'Khát' xăng dầu: La liệt tàu cá nằm bờ, người dân quay cuồng vì gánh nợ

Chia sẻ Facebook
18/09/2022 09:07:34

Các đầu mối cung cấp xăng, dầu nhỏ giọt khiến nhiều cửa hàng treo biển "hết xăng", hàng nghìn tàu cá nằm bờ. Trước tình hình cung ứng, kinh doanh xăng dầu hết sức khó khăn và cấp thiết, Cà Mau đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo.


Đầu mối cung cấp nhỏ giọt

Theo ghi nhận của PV, trong ngày 16/9, một số cửa hàng xăng dầu tại tỉnh Hậu Giang treo biển “hết xăng”. Sáng 17/9, trao đổi qua điện thoại với PV, đại diện Công ty TNHH T.H cho biết, lý do hết xăng là do nguồn hàng nhập về thiếu, công ty nhập từ nhiều đầu mối, nhưng hiện nay các đầu mối cũng khó khăn, thiếu hàng , có đầu mối ngưng cung cấp nên đang tìm đầu mối khác thay thế.

“Hôm nay cửa hàng cũng có hàng bán lại rồi, có hàng là bên tôi nhập về bán liền chứ không phải có mà không bán, mình đã cam kết với cơ quan nhà nước rồi nhưng do đầu mối họ ưu tiên cho hệ thống của họ nên bên tôi phải tìm nguồn khác”, đại diện công ty nói và cho biết cửa hàng hiện vẫn bán lỗ do chiết khấu thấp.

Lực lượng chức năng tỉnh Hậu Giang kiểm tra một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn.


Trao đổi với Tiền Phong, ông Huỳnh Thanh Phong - Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang - cho biết, bên cạnh những doanh nghiệp lớn có nguồn hàng ổn định thì trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số đơn vị xăng dầu tư nhân thiếu hàng cục bộ.

“Họ hết xăng là do thiếu từ đầu mối cung cấp, mà đầu mối thì ở nơi khác nên địa phương không có thẩm quyền. Trên địa bàn tỉnh, Sở cũng đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, nhắc nhở. Công ty họ cũng có cái khó và đang khắc phục, nếu cứng nhắc rồi xử phạt họ thì làm khó cho doanh nghiệp quá”, Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang cho hay.

Trước đó, ngày 13/9, Sở Công Thương Hậu Giang đã chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành khảo sát 35 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Kết quả kiểm tra cho thấy, có 4 cửa hàng xăng dầu treo bảng “hết xăng”, “hết dầu”. Đoàn kiểm tra tiến hành đo bồn và lập biên bản các doanh nghiệp có cam kết đến khoảng 18h chiều cùng ngày có xăng, xăng dầu bán trở lại.

Ngoài ra, có một cửa hàng xăng dầu vi phạm với các hành vi: Không niêm yết thời gian bán hàng; niêm yết giá bán hàng cao hơn giá quy định; 1 trụ bơm xăng 95-III không có niêm chì, hết hạn kiểm định từ tháng 5/2019 mà hoạt động bơm xăng bán cho khách hàng. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản ghi nhận các hành vi vi phạm và niêm phong trụ bơm chờ xử lý theo quy định…


Hàng nghìn tàu cá thiếu nhiên liệu

Tại Cà Mau, thời gian qua, các cửa hàng xăng dầu dầu chỉ được thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung ứng số lượng hạn chế để hoạt động cầm chừng, xảy ra tình trạng hết xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu nên chưa đảm bảo nhu cầu nhiên liệu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Một cửa hàng kinh doanh xăng dầu của Công ty cổ phần Thương nghiệp Cà Mau trên địa bàn TP. Cà Mau bị dừng hoạt động.

Đặc biệt, nguồn cung dầu diesel chưa đảm bảo để phục vụ cho gần 4.000 tàu thuyền đánh bắt thủy sản, phương tiện giao thông vận tải, sản xuất nông nghiệp, thi công công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, nhiều phương tiện không có nhiên liệu hoạt động, công trình xây dựng phải tạm dừng thi công, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Trước biến động của giá xăng dầu thế giới, mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 2 Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, nhưng giá dầu diesel trong nước hiện nay vẫn rất cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Do tình hình cung ứng, kinh doanh xăng dầu hết sức khó khăn và cấp thiết, UBND tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ trưởng Công Thương kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo có giải pháp điều hành giảm giá dầu diesel, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hạ chi phí sản xuất, nếu giá dầu tăng cao thì người dân, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, tàu thuyền không thể duy trì hoạt động đánh bắt, khai thác biển phải nằm bờ, hoạt động thu hoạch lúa bị đình trệ, các công trình, dự án xây dựng phải tạm dừng thi công...

Chỉ đạo các thương nhân đầu mối có giải pháp kịp thời đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho hệ thống phân phối, cũng như cung ứng cho các thương nhân phân phối xăng dầu, đảm bảo hoạt động kinh doanh xăng dầu thị trường nội địa ổn định, thông suốt.

Tại Kiên Giang, ông Trương Văn Ngữ - Phó Chủ tịch Hội nghề cá TP. Rạch Giá - cho biết, tỉnh hiện có khoảng 70% ngư dân vay vốn ngân hàng để đóng tàu, mua ngư cụ phục vụ cho việc khai thác thủy sản. Nếu mỗi chuyến đi mà không có lời thì người dân phải gánh thêm khoản nợ. Hội cũng nhiều lần có để xuất với các cơ quan, ban ngành của tỉnh về hỗ trợ vay vốn, giảm nợ cho ngư dân… nhưng tình hình giá dầu vượt khỏi tầm xử lý của các địa phương.

Hiện, toàn tỉnh có hơn 9.000 tàu đánh bắt xa bờ, số tàu nằm bờ hiện nay chiếm đến 50%.


Giám sát cửa hàng bán lẻ xăng dầu

Mới đây, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các đội QLTT tiến hành giám sát, duy trì hoạt động tiếp nhận phản ánh về tình hình kinh doanh xăng dầu qua số điện thoại đường dây nóng; tăng cường công tác khảo sát, giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Cục QLTT tỉnh Tiền Giang giám sát cửa hàng bán lẻ xăng dầu (Ảnh: Cục QLTT TG).

Kết quả có 4 cửa hàng đóng cửa do có liên quan hết xăng dầu tạm thời; 1 cửa hàng đóng cửa do chủ cửa hàng bệnh đột xuất nên đóng cửa tạm thời. Sau đó, 3 cửa hàng đã mở cửa trở lại; 2 cửa hàng đã có văn bản gửi Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang xin tạm ngưng hoạt động từ ngày 12/9-31/12.

Đại diện các cửa hàng trình bày: "Hiện đã hết xăng dầu và do kinh doanh không hiệu quả nên làm đơn xin tạm ngưng hoạt động".

Chia sẻ Facebook