạn nào được tuyên dương hát hay, vẽ giỏi
Chị Nguyễn Thị Giang - phụ huynh có con đang học lớp 7 tại TP.HCM - kể cuối tuần qua chị họp phụ huynh cho con và nhận được thông báo từ cô giáo chủ nhiệm: "Lớp chúng ta có 30/33 học sinh đạt học sinh giỏi. Bạn hạng nhất lớp đạt điểm tổng kết 9,9...".
"Số học sinh khá chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại là học sinh giỏi. Nhưng đáng nói là trong lớp không có bạn nào được tuyên dương hát hay, vẽ giỏi, công nghệ tốt, chơi thể thao cừ... mà chỉ thấy toàn học sinh giỏi. Tôi thấy điều này có vẻ gì đó sai sai, chẳng lẽ học sinh của chúng ta đều xuất sắc toàn diện và một màu đến thế", chị Giang nói.
Ở góc độ người mẹ thích cho con tham gia hoạt động xã hội, chị Phan Nguyễn Thảo Nguyên - phụ huynh có con học tiểu học - cũng kể: "Con tôi năm nay học lớp 5. Gần 5 năm học, tôi đi họp phụ huynh chỉ thấy thông báo cả lớp gần như là học sinh giỏi, không thấy học sinh nào được khen ngợi về vẽ, thể thao...
Trường học còn ít hoạt động xã hội. Học sinh không được khuyến khích, động viên học tập theo sở trường các môn năng khiếu, nghệ thuật, thẩm mỹ bên cạnh việc đảm bảo các môn kiến thức", chị Thảo Nguyên chia sẻ.
Cùng tâm trạng, chị Nhi - phụ huynh có con trai học lớp 8 rất thích bóng đá và các môn thể thao khác - chia sẻ: "Con tôi đam mê và có năng khiếu, khả năng trong môn bóng đá nhưng 8 năm học chưa có một hoạt động nào tôn vinh học sinh giỏi các môn thể thao cả.
Thành thử bây giờ con lao vào học các môn kiến thức để tranh thứ hạng trong lớp với các bạn, coi hoạt động thể dục thể thao là giải trí ngoài nhà trường", chị Nhi cho biết.
Một giáo viên bậc THCS hơn mười năm trong nghề xác nhận tình trạng "lạm phát" học sinh giỏi và khen thưởng "một chiều" diễn ra ở không ít trường học hiện nay. "Lớp tôi chủ nhiệm cũng chỉ có vài em học sinh khá, còn tất cả đều là học sinh giỏi.
Thực ra, việc nhiều học sinh giỏi toàn diện như vậy không thực chất chút nào nhưng lớp nào cũng vậy nên các lớp chạy đua điểm cho học sinh".
Thầy giáo này nói và cho biết với bậc THCS, việc học sinh đạt điểm cao trên 10 môn học dường như bất khả thi. Nên để có "con số đẹp" trong tỉ lệ học sinh giỏi nhiều khi xảy ra tình trạng châm chước điểm số ở những môn mà học sinh yếu hơn để học sinh có giấy khen.
"Một số học sinh lớp tôi có thể chơi cầu lông tốt, chạy bộ giỏi, giỏi vẽ, hát hay... nhưng các em không được giấy khen về những lĩnh vực này mà chỉ nhận được giấy khen học sinh giỏi.
Do đó, việc khen hiện nay chưa mang ý nghĩa động viên, khuyến khích các em phát huy sở thích, năng lực ngoài học tập của học sinh", giáo viên này nói thêm.
Nên đánh giá thế mạnh từng môn học
Một cô giáo dạy thanh nhạc ở tiểu học cho biết trường cô dạy trước đây cũng có việc khen thưởng học sinh theo từng môn học dưới sự đề xuất của giáo viên chủ nhiệm. Nhưng thực tế học sinh chỉ được khen ở thành tích học tập các môn toán, tiếng Việt, và chưa có trường hợp nào được khen về nhạc, họa, thể dục...
"Nhà trường trao quyền này cho giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm chỉ đề xuất khen học sinh ở môn mình dạy và coi các môn như nhạc, vẽ, thể dục... là những môn phụ. Chưa có học sinh nào được khen các môn này và tôi cũng chưa được giáo viên nào hỏi em nào hát hay, có tiến bộ trong các môn này để khen thưởng cả", cô giáo này tâm tư.
Theo thầy Võ Kim Bảo - giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, quận 1 (TP.HCM), khen thưởng hiện nay chưa phù hợp với thuyết đa trí tuệ và quan điểm giáo dục mới vì việc khen thưởng hiện nay vẫn chủ yếu yêu cầu học sinh phải giỏi tất cả các môn học.
Cách đánh giá đó thậm chí dẫn đến việc nhiều phụ huynh rất thích con có danh hiệu học sinh giỏi 9 năm liền. Điều này chưa hợp lý vì mỗi người có một ưu điểm riêng cũng như có thể còn một vài môn học không thể vượt trội được.
"Tôi thấy ở nước ngoài áp dụng khen thưởng học sinh dựa trên việc đánh giá thế mạnh của học sinh về từng môn học, chúng ta cũng có thể cân nhắc áp dụng. Vì thông qua việc đánh giá học sinh dựa trên thế mạnh các môn học, học sinh sẽ được khuyến khích, tin tưởng và có thể phát huy được nhiều khả năng của mình hơn.
Còn đối với những học sinh giỏi nhiều môn, giỏi toàn diện nhà trường cũng trao danh hiệu học sinh giỏi toàn diện cho các em - khiến giấy khen sẽ có giá trị hơn và hợp lý hơn.
Ngoại trừ những thành tích từ các hội thi, cuộc thi, việc áp dụng khen thưởng trong từng lớp học, với từng học sinh đều nên đi từ giáo viên bộ môn lên.
Giáo viên bộ môn sẽ đề xuất dưới sự giám sát của nhà trường để biết thế mạnh của từng học sinh sẽ khiến việc khen thưởng thực chất, hợp lý và đúng tinh thần khen thưởng, vinh danh, khuyến khích sự phát triển tốt nhất ưu thế, ưu điểm của học sinh", thầy Bảo đề xuất.
Thầy Huỳnh Thanh Phú (hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM):
Đa dạng hóa khen thưởng học sinh
Tôi cho rằng cần đa dạng hóa việc khen thưởng cho học sinh. Tại trường chúng tôi, việc khen thưởng đa dạng đã và đang được thực hiện khi học sinh được khen thưởng ở nhiều mặt như thể thao, tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, văn nghệ, tiếng Anh... bên cạnh các môn kiến thức.
Điều đó khích lệ học sinh rất lớn. Mới đây, trường cũng mới khen thưởng một trường hợp hai học sinh trong gương "người tốt việc tốt" khi các em giúp đỡ người tham gia giao thông bị tai nạn sau khi nhận tin báo và đã xác minh đó là đúng sự thật.
Tôi là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy ở một trường trung học phổ thông trong thành phố. Những gì đang diễn ra ở trường tôi giúp tôi không khó để trả lời câu hỏi tại sao có quá nhiều học sinh khá giỏi.