Khảo sát: Khoảng 2/3 người Đức không hài lòng với Thủ tướng Scholz
Reuters đưa tin, theo kết quả khảo sát do hãng Insa thực hiện cho tuần san Bild am Sonntag, công bố ngày 21/8, khoảng 2/3 người Đức bày tỏ rằng, họ không hài lòng với công việc của Thủ tướng Đức Olaf Scholz và liên minh tồi tệ của ông kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 12 năm ngoái.
Embed from Getty Images
Chỉ 25% người Đức tin rằng Đảng Dân chủ Xã hội đang làm tốt công việc của mình, con số này giảm mạnh so với mức 46% hồi tháng 3.
Trong khi đó, có tới 62% người Đức nhìn nhận Scholz – người từng là phó thủ tướng dưới thời nhà lãnh đạo bảo thủ kỳ cựu Angela Merkel trong liên minh cầm quyền trước đó – đang làm không tốt công việc của mình, một con số kỷ lục so với 39% hồi tháng 3.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Scholz đã phải đối phó với cuộc chiến ở Ukraine, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng vọt và hiện tại là hạn hán – tất cả đều góp phần đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu đến bờ vực suy thoái.
Sự ủng hộ dành cho Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông chỉ ở mức 19%, thấp hơn nhiều so với liên minh bảo thủ và Đảng Xanh đối lập; cũng giảm khá nhiều so với mức 25,7% dành cho SPD trong cuộc bầu cử liên bang năm ngoái.
Để so sánh, liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) đã đạt được 28% sự tán thành, dẫn đầu so với Đảng Xanh (21%), SPD (19%) và FDP (8%).
Đáng lưu ý, khoảng 65% người Đức không hài lòng với công việc của chính phủ liên minh 3 bên, tăng mạnh so với mức 43% hồi tháng 3.
Kết quả khảo sát được công bố sau một tuần cực kỳ khó khăn với Thủ tướng Scholz.
Trước tiên, ông bị chỉ trích nặng nề vì không lập tức phản bác Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại một cuộc họp báo chung ở Berlin, khi nhà lãnh đạo này cáo buộc Israel gây ra “50 vụ diệt chủng Holocaust”.
Sau đó, ngày 19/8, các nghị sĩ đối lập cáo buộc ông Scholz che giấu sự thật tại một phiên điều trần về vụ gian lận thuế quy mô lớn, còn gọi là “Hồ sơ CumEx”, diễn ra trong thời kỳ ông đang là thị trưởng một thành phố cảng ở miền Bắc.
Minh Ngọc (T/h)
Đức trước bờ vực suy thoái, không còn là đầu tàu kinh tế châu Âu
Nền kinh tế Đức tăng trưởng không đáng kể, khả năng phục hồi kinh tế sau đại dịch cũng yếu hơn so với các nền kinh tế phát triển khác.