Khen thưởng học trò ở phương Tây hướng đến tính nhân văn

Chia sẻ Facebook
28/05/2022 06:17:53

Không phải không có lúc tôi mong con có thành tích, được nhà trường khen thưởng để có cái mà khoe trên mạng xã hội. Nhưng ở xứ này, những đứa trẻ như con nhà tôi thường không được khen thưởng hoành tráng trước toàn trường.

Khen thưởng ở Thụy Điển thường chỉ dành cho những học sinh vượt lên chính mình và lan tỏa năng lượng tích cực cũng như kết nối học sinh với nhau. Trong ảnh: niềm vui tốt nghiệp THPT của một học sinh gốc Việt tại Thụy Điển - Ảnh: THANH NGA


Gần như không có cái gọi là khen thưởng học sinh giỏi cấp trường, cấp thành phố ở Thụy Điển. Không phải nhà trường Thụy Điển không khuyến khích sự phấn đấu của các con. Nhưng tất cả những cái gì khơi gợi ganh đua đều được xem là không hợp với tinh thần giáo dục dân chủ, mọi người đều bình đẳng và hướng đến sự tiến bộ.


Ý nghĩa nhân văn của khen thưởng

Trường tiểu học của con trai tôi có phần thưởng cho bạn nào tiến bộ vượt bậc nhất trong năm học. Cả trường chỉ có một bạn thôi. Vì thế bạn được khen thưởng trước toàn trường với một tấm bằng khen đóng khung thật oách sẽ thường là bạn đã từ yếu kém vươn lên trung bình và khá giỏi.

"Mẹ nghĩ mà xem, nếu con toàn điểm A rồi lại tụt xuống có một điểm B thì có thể tổng kết cuối năm con vẫn được A. Nhưng như vậy là con tụt lùi chứ mẹ. Bạn ấy từ chỗ toàn điểm F, muốn bỏ học, không chịu đến trường, giờ bạn đã được điểm D, điểm C, đôi khi cả điểm A môn thủ công. Thật sự nỗ lực của bạn cần được khen hơn điểm A của con nhiều đó mẹ" - con trai nói.

Tôi cảm động vì con hiểu giá trị thực sự và ý nghĩa nhân văn của phần thưởng. Con thật sự vui, thật sự ngưỡng mộ nỗ lực và sự tiến bộ của bạn mình.

Khi con gái tôi chuyển đến một trường tiểu học công lập, nhà trường có một bức tường trên đó đóng khung ảnh của những bạn đã tốt nghiệp trung học cơ sở với thành tích xuất sắc nhất trường. Con đã rất tò mò và mong ước ảnh con sẽ ở trên bức tường đó sau 5 năm nữa.

Thế rồi qua một mùa hè, bức tường vinh danh học sinh tốt nghiệp xuất sắc nhất đã được thay bằng triển lãm tranh và tác phẩm điêu khắc của học sinh nhà trường. Tôi hỏi cô hiệu phó tại sao các bức ảnh học sinh điểm cao nhất không còn ở đó nữa. Cô giải thích với tôi rằng các tác phẩm hội họa và điêu khắc của các con chưa có chỗ nào xứng đáng để toàn trường chiêm ngưỡng. Các bạn học giỏi thì đã ra trường rồi. Thành tích của các bạn rất đáng nể, nhưng các bạn đã được biểu dương rồi. Các học sinh có tranh tượng triển lãm cũng cần chỗ để tự hào với tác phẩm của mình.


Giải thưởng "người bạn tốt"


Năm ngoái, con gái tôi tốt nghiệp với điểm số đứng đầu toàn trường. Vì COVID-19 nên các con không có lễ ra trường mà cô hiệu trưởng vào từng lớp chia tay với các con. Trước cả lớp, trước tất cả thầy cô và phụ huynh, cô chúc mừng các con và rất về tự hào tất cả các con. Cô nói các con có lý do thật chính đáng để liên hoan vì mùa hè tự do đã tới và vì bạn nào cũng đủ điều kiện để rời ghế nhà trường sang cấp trung học phổ thông. Cô cũng đề cập ngắn gọn là hai bạn ra trường với điểm số cao nhất đều ở lớp mình. Cô không nêu tên bạn nào, nhưng cả lớp bôm bốp vỗ tay chúc mừng nhau.

Trong lớp có bạn E. được cô trịnh trọng mời nhận giải thưởng Olweus - giải thưởng đặc biệt vì thành tích là một người bạn tốt. Đây là một giải thưởng rất phổ biến ở các nhà trường Thụy Điển nếu trường tham gia chương trình Olweus chống bắt nạt học đường. Chương trình này được đặt theo tên của tiến sĩ Dan Olweus, một giáo sư tâm lý ở Na Uy. Ông là người tiên phong trong nghiên cứu việc phòng chống bạo lực, bắt nạt học đường.

Các bạn nhỏ được học cách để trở thành những người bạn thân ái, không để bạn nào bị cô đơn, học lên tiếng bảo vệ bạn bè và nhắc nhở lẫn nhau để trở thành những người bạn tốt. Các con được dạy để nhận dạng nạn bạo lực và bắt nạt học đường, các cách để phòng chống và đồng thời học lên tiếng cảnh báo với cha mẹ thầy cô nếu các con phát hiện việc bắt nạt xảy ra để nó sớm được giải quyết triệt để.

Trong lời giới thiệu lý do tại sao phần thưởng Olweus được trao cho E., cô hiệu trưởng nói: "E. luôn quan tâm, yêu thương và giúp đỡ bạn bè. Nơi em tỏa ra hơi ấm của tình yêu thương chân thành mà em luôn dành cho tất cả những người quanh em, các bạn học cùng lớp, các em nhỏ khóa dưới, các bác lao công bảo vệ và các thầy cô. Em cũng không ngại góp ý với nhà trường để cải thiện chương trình Olweus. Với sáng kiến của E., băng ghế cô đơn trên sân trường đã được gọi là "chiếc ghế tình bạn". Bạn nào đến ngồi một mình trên ghế đó sẽ ngay lập tức được những bạn khác đến hỏi thăm xem bạn có cần một người ngồi cùng hay chơi cùng không". Lớp học của con vỡ òa trong tiếng vỗ tay không ngớt khi E. đứng lên nhận phần thưởng.

Giờ con gái tôi đã vào học trung học phổ thông. Trường con toàn các bạn học lực "khủng" nhất thành phố. Con gọi điện cho bà ngoại và hân hoan khoe: "Bà ơi, cháu đi học vui lắm. Tuy không giỏi đến mức kỳ cục như các bạn lớp cháu nhưng cháu học không tồi bà ạ. Cháu được bầu vào hội đồng học sinh và cháu chơi bóng đá Mỹ hằng tuần".


Học để trở thành người tử tế

Tuy không có giấy khen và bảng điểm để khoe thành tích của con trên mạng xã hội, tôi cũng không buồn. Tôi không mong gì hơn là con tôi yêu trường học và việc học. Tiêu chí học lực không phải là thứ quan trọng nhất để đánh giá các bạn nhỏ của chúng ta. Chúng ta vẫn thường mong rằng con cháu mình thành người, chứ không phải thành thợ học, robot học tập. Hãy cứ học để vượt lên chính mình, để tiến bộ không ngừng, để trở thành nguồn cảm hứng. Và quan trọng nhất là để trở thành một Người Tử Tế nhé, các bạn trẻ.


Để không "lạm phát" khen thưởng


Mùa kết thúc năm học cũng là mùa của khen thưởng. Hầu hết trường nào, lớp nào cũng gần như 100% được khen, dẫn đến "lạm phát" khen thưởng và khen thưởng bỗng nhiên trở thành... bình thường. Khen thưởng học sinh sao cho đúng cách là trăn trở của nhiều nhà làm giáo dục, nhiều nhà trường và thầy cô. Mời quý thầy cô, phụ huynh, học sinh và bạn đọc chia sẻ ý kiến, góc nhìn cũng như những gợi ý, giải pháp để việc khen thưởng đúng mục đích, tạo động lực cho học sinh. Bài cộng tác xin gửi về email [email protected]. Những bài được sử dụng sẽ được chấm nhuận bút theo quy định của báo Tuổi Trẻ.

Chị H.Anh, phụ huynh có con học lớp 5 một trường tiểu học ở quận Bình Tân, TP.HCM đến Tuổi Trẻ sau khi dự cuộc họp phụ huynh cuối năm.

Chia sẻ Facebook