Khát vọng hòa bình
Hòa bình trở thành nỗi khát khao, là ước mơ cháy bỏng, là sự mong chờ, là những tia hy vọng của nhiều thế hệ, trước đây, bây giờ, và mai sau nữa.
Chúng ta vừa trải qua mấy ngày nghỉ lễ, một trong những lễ trọng trong năm là ngày 30/4, ngày hòa bình, thống nhất đất nước. Năm nay trùng với giỗ tổ, nên thời gian nghỉ dài hơn, tức sự vui chơi nhiều hơn, âm hưởng của lễ lan tỏa hơn. Có sự vất vả di chuyển, sự vất vả của... chơi, của ăn uống, nhưng lắng lại, vẫn có những khoảnh khắc rưng rưng của những hồi ức, những suy nghĩ, những biết ơn, trả nghĩa... trong những ngày này.
Tôi đang sống tại Pleiku trong những ngày hòa bình này.
Trời Cao nguyên xanh lắm, mây trắng lắm, và nắng đẹp, rất đẹp.
Để có ngày hôm nay là cả những cuộc đời, là cả những số phận, những thăng trầm của Tổ quốc và nhân dân.
Giá của hòa bình hôm nay không hề nhỏ.
Đất nước chúng ta liên miên trận mạc, lịch sử từng được mô tả là một thanh gươm đẫm máu. Và dân tộc ta luôn được suy tôn là một dân tộc anh hùng, dân tộc luôn kiêu hãnh với chiến thắng, nhân dân luôn tự hào với chiến thắng, chúng ta đi từ chiến thắng này tới chiến thắng khác, trên tay cầm thanh gươm đẫm máu ấy.
Và không có chiến thắng nào là không phải trả giá.
Giá của chúng ta là hàng triệu liệt sĩ hy sinh cho Tổ quốc, hàng triệu người vợ mất chồng, người mẹ mất con, hàng triệu triệu mảnh khăn trắng trên đầu từ đời này sang đời khác, những bát hương dưới tấm bằng liệt sĩ. Và không chỉ liệt sĩ, hàng triệu người khác tử vong vì chiến tranh. Hình như chưa thống kê hết được.
Quê tôi ở Huế, trong từng gia đình đều có dấu ấn chiến tranh, chỉ trên bàn thờ thôi, đã biết bao điều cần nói, bao nhiêu điều cố quên mà không được.
Nơi tôi đang sống cũng thế, biết bao số phận, biết bao con người, bao nhiêu gia đình, có những mảnh vỡ của chiến tranh găm vào.
Và vì thế mà chúng ta yêu hòa bình, hiểu cái giá của hòa bình.
Càng đau khổ vì chiến tranh, mất mát vì chiến tranh, hy sinh vì chiến tranh, chúng ta càng quý hòa bình, càng hiểu giá của hòa bình.
Chúng ta đã hòa bình, thống nhất, nếu tính từ 1975 là bốn mươi tám năm. Một thế hệ đã sinh ra và trưởng thành, đủ để chúng ta trở lại cuộc sống bình thường, bởi rất nhiều năm, chúng ta đã phải lấy cái bất thường làm cái bình thường, và ngược lại. Trên trái đất này có dân tộc nào chịu đựng sự trái ngang đến khủng khiếp ấy không?
Chả ai tính được giá của hòa bình. Bởi cũng có ai tính được giá máu xương, giá những mất mát hy sinh, giá của đợi chờ, giá của hy vọng, thất vọng, giá của ly tán loạn lạc?...
Những tháng ngày này với chúng ta gần năm mươi năm qua, đẫm dấu ấn của hòa bình .
Nhớ hòa bình, để mà trân trọng hòa bình, yêu quý từng giây phút của hòa bình.
Chúng ta đang quyết liệt xây dựng đời sống trong hòa bình. Nhưng không hẳn lúc nào cũng suôn sẻ.
Hòa bình của chúng ta đang bị thử thách, hay chính xác là sự yên ổn của xã hội đang bị thử thách, để đến đích thân Tổng bí thư, rồi Ban bí thư, Bộ chính trị và toàn Đảng toàn dân đang vào cuộc. Ấy là công cuộc đấu tranh chống tham nhũng để giữ yên hòa bình cho đất nước, cho nhân dân đang vào hồi quyết liệt. “Lò cụ Tổng”- theo cách dân hay gọi bây giờ ngày càng rừng rực.
Rất nhiều kẻ cản đường phát triển của đất nước, đi ngược lợi ích của nhà nước, của nhân dân, lợi dụng tham ô tham nhũng, phá hoại đất nước này đang bị lôi ra ánh sáng. Người thì đang đứng trước tòa, kẻ bị khởi tố điều tra và khá đông nữa đã trong tầm ngắm. Tiền tỉ, nhiều tỉ, rất nhiều tỉ bị biển thủ, nhất là vụ Việt Á và chuyến bay giải cứu vừa qua...
Đấy là những việc hết sức cần thiết để bảo vệ hòa bình, bảo vệ sự yên ổn để phát triển của đất nước, dẫu những kẻ kia có là Ủy viên Bộ chính trị, là bộ trưởng, bí thư, chủ tịch tỉnh, là tướng tá cao cấp...
Té ra để được yên ổn hưởng hạnh phúc hòa bình cũng không phải dễ dàng gì.
Cũng trên mạng, mấy hôm nay có những cuộc tranh cãi quyết liệt, mạt sát, thậm chí mắng chửi nhau về cách nhìn nhận ngày 30 tháng 4, quan niệm về hòa hợp dân tộc.
Và mới thấy, té ra 48 năm rồi, mà vẫn còn những khoảng cách lòng người xa lắm, của những người đang sống chung trên đất nước này, dưới ánh sáng mặt trời những ngày hòa bình này.
Biết làm sao, khi mà cái khát vọng hòa bình, hòa hợp ấy nó vừa cụ thể lại vừa trừu tượng mông lung.
Và bên cạnh những nụ cười, những nụ hôn vẫn còn những toan tính để vơ vét tiền tỉ vào túi mình. Đã rất giàu rồi vẫn muốn giàu nữa.
Biết làm sao , có khi chính những kẻ ấy lại to mồm nhất để nhân danh những điều lớn lao cản trở hòa bình, hòa hợp.
Thì những kẻ “vào lò” thời gian vừa qua chẳng cũng đã từng rao giảng hết chỗ này tới chỗ kia đấy thôi.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.